Đại học Harvard luôn là ngôi trường gây nhiều chú ý nhất đối với dư luận thế giới. Người ngoài trường quan tâm từ những điều nhỏ nhặt nhất như thư viện và nhà ăn Harvard đẹp cỡ nào, hay thậm chí quan tâm sân trường Harvard có bao nhiêu viên gạch; đến những điều cụ thể hơn như sinh viên Harvard học như thế nào, thành công ra sao…
Với bản chất ít người theo học tại ngôi trường thuộc top khó vào nhất thế giới, nhiều câu chuyện về Harvard dừng lại ở mức độ đồn đoán. Đây cũng là lý do một bài thổi phồng thiếu cơ sở như 4 rưỡi sáng ở Harvard lại được chia sẻ hàng loạt. Sau đó, cũng trong sự khan hiếm thông tin, nhiều câu chuyện về trầm cảm, tự tử vì áp lực và tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên Harvard vẽ nên một bức tranh rất khác về ngôi trường này.
|
Ảnh minh họa. |
Nhưng, sau tất cả những thổi phồng và sự thật ấy, Harvard còn lại gì? Harvard có thực sự là nơi hội tụ những tinh hoa hay không? Những lợi ích của việc được học ở Harvard liệu có đáng để bù đắp những câu chuyện về áp lực và trầm cảm ở ngôi trường này không? Harvard có hảo danh vô thực?
Sự thật
Những ưu điểm không bị thổi phồng
Thời gian của tôi ở Harvard không phải là thiếu áp lực, thiếu những đêm thức trắng, hay hàng loạt những than phiền mà tôi và bạn bè thường nói với nhau. Tuy nhiên, khi phải ngồi xuống và viết một bài để nói về trải nghiệm chung ở Harvard, đầu tôi chỉ hiện lên những điều tốt đẹp. Trước hết, điều tôi quý trọng nhất ở Harvard là có được những người bạn đồng hành tốt nhất có thể.
"Harvard, bốn rưỡi sáng" là bài văn đáng để cả tỷ người trên thế giới đọc đi đọc lại và cảm nhận sâu sắc. Tôi đã đọc ít nhất 100 lần. Tôi tin rằng bạn càng đọc càng thu nhặt được nhiều điều lớn lao.
Một giáo sư Princeton từng khuyên tôi vì sao nên chọn học tiến sĩ ở Harvard: “Người ta có thể không chắc việc dạy học ở Harvard có giúp học sinh thêm được gì không, nhưng điều không thể chối cãi là ở Harvard, em sẽ có cơ hội được học chung với những người ưu tú nhất”.
Là trường chất lượng đầu vào rất cao, ở Harvard, nếu chịu khó tìm, học sinh nào cũng có thể tìm cho mình những người bạn đầy hoài bão, tài năng và suy nghĩ rất đa chiều.
Người ta có thể không chắc việc dạy học ở Harvard có giúp học sinh thêm được gì không, nhưng "điều không thể chối cãi là ở Harvard, em sẽ có cơ hội được học chung với những người ưu tú nhất”.
Nhóm bạn thân của tôi ở Harvard gồm một cô bạn người Nga được nhận học bổng tiến sĩ năm 20 tuổi, một người Hàn Quốc mơ được viết cuốn sách nổi tiếng toàn cầu và một người Mỹ đã bỏ ngang sang môn kinh tế học sau 2 năm học tiến sĩ Toán ở Stanford.
Qua quá trình học tập và nghiên cứu cùng nhau, tôi lại học được những giá trị rất riêng từ mỗi người: Tính khiêm tốn, biết mơ ước. Cô bạn người Nga dạy tôi không bao giờ đầu hàng dù công việc có khó đến đâu.
Sau bạn bè, tôi rất trân trọng việc Harvard có nhiều giáo sư hàng đầu và tương đối dễ tiếp cận.
Harvard có rất nhiều giáo sư đoạt giải Nobel (GS Oliver Hart năm nay vừa thắng Nobel Kinh tế) và nhiều học giả nổi tiếng khác.
Công bằng mà nói, mỗi trường có một thế mạnh riêng và cũng có một dàn giáo sư mạnh ở các ngành tương ứng. Nhưng, Harvard vẫn đang dẫn đầu ở rất nhiều lĩnh vực, trong đó có bộ môn Kinh tế.
Nhưng nếu chỉ kể ra thành tích của các giáo sư, bạn không thể hiểu hết lợi ích của các “giáo sư ngôi sao” này. Lợi ích chính, theo tôi, vượt ra giới hạn của lớp học và giảng đường.
Ví dụ Khoa Kinh tế của tôi có GS Ken Rogoff - nguyên là nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Thầy thường được nhiều kênh truyền thông và diễn đàn mời để xin tư vấn kinh tế.
Thầy rất bận nhưng nếu muốn hẹn gặp, cuộc hội thoại có thể chỉ cần 3 dòng email: “Thầy ơi, mình gặp để bàn về nghiên cứu của em được không ạ?”, “Thứ 6 tuần sau?”, “Ok ạ. Cảm ơn thầy”. Không phải ai cũng như GS Rogoff, nhưng tôi thấy những giáo sư Harvard mà từng tiếp xúc rất tận tâm với học sinh.
