Thuyết phục mãi tôi mới được theo nhóm của anh Nguyễn Ngọc H. (xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang) lên núi tìm Nghinh Xuân săn lan rừng.
Thú vui săn lan rừng
Rạng sáng một ngày đầu tháng Chạp, tôi phóng xe máy bám theo anh H. lên xã Giang Ly (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) để đón thêm 2 thanh niên địa phương cùng đi tìm lan Nghinh Xuân ở những cánh rừng trên đỉnh Hòn Giao (xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh).
Khi chúng tôi vào đến rừng, mặt trời đã gần trên đỉnh đầu. Vừa đi chúng tôi vừa căng mắt nhìn lên những cành cây cao để tìm lan. Anh H. cho biết: “Tết Nguyên đán sắp đến, lan Nghinh Xuân ở miệt rừng núi Khánh Vĩnh cũng bắt đầu vào mùa nở hoa. Đây cũng là thời điểm rộ của mùa săn lan rừng chơi Tết, không chỉ một số người ở đồng bằng mà một số thanh niên địa phương cũng đi tìm lan về bán”. Theo chia sẻ của anh H., trước đây anh không để ý lắm đến hoa lan, nhưng từ khi rộ lên phong trào chơi lan rừng, anh cũng tìm mua một vài ký lan rừng bán ở vỉa hè trước Nhà Thiếu nhi tỉnh về trồng. Cứ thế, tình yêu của anh với lan rừng ngày một lớn dần. Những ngày nghỉ cuối tuần, anh lại lang bạt khắp các cánh rừng tìm lan để thỏa niềm đam mê. Hiện nay, trong vườn nhà anh có hàng chục giò Nghinh Xuân nhưng anh vẫn lên rừng săn loại lan này về chơi Tết. Anh lý giải: Chơi lan rừng bao giờ cũng có sức hấp dẫn và quyến rũ rất riêng. Hiện nay chỉ cần đến các vựa hoa, cây cảnh, bỏ ít tiền thì có thể mua được các loại lan cấy mô, đủ màu sắc nhưng kém hương, ít tốn công chăm sóc mà có hoa thường xuyên. Giới yêu hoa lan ít chơi lan cấy mô mà dành trọn niềm đam mê cho lan rừng. Lan rừng có sức sống mãnh liệt, nhiều loại có hương thơm ngào ngạt, màu sắc quyến rũ, hội tụ được vẻ đẹp của thiên nhiên. Bên cạnh đó, người chơi lan rừng thường phải bỏ ra không ít công sức để lên núi tầm lan, việc chăm sóc, thuần dưỡng cho lan rừng ra hoa cũng hết sức công phu. Khi lan ra hoa, người chơi tận hưởng thành quả của mình nên càng thêm hứng thú.
|
Lan Thanh Đạm đang cho hoa |
Nghe anh H. giảng giải, tôi mới biết lan Nghinh Xuân ra hoa vào đúng dịp Tết nên được người miền Trung đặt cho tên này. Người miền Nam gọi Nghinh Xuân là Ngọc Điểm bởi hoa có 5 cánh dày dặn và khum lại tạo thành 1 điểm, còn người miền Bắc gọi là Đai Châu, ý là hình dáng chuỗi hoa sắp nở lung linh như chuỗi ngọc. Loại lan này có nhiều màu như: trắng, trắng hồng nhưng đẹp nhất và được nhiều người yêu thích nhất là màu đỏ thắm. Một điểm đặc biệt của Nghinh Xuân là hoa có hương rất thơm.
