Hành trình vượt 1.700km xuyên dịch bằng xe máy của gia đình 5 người Lào Cai

Google News

Khi dịch căng quá, Giàng Đỗ Chai bàn với vợ quyết định về Lào Cai bằng xe máy vì không có xe liên tỉnh và cũng vì không đủ tiền để cả gia đình đi.

Đi làm 4 tháng không dư ra đồng nào
Sau một ngày về đến Lào Cai, được cách ly, ăn, ngủ nghỉ tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Phong Niên (huyện Bảo Thắng, Lào Cai), sức khoẻ của Giàng Đỗ Chai cùng vợ và 3 đứa con của họ dường như đã hồi phục.
Hanh trinh vuot 1.700km xuyen dich bang xe may cua gia dinh 5 nguoi Lao Cai
Hình ảnh gia đình Giàng Đỗ Chai vượt 1.700km bằng xe máy từ Lâm Đồng về Lào Cai lan truyền mạnh trên mạng xã hội. Ảnh: TL. 
Nhìn các con của họ nô đùa thoải mái mà Giàng Đỗ Chai đến giờ cũng không tin nổi hành trình 1.700km đi xe máy của họ từ Lâm Đồng về Lào Cai bình an.
"Các con của mình chúng rất đáng yêu và rất ngoan trong suốt chuyến đi kéo dài mấy ngày liền cùng bố mẹ. Khi về đến Lào Cai, ông bà nghe tin cũng vui lắm”, Giàng Đỗ Chai nói.
Giàng Đỗ Chai sinh năm 1988 là người dân tộc Mông ở Yên Bái, đến năm 2.000 thì lên thôn Ải Nam, thị trấn Phong Hải (huyện Bảo Thắng) lập nghiệp, lấy vợ rồi sinh 3 con. Đứa lớn nhất của Giàng Đỗ Chai mới 4 tuổi, đứa nhỏ còn bế ẵm.
“Khi COVID, ở nhà không có việc gì làm. Mấy anh em ở Lâm Đồng vào trước thấy có việc thì mình đưa gia đình vào theo. Ở trong đó đi nhổ rau, nhổ hành theo công nhật, thu nhập cũng khá hơn ở Lào Cai tuy nhiên so với đi làm thuê ở Trung Quốc thì không bằng đâu. Ở đó, có nhiều việc cho mình làm thôi. Mình mang cả vợ con đi vào Lâm Đồng, trừ tiền thuê nhà, gửi trẻ, tiền ăn mỗi tháng cũng chẳng được bao nhiêu. Đi làm được 4 tháng không dư ra đồng nào. Gửi về nhà được mấy triệu, còn ít tiền tưởng không đủ để về đến nhà cơ”, Giàng Đỗ Chai nói.
Cũng theo Chai, rau và hành trồng ra chủ yếu bán cho thị trường Sài Gòn nhưng khi Sài Gòn áp dụng giãn cách xã hội thì công việc này gặp khó khăn nên trước đó một tháng đã không có việc để làm.
Khi dịch căng quá, Giàng Đỗ Chai bàn với vợ quyết định về Lào Cai bằng xe máy vì không có xe liên tỉnh và cũng vì không đủ tiền để cả gia đình đi.
Hanh trinh vuot 1.700km xuyen dich bang xe may cua gia dinh 5 nguoi Lao Cai-Hinh-2
Gia đình Giàng Đỗ Chai trong khu cách ly của huyện Bảo Thắng (Lào Cai). Ảnh: NVCC 
Đi xuyên đêm, mệt đâu nghỉ đó
Xuất phát xã Hiệp Thạch (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) từ ngày 24/7, 5 người (3 trẻ nhỏ sinh năm 2018-2021) trong gia đình Giàng Đỗ Chai đi trên chiếc xe máy cà tàng sau 7 ngày (31/7) đã đến Lào Cai.
"Đi đến đâu mệt thì nghỉ ngơi ở đó. Mỗi ngày mình ngủ khoảng 4-5h tiếng sau đó lại dậy đi. Buổi tối đi đến tầm 9-10h rồi ngủ đến gần sáng. Còn buổi trưa, tránh đỉnh nắng thì mình nghỉ cũng cho trẻ con nó đỡ mệt, sau đó đi tiếp. Tất cả đều, ăn ngủ dọc đường luôn, đi xa nó mệt và buồn ngủ lắm”, Giàng Đỗ Chai kể.
Khó khăn nhất trong chuyến đi này là đi ngày, đi đêm, lúc gặp mưa, gặp nắng. Trẻ con ở trên xe máy nhiều giờ đồng hồ nên chúng rất khó chịu.
"Lúc đi ở tỉnh Quảng Nam và Gia Lai thì mình bị dính mưa nhưng cứ thế mà quàng áo mưa đi tiếp chứ không nghỉ. Từ Đà Nẵng trở ra thì chỉ nắng to”, Giàng Đỗ Chai nói.
Từ Lâm Đồng qua Đăk Lăk đến Kon Tum, gia đình Giàng Đỗ Chai cũng như đoàn xe máy di cư về quê chống dịch được cảnh sát đón và dẫn đường. Qua tỉnh nào thì địa phương ấy bố trí xe dẫn đến hết địa phận tỉnh đó nên việc di chuyển lúc này cũng khá thuận lợi.
