Tin tưởng những điều Mai nói là thật, nhiều người đã “sập bẫy” của Mai khi đưa cho chị ta số tiền cả trăm triệu đồng. Hậu quả là các bị hại đều chung cảnh tiền mất, tật mang. Ngày 9/2, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà hình sự phúc thẩm xét xử vụ án này.
Theo bản án sơ thẩm của TAND quận Hoàng Mai, tháng 3/2016, biết chị Phạm Thị Nga (quê ở Ninh Bình; đã tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh của một trường đại học) chưa xin được việc làm, Mai tự giới thiệu mình là Hiệu trưởng hai trường mầm non trên địa bàn Hà Nội nên có thể xin cho chị Nga đi học chuyên ngành mầm non với giá khoảng 45 triệu đồng.
Mai hứa hẹn, khi chị Nga học xong sẽ được Mai bố trí công việc ổn định và hưởng lương cao. Tin tưởng Mai có thể làm được điều này nên chị Nga đã chuyển cho Mai số tiền trên.
Sau hai tháng sau kể từ ngày nhận tiền, Mai không thực hiện được như đã hứa và cũng không trả lại chị Nga số tiền trên. Do bị thúc giục nhiều lần và biết không thể thực hiện được lời hứa, Mai tiếp tục lừa đảo bằng cách, bảo chị Nga đưa số tiền 10 triệu đồng để Mai lo chạy việc vào một công ty khác với lương cao.
Tin tưởng Mai, chị Nga lại đưa số tiền trên theo yêu cầu. Nhưng đến hẹn Mai không thực hiện được như đã hứa cũng không trả lại chị Nga số tiền trên.
|
Bị cáo Mai (đứng) tại phiên toà phúc thẩm. |
Tháng 6,2016, qua quan hệ xã hội, Mai biết chị Ngô Thị Ánh Tuyết (quê ở Bắc Ninh) là chủ một cơ sở mầm non ở địa bàn thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. Biết chị Tuyết có nhu cầu làm thẻ bảo hiểm theo diện người thân của lực lượng vũ trang, Mai nói với chị Tuyết mình có thể làm được. Đổi lại, Mai yêu cầu chị Tuyết phải chi số tiền 4 triệu đồng một trường hợp để Mai đi quan hệ.
Tin tưởng Mai có thể làm được thẻ bảo hiểm của người thân lực lượng vũ trang, chị Tuyết đã đưa số tiền 8 triệu đồng nhờ Mai làm giúp 2 thẻ bảo hiểm của Quân đội, địa điểm khám chữa bệnh tại Bệnh viện 108 Quân đội.
Nhận số tiền trên, Mai không thực hiện được như đã hứa với chị Tuyết mà sử dụng vào mục đích cá nhân.
Tháng 9/2016, Mai quen biết và giới thiệu với chị Lê Thị Quỳnh Trang (ở Hà Nội) là chủ một cơ sở mầm non. Vẫn với chiêu trò cũ, Mai giới thiệu với chị Trang rằng, nhà mình có xưởng gỗ nên có thể làm cho người quen, đặt hàng nhiều với giá rẻ. Chị Trang nhờ Mai giới thiệu để mua một số đồ gỗ phục vụ cho cơ sở giáo dục của mình với tổng giá trị khoảng 50 triệu đồng.
Mai yêu cầu chị Trang chuyển trước số tiền 10 triệu đồng vào tài khoản một người quen của Mai. Sau khi nhận số tiền trên, Mai không thực hiện như đã hứa cũng không trả lại tiền cho chị Trang.
Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Mai 40 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau phiên toà sơ thẩm, Mai làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo Mai vẫn thừa nhận hành vi phạm tội như trên, đồng thời tỏ thái độ ăn năn, hối cải, xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm có cơ hội làm lại cuộc đời. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử xác định, bản án mà Toà án cấp sơ thẩm tuyên phạt đối với bị cáo Mai là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Hành vi phạm tội của bị cáo Mai là có chủ ý, quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội đến cùng để chiếm đoạt tài sản.
Hành vi ấy gây mất trật tự an toàn xã hội, làm hoang mang đến tâm lý của nhiều người dân, gây lo lắng cho nhiều gia đình nên cần phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc để giáo dục răn đe và phòng ngừa chung. Tuy nhiên bị cáo Mai có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, quá trình điều tra và xét xử ở hai cấp Toà đều thành khẩn khai báo, gia đình bị cáo cũng đã khắc phục hậu quả cho bị cáo. Đây là những tình tiết để Toà án cấp phúc thẩm có thể xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Với phán quyết trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định giảm cho bị cáo Mai 6 tháng tù so với bản án sơ thẩm. Do đó hình phạt mà bị cáo Mai phải nhận là 34 tháng tù. Vì bị cáo Mai không kháng cáo về phần dân sự nên Toà phúc thẩm không xem xét.
Theo Nguyễn Hưng/CAND