|
Một số thành quả trong chuyến đi tìm lan của chúng tôi |
Góp chuyện với chúng tôi, Cao T., người thường xuyên đi tìm lan rừng với anh H. tâm sự: “Săn lan rừng cũng nhọc nhằn lắm. Muốn tìm được lan phải băng rừng, vượt suối, lên tận núi cao, xuống suối sâu và may mắn mới gặp được lan đẹp”. Thế nên, trong chuyến săn lan hôm đó, khi phát hiện ra mấy cành lan Thủy Tiên, Vẩy Rồng, Long Tu, Thanh Đạm, Đoản Kiếm, Trường Kiếm, Nghinh Xuân... treo lơ lửng trên cành cây, Cao T. reo to như bắt được vàng: “Chuyến này hên rồi!”. Ngay sau khi phát hiện lan rừng, cả nhóm bắt đầu thu hoạch. Người trèo, người bám trên những cành cây to để hái lan. Thấy một cây Nghinh Xuân vắt vẻo trên cành mục của cây sao cao khoảng 15m, vòi hoa đã ra khoảng 7cm, anh H. mừng rỡ quay sang nói 2 người đi cùng trèo lên cây, buộc dây vào cành cây khô, sau đó mới dùng cưa tay cắt cành cây mục có cụm Nghinh Xuân đang bám rồi cẩn thận kéo xuống. “Thế là có được nhánh Nghinh Xuân như ý rồi”, anh H. nói.
Nghề chơi cũng lắm công phu...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ khi phong trào chơi lan rừng rộ lên cách đây vài năm, giá bán lan rừng từ vài chục nghìn đã tăng lên vài trăm nghìn đồng, thậm chí tiền triệu mỗi ký tùy theo độ quý hiếm của từng loại. Với giá khá cao như vậy nên không ít người đã “cơm đùm gạo nắm” lên núi săn lan rừng. Nếu may mắn, một ngày họ có thể thu về tiền triệu. “Đối với lan Nghinh Xuân, do nhiều người săn lùng để chơi Tết nên ngày càng khan hiếm, giá mỗi giò có hoa nở vào dịp Tết có thể lên đến tiền triệu, thậm chí cả chục triệu đồng. Nếu bắt gặp một nhánh lan loại này có vòi hoa thì coi như trúng lớn”, Cao T. nói thêm.
|
Chăm sóc lan Nghinh Xuân để chơi Tết |
Tuy thu nhập từ việc săn lan khá cao nhưng người đi săn lan rừng cũng gặp không ít hiểm nguy. Pi Năng Th., một người trong nhóm săn lan chia sẻ: “Lan rừng thường bám vào những thân, cành cây đã khô mục, hoặc những cây cao ở rừng sâu, bên vách đá nên việc lấy chúng rất nguy hiểm. Người tìm lan phải dạn dày kinh nghiệm đường rừng, có sức khỏe tốt và phải leo trèo giỏi”. Pi Năng Th. kể, có lần, anh đang leo lên cây lấy lan thì đụng phải... rắn độc, may mà anh phát hiện sớm, chờ con rắn bỏ đi mới trèo lên hái tiếp, nếu không chưa biết sẽ như thế nào. Không riêng Pi Năng Th., hầu như ai đi săn lan rừng cũng từng bị một vài trận sốt, bị ong đốt, thậm chí rắn độc cắn, hay không cẩn thận khi trèo cây nên bị ngã chấn thương.
Qua câu chuyện với anh Nguyễn Ngọc H. tôi mới biết, những năm gần đây, cứ vào dịp Tết, nhiều người muốn có giò Nghinh Xuân để chơi. Loài hoa được họ chọn phải là lan rừng chính hiệu với nét đẹp tự nhiên tinh khiết, quyến rũ. “Nhu cầu chơi lan rừng của người dân phố thị ngày càng cao, vì vậy dòng chảy lan rừng về phố ngày càng ồ ạt, nguy cơ nhiều loài lan quý sẽ bị xóa sổ đang thấy rõ. Giá như người ta đừng khai thác lan rừng theo kiểu tận diệt, hoặc sau khi bán những cành hoa đẹp có giá trị cao, còn lại số lan rừng nhỏ lẻ, họ gom góp mang về chăm sóc, tạo dáng để lan sinh trưởng phát triển tốt, ổn định rồi mới bán thì hay biết mấy”, anh H. tâm sự.
Trời ngả về chiều, nhóm người tìm lan rừng đã lấy được 3 - 4 ký các loại lan ưng ý. Anh H. dùng giấy báo bao gói cẩn thận, đặc biệt là cành lan Nghinh Xuân để không bị “trầy xước”. Núi rừng đang độ vào xuân, lòng người cũng trở nên rộn rã, trên đường về anh H. cao hứng cất vang tiếng hát: Về thăm thành phố náo nức mùa xuân/ba lô trên lưng mang theo nhánh lan rừng...
Theo Khánh Hòa Online