Xe của cảnh sát dẫn đoàn xe máy di cư về quê chống dịch khi đến các trạm kiểm soát dịch thì được dừng nghỉ, phát bánh mỳ, nước uống. Có nơi ngoài xe bồ câu dẫn đường, xe ô tô còi ủ còn có xe cấp cứu… đi theo.
Gia đình thuộc diện hộ nghèo, không phải chi trả phí cách ly
Cũng theo Giàng Đỗ Chai, việc đi về Lào Cai bằng xe máy là cực chẳng đã bởi nó không giống một chuyến đi phượt, song nó cũng là một trải nghiệm để thấy đất nước mình dài rộng và đẹp, với những con người hiền hoà và giàu lòng nhân hậu giúp đỡ mọi người lúc khó khăn.
“Quãng đường từ Lâm Đồng ra đến Lào Cai, mình thấy đường khá bằng phẳng và đẹp. Khi đến Thanh Hoá biết được Hà Nội đang giãn cách thì mình đi hướng Hoà Bình lên Mộc Châu (Sơn La) rồi về Sa Pa (Lào Cai), mặc dù có hơi lòng vòng. Khi đặt chân đến đất Lào Cai, mình cảm thấy sung sướng lạ lắm, cảm thấy dễ chịu và thoải mái”, Giàng Đỗ Chai nói.
Cũng theo Giàng Đỗ Chai, suốt hành trình qua nhiều tỉnh thành song không phải test Covid nhiều lần. Suốt hành trình này, 2 vợ chồng Giàng Đỗ Chai chỉ phải kiểm tra 1 lần duy nhất.
'Khi đi qua các tỉnh được cảnh sát các tỉnh dẫn đoàn thì không phải test COVID-19. Tuy nhiên, khi gia đình mình đến Thanh Hoá thì phải test nhanh mất gần 200 nghìn đồng/người. Song người ở đó cho tiền để được test cho 2 vợ chồng. Dọc đường đi cũng có nhiều xe bị hỏng, công an họ cho lên xe tải để chở đến điểm dừng thì sửa chữa và đi tiếp”, Giàng Đỗ Chai kể.
Hanh trinh vuot 1.700km xuyen dich bang xe may cua gia dinh 5 nguoi Lao Cai-Hinh-3
Cả gia đình Giàng Đỗ Chai đã hồi phục sức khoẻ sau khoảng 7 ngày đi xe máy từ Lâm Đồng về Lào Cai. Ảnh: NVCC 
Khi về đến chốt kiểm dịch COVID-19 ở Sa Pa (Lào Cai), giấy xét nghiệm nhanh COVID-19 của vợ chồng Giàng Đỗ Chai vẫn còn hiệu lực nên không phải kiểm tra, cho đến khi được vào khu cách ly thì việc lấy mẫu kiểm tra SARS-Cov-2 bắt buộc.
Cũng theo Giàng Đỗ Chai, ăn uống trong khu cách ly khá ngon, mỗi người được một suất xôi sáng, trưa và tối mỗi người một suất cơm đưa tận phòng, có trứng, thịt lợn, rau, cơm đủ chất và ăn no.
Ông Trần Xuân Lộc - Đội trưởng khu cách ly tập trung của huyện Bảo Thắng (Lào Cai) cho biết, hiện khu cách ly của huyện có 84 công dân đang thực hiện cách ly. Hiện nay, ở khu cách ly có 2 gia đình có con nhỏ, trong đó gia đình Giàng Đỗ Chai có 3 con nhỏ và một gia đình khác có 1 con nhỏ (là trường hợp từ Hà Nội về).
“Các công dân vào khu cách ly đều phải lấy mẫu 3 lần trong vòng 14 ngày trước khi được về nhà. Trong đó gồm lấy mẫu ngày đầu tiên, ngày thứ 7 và ngày thứ 14. Tất cả các trường hợp từ vùng dịch về Lào Cai cách ly tại huyện từ ngày hôm 31/7 đều đã được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả đều âm tính SARS-Cov-2”, ông Lộc thông tin.
Cũng theo ông Lộc, cơ bản các cháu nhỏ của những gia đình này đều ăn được cơm nên vẫn ăn theo tiêu chuẩn bình thường. Các cháu là người dân tộc thiểu số nên bố mẹ của các cháu cho ăn cơm từ rất sớm. Tuy nhiên, anh em trong khu cách ly vẫn mua bánh sữa thêm cho các cháu.
Đặc biệt, gia đình Giàng Đỗ Chai về đến địa phương được đưa vào khu cách ly nhưng được bố trí ở phòng riêng nên việc sinh hoạt khá thuận tiện cho cả gia đình và có không gian cho các cháu chơi đùa thoải mái.
Gia đình Giàng Đỗ Chai thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo cho nên không phải đóng bất kỳ khoản phí nào khi cách ly tại đây.
>>> Mời quý độc giả xem video: Y bác sĩ Đà Nẵng kiệt sức giữa tâm dịch COVID-19

Nguồn: THĐT


Theo Hải Đăng/Nông nghiệp Việt Nam