Hoa khôi “vắc xin ông ngoại“: Xử luật An ninh mạng hay Nghị định?

Google News

Việc hoa khôi "vắc xin ông ngoại" khoe tiêm vắc xin COVID-19 sai sự thật, nếu hậu quả chưa nghiêm trọng sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Nếu gây dư luận xấu, làm giảm uy tín cơ quan, tổ chức... có thể bị truy cứu TNHS.

Thanh tra Bộ Y tế vừa chuyển hồ sơ "hoa khôi" khoe tiêm vắc xin COVID-19 sai sự thật đến Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét xử lý theo quy định.
Thanh tra Bộ Y tế cho biết, quá trình kiểm tra, xác minh tại Bệnh viện Hữu Nghị cho thấy, bà V.P.A (25 tuổi, ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) đưa tin về việc: "Tiêm vắc xin COVID-19 không cần đăng ký, được ưu tiên tiêm vắc xin Pfizer" là sai sự thật.
Dư luận đặt câu hỏi, với hành vi đưa tin sai sự thật như trên, hoa khôi "vắc xin ông ngoại" sẽ bị xử lý theo quy định nào?
Hoa khoi “vac xin ong ngoai“: Xu luat An ninh mang hay Nghi dinh?
"Hoa khôi" V.P.A khoe hình ảnh đi tiêm vắc xin.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi đưa tin sai sự thật về tiêm vắc xin COVID-19 như trên đã làm ảnh hưởng đến công cuộc phòng chống dịch bệnh, giảm sút niềm tin của người dân đối với việc huy động đóng góp quỹ vắc xin COVID-19 và việc thực hiện tiêm phòng vắc xin để phòng chống dịch bệnh. Do đó, người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Cường, hành vi khoe tiêm vắc xin với thông tin sai sự thật để sống ảo trên mạng xã hội của V.P.A dẫn đến dư luận xấu trong xã hội, làm nghi ngờ đến sự mất công bằng trong hoạt động huy động nguồn lực và tiến hành tiêm vắc xin.
Thông tin từ cơ quan chức năng cho thấy, việc P.A, được tiêm vắc xin là sự thật. Tuy nhiên, thông tin cô gái này đăng tải lên mạng xã hội về việc không cần phải đăng ký mà vẫn được tiêm và được chọn loại vắc xin là sai sự thật.
Do đó, cơ quan chức năng sẽ đánh giá những tác động của thông tin này đối với xã hội đối với niềm tin của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh để xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu sự việc không gây bức xúc trong dư luận, không gây ra dư luận xấu trong xã hội có thể bị xử phạt hành chính theo nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng theo điều 101 quy định về vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
Theo quy định của luật an ninh mạng, hành vi đưa tin giả, tin sai sự thật lên không gian mạng là hành vi bị cấm theo quy định tại điều 8, điều 16, điều 17, điều 18 của luật an ninh mạng năm 2018. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện các hành vi bị cấm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do đó, luật sư Cường cho rằng, trong vụ việc trên, trường hợp hành vi được xác định là ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan, tổ chức, người này có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo điều 288 bộ luật hình sự năm 2015. Việc xử lý hành chính hay hình sự sẽ phụ thuộc vào đánh giá hậu quả của hành vi đã gây ra với xã hội.
Qua vụ việc trên, luật sư Cường cho rằng, đây là bài học cảnh tỉnh cho những ai sống ảo, đã vi phạm pháp luật, thể hiện lòng tham, sự ích kỷ, thiếu ý thức trong việc phòng chống dịch bệnh mà lại còn thích khoe khoang, gây hại cho bản thân và người khác.
Hoa khoi “vac xin ong ngoai“: Xu luat An ninh mang hay Nghi dinh?-Hinh-2
Nguồn: HCDC 
>>> Mời độc giả xem thêm video Xếp hàng xét nghiệm COVID-19:
 

Hải Ninh