Sống một mình, tôi không phải lo lắng cho con trai vì con đã có thể tự lập. Tôi chỉ cần một công việc để lo cho chính mình.
Ban đầu tôi đi làm công nhân cho một nhà máy, nhưng công việc làm ca vất vả mà tiền công thì ít, nên về sau tôi xin nghỉ, đi làm giúp việc. Tôi thích ở với nhà chủ, không mất tiền ăn ở mà hàng tháng lại có tiền để ra.
Tôi đi làm được cho hai nhà. Họ đều yêu quý tôi vì tính tôi hiền lành, thật thà, lại chăm chỉ. Đến khi tôi đi làm cho nhà thứ ba thì có một chuyện xảy ra: Ông chủ nhà phải lòng tôi, muốn cưới tôi làm vợ.
Ông ấy đã vài lần tỏ tình, đặt vấn đề cưới xin đàng hoàng. Các con ông ấy cũng không phản đối vì mẹ mất sớm, họ đã thấy bố cô đơn tuổi già trong một thời gian dài nên rất thương và muốn tìm người bầu bạn sớm hôm cùng bố cho đến cuối đời.
Khi ấy tôi đã dành dụm được ít tiền, cuộc sống khấm khá hơn. Tôi cũng dự định sẽ không đi làm giúp việc nữa khi 55 tuổi mà về quê dưỡng già. Vừa hay ông chủ nhà lại đưa ra lời đề nghị như vậy.
Ông ấy 62 tuổi nhưng sức khỏe vẫn còn tốt, gia đình lại giàu có. Họ có 3 căn nhà ở thành phố, ông ấy có tiền tiết kiệm, lại có cả lương hưu. Nếu tôi đồng ý lấy ông ấy, không phải cuối đời sẽ giàu có, sung sướng hay sao?
Tôi nói với con trai nhưng con không đồng ý. Nó bảo chênh lệch tuổi tác như vậy không hề nhỏ, nó lo rồi tôi sẽ sớm phải hầu ông ấy thôi. Nhưng tôi đã mắc kẹt trong cái nghèo nửa đời người, giờ có cơ hội, tôi cũng muốn trải nghiệm cuộc sống của nhà giàu có.
Vì vậy, dù con phản đối, tôi vẫn nhận lời ông chủ. Những ngày sau đó, chúng tôi rất hợp nhau. Kể từ khi xác nhận quan hệ, ông chủ đối xử với tôi tốt hơn, mua cả quà cho tôi.
Tôi tưởng có thể một bước lên tiên sau khi lấy chồng giàu (Ảnh minh họa: Getty Images).
Yêu nhau được một tháng thì ông ấy bảo hãy làm đám cưới. Tôi vui vẻ đồng ý, tưởng rằng sau này mình sẽ được hưởng phúc. Chẳng ngờ, mọi thứ chẳng có gì thay đổi sau khi kết hôn. Tôi vẫn là osin, nhưng không được trả lương nữa.
Tôi vốn tưởng rằng sau khi chúng tôi kết hôn, chồng tôi sẽ tìm người giúp việc khác. Nhưng không phải vậy. Ông ấy vẫn quát mắng và ra lệnh cho tôi làm mọi việc như trước, thái độ còn không được lịch sự bằng ngày trước.
Ông ