Thời gian gần đây, báo điện tử Kiến Thức nhận được không ít phản ánh của độc giả về hệ thống chuỗi cửa hàng mỹ phẩm nhập khẩu Coco Shop bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Qua thông tin phản ánh, rất nhiều mỹ phẩm nhập khẩu được bày bán tại Coco Shop không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định pháp luật. Điều này khiến khách hàng đặt ra nghi vấn về việc Coco Shop có bán mỹ phẩm nhập lậu hay không?
|
Cửa hàng Coco Shop tại 80 Chùa Bộc. |
Theo phản ánh của độc giả, PV Kiến Thức đã ghi nhận thực tế tại cửa hàng của Coco Shop ở địa chỉ 80 Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội. Tại đây, rất nhiều sản phẩm bày bán không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Cụ thể, chai xịt thơm toàn thân Victoria's Secret – Crusehd Petals, sữa rửa mặt Cetaphil Daily Facial Cleanser, sữa rửa mặt Innisfree… không hề có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt dù đây là những dòng mỹ phẩm nhập ngoại. Bên cạnh đó, rất nhiều loại thực phẩm chức năng cũng được bày bán với tình trạng tương tự. Đơn cử là sản phẩm hạt Chia túi đen.
|
Từ chai xịt thơm Crused Petals.. |
|
...đến hạt Chia túi đen |
|
Không có tem nhãn phụ tiếng Việt. |
Tại cửa hàng, nhân viên liên tục chăm sóc khách vào mua và giới thiệu các sản phẩm mỹ phẩm của Coco Shop đều được nhập khẩu từ các thương hiệu uy tín quốc tế. Cầm trên tay chai nước hoa Suddenly, nữ nhân viên giới thiệu sản phẩm được nhập khẩu từ Đức, giá 200.000 VNĐ. Và đương nhiên trên chai này không hề có tem nhãn bằng tiếng Việt.
Khi được hỏi, nhân viên này cho biết đây là những sản phẩm xách tay từ nước ngoài.
Mời quý vị độc giả theo dõi clip sản phẩm của Coco Shop không có tem phụ:
Nước hoa Suddenly không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Dạo quanh 1 vòng Coco Shop 80 Chùa Bộc, PV nhận thấy rất nhiều sản phẩm đều không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt. Do đó, khách hàng không thể biết được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và sản phẩm đó đã được phép lưu hành tại Việt Nam chưa? Đặc biệt là chất lượng của sản phẩm cũng rất mập mờ.
Theo Nghị định số 89/2006/NĐ – CP về nhãn hàng hóa và Nghị định 43/2017/NĐ-CP nêu rõ: “Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc."
Việc sản phẩm nhập khẩu buộc phải có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt trong luật đã quy định rõ. Mục đích nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng kiểm soát, phân biệt được với hàng hóa nhập lậu. Trên nhãn phụ phải chứa đựng đầy đủ các thông tin hướng dẫn sử dụng, thành phần công thức đầy đủ, tên tổ chức sản xuất, nước sản xuất, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; định lượng thể hiện bằng khối lượng tịnh hoặc thể tích; số lô sản xuất; ngày sản xuất... tuy nhiên rất nhiều sản phẩm bày bán trong Coco Shop không có ten nhãn phụ tiếng Việt.
Theo quảng cáo trên website của Coco Shop, hệ thống cửa hàng mỹ phẩm này có 5 cửa hàng tại Giảng Võ, Hà Nội, 80 Chùa Bộc, Hà Nội, Cầu Giấy, Hà Nội và 1 ở Hạ Long, Quảng Nình; thị trấn Yên Mỹ, Hưng Yên.
Song, ngoài thông tin địa chỉ các cửa hàng thì trên website của Coco Shop không hề có thông tin về công ty chịu trách nhiệm nhập khẩu sản phẩm, công ty phân phối sản phẩm, đơn vị pháp nhân chịu trách nhiệm trước chất lượng sản phẩm và trước pháp luật cũng đang đánh đố khách hàng.
Qua tìm hiểu của PV, được biết trong tháng 6/2018, chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Coco Shop từng bị Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, xử phạt hành vi kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu. Thông tin cụ thể sẽ được PV đăng tải trong những bài viết sau.
Hiện, Kiến Thức đang liên hệ với cơ quan chức năng và người đại diện của Coco Shop để làm rõ những vấn đề mà độc giả đang phản ánh.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin.
Thế Hoàng - Quý An