Ngoài chuyên môn, tôi được truyền nhiều cảm hứng làm việc từ các giáo sư. Có đêm, tôi tự cho phép mình nghỉ ngơi sau một ngày đi vài hội thảo, nhưng lại nhận được email trao đổi công việc vào 23h của nữ giáo sư tôi nghiên cứu cùng, dù hôm đó cô cũng tham dự những seminars tôi đã đến. Tôi được truyền cảm hứng để làm việc chăm chỉ hơn.
Sau các yếu tố con người, một ưu điểm khác của Harvard - có phần thực tiễn hơn - là trường rất mạnh về tài chính.
Tôi không nói đến các con số học bổng mà mọi người hay đọc trên báo. Những con số đó chỉ đơn thuần là hỗ trợ tài chính (ăn, ở, học phí) - chính sách để Harvard đảm bảo rằng học sinh dù giàu hay nghèo cũng có thể theo học. Điểm mạnh về tài chính mà tôi đang nói là những khoản hỗ trợ thêm cho nghiên cứu và học tập của học sinh.
Đối với nghiên cứu sinh tiến sĩ, điều này có nghĩa chúng tôi có thể dễ dàng xin kinh phí nghiên cứu, hay kinh phí khách sạn và máy bay để đi dự hội thảo, các khóa học hội thảo ở nước khác.
Sinh viên bậc đại học cũng hay được hỗ trợ học bổng để làm luận văn hay thực tập mùa hè ở đâu đó. Tôi nghĩ quy tắc chung là cần có ý tưởng tốt. Một khi đã có ý tưởng, trường sẽ cố gắng giúp bạn biến ý tưởng đó thành hiện thực. Những trường không rộng rãi về tài chính sẽ ít chi trả hỗ trợ học sinh hơn cho những hoạt động này.
Harvard, bốn rưỡi sáng: 'Có thể sinh viên thức để chơi'
Anh Trương Phạm Hoài Chung hài hước nói Đại học Harvard sáng đèn lúc nửa đêm có thể do sinh viên còn vui chơi, chưa chịu đi ngủ.
#Ưu điểm
Hiểu Harvard theo đúng ý nghĩa của nó
Chúng ta nên cùng thừa nhận, dù tốt đến mấy, Harvard vẫn là một ngôi trường với nhiều khuyết điểm. Nhiều bài viết chỉ ra sinh viên Harvard thất nghiệp, trầm cảm, áp lực cạnh tranh ở trường lớn, nhiều scandal phân biệt đối xử giới tính, gian lận trong thi cử… Thế nhưng, cho mỗi khuyết điểm nêu trên, tôi có thể dẫn ra một ưu điểm khác của Harvard tốt hơn và thể hiện rõ hơn cái tôi nghĩ là trải nghiệm của đa số so với vài trường hợp cá biệt kia.
Sinh viên Harvard thất nghiệp (và ở đâu cũng thế), nhưng họ cũng có lương khởi điểm và lương giữa sự nghiệp trung bình cao nhất nước Mỹ.
Đúng, sinh viên Harvard có trầm cảm và áp lực cạnh tranh, nhưng cũng có nhiều hơn những câu chuyện ấm lòng về bạn bè giúp đỡ lẫn nhau và cùng phát triển.
Đúng, Harvard có những hội kín dành riêng cho nam giới rất lâu đời, rất giàu, và mang tiếng vì những trường hợp tấn công tình dục, nhưng ban giám hiệu nhà trường cũng đang tuyên chiến với hiện trạng trên bằng cách cấm thành viên của các hội kín ấy không được giữ chức vụ lãnh đạo hội học sinh trong trường.
Câu chuyện về Harvard thường xuyên bị thổi phồng bởi người ngoài, để rồi những bong bóng đồn đoán này lại bị đập vỡ sau đó cũng bởi người ngoài.
Những người tin vào câu chuyện thổi phồng về Harvard và những người thất vọng về Harvard khi biết những mặt trái của nó, chắc hẳn chưa bao giờ thực sự biết về trường.
Một bên nhìn vào Harvard bằng lăng kính màu hồng, trong khi bên còn lại cố gắng phản biện với những thông tin tuy khách quan, cũng chọn lọc một cách tiêu cực.
Trên thực tế, Harvard mà tôi biết rất tốt, rất ấm áp. Đâu đó vẫn còn tồn đọng tiêu cực, nhưng nhà trường từng ngày vẫn đang tích cực giải quyết những mặt tiêu cực ấy.
Suy cho cùng, Harvard vẫn có đầy những ưu điểm có thực mà người ta không bàn tới. Harvard trên thực tế không hào nhoáng bằng nhà ăn hay thư viện, mà tốt một cách im lặng hơn bằng sự tập trung trí thức, môi trường đầy sự hỗ trợ, và bằng khả năng tự nhìn lại và không ngừng cải thiện.
Để đánh giá đúng về Harvard, người ta cần hiểu hơn về những giá trị thật sự của nó.
Theo Châu Thanh Vũ/Zing