|
Cảnh tắc đường thường xuyên diễn ra tại Hà Nội khiến người dân ngao ngán. Ảnh: Laodong.vn
|
Bạn đọc Đỗ Văn Sơn nêu giải pháp tất cả các phương tiện tham gia giao thông, kể cả xe đạp, không được phép rẽ trái mà chỉ được rẽ phải. Theo bạn đọc, làm như vậy sẽ không còn nạn tắc đường.
Cùng ý tưởng này, bạn đọc Nguyễn Trai phân tích: Tắc đường tại các ngã giao cắt chứ không tắc giữa đường. Chỗ giao cắt như chỗ trũng, đường dẫn đến chỗ giao cắt như dòng sông đổ về chỗ trũng, càng nhiều dòng đổ về càng dễ ngập lụt. Vì vậy, bạn đọc này đề nghị phải buộc xe đi thẳng hay buộc rẽ hướng để giảm xe cùng đổ về một chỗ, điều này sẽ giảm bớt ùn tắc.
Bạn đọc Hoàng Văn Biên đưa ra một ý tưởng khá lạ: Đã ai nghĩ đến việc làm thêm 1 con đường bằng kết cấu thép trên cao, cách mặt đường hiện có khoảng 4 mét chưa?
Bạn đọc Nguyễn Minh Trung cho rằng, Hà Nội cần áp dụng đồng loạt nhiều biện pháp, ngắn hạn, dài hạn, thực tế, phù hợp. Ví dụ: Dài hạn thì bỏ xe máy đi phương tiện công cộng, phân bố đô thị, chuyển nhà máy, công sở... Ngắn hạn cần làm ngay là phân luồng dải cứng ở một số trục đường rộng đã cải tạo như Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng…; nghiên cứu thời gian đèn giao thông chưa phù hợp (đường Láng...). Cùng với đó, cần bỏ triệt để loại hình phương tiện không phù hợp, cũ kỹ xấu xí.
Bạn đọc Lê Bình bày tỏ bi quan: Không có kế sách gì giải quyết được nạn kẹt xe, tắc đường ở Hà Nội do chính quyền đã không có quy hoạch và thực hiện nghiêm quy hoạch về dân số, hạ tầng giao thông cho thành phố. Cụ thể, đã cấp phép cho xây dựng quá nhiều nhà cao tầng mà không dành quỹ đất và bắt buộc chủ đầu tư làm đường giao thông cho tương xứng. Giờ thì người đông, đường ít là hết thuốc chữa rồi, các giải pháp phân luồng, điều tiết, phát triển giao thông công cộng (BRT)… như đã làm chỉ là tình thế không giải quyết được căn cốt. Đập bỏ cái đã xây không được, làm mới đường xá thì không còn đất và không có tiền; cấm dân mua xe, ra đường không được....
Theo bạn đọc này, vì vậy, chỉ còn cách cuối cùng: Quy hoạch và xây dựng thành phố ra ngoại vi với hạ tầng, tiện ích và giao thông tốt hơn hẳn. Người dân sẽ tự dịch chuyển nơi ở, giãn bớt mật độ dân số trong thành phố hiện tại. Nếu làm được như vậy, 30-40 mươi năm nữa, chúng ta sẽ có thủ đô hiện đại và không tắc đường.
Bạn đọc Đỗ Trọng Thắng đồng tình cần chuyển các trường đại học, cơ quan ra vùng ven, nhưng lưu ý, những diện tích đất các đơn vị này trả lại nên dùng vào các tiện ích công cộng, bởi nếu thu hồi đất vàng xong lại cho xây chung cư thì tốc độ tắc đường càng nhanh đến chóng mặt.
Một bạn đọc khác cũng cho rằng, các bệnh viện, trường học… đã được di chuyển thì các khu đất không được xây văn phòng, cao ốc, phân lô, bán đất... mà chỉ để trồng cây xanh hoặc làm hồ điều hòa.
|
Mỗi khi trời mưa, tình trạng tắc đường tại Hà Nội lại trầm trọng hơn. Ảnh: Tạ Quang.
|
Bạn đọc Nguyên Ngọc Tuấn lại có một góc nhìn khác: Số lượng phương tiện giao thông tăng là do nhu cầu tất yếu. Phương tiện giao thông cá nhân tăng là do phương tiện công cộng kém. Hãy xem thiết kế bố trí xây dụng giao thông đã hợp lý chưa? Chung cư, trường học, bệnh viện có nhiều đến mấy, nếu giao thông đạt tỷ lệ tương đối và bố trí hợp lý thì sẽ không tắc.
“Cách giải quyết có lẽ các nhà quản lý biết rõ, chỉ là chưa làm thôi. Chứ không phải là không biết tại sao tắc và làm thế nào hết tắc”- bạn đọc này bình luận.
>>> Xem thêm video: Ngã Tư Sở vẫn hoàn... "khổ" sau vài ngày thông xe vành đai 2 trên cao
Theo VTV - Đài TH Việt Nam
Theo Bảo Hân (Lao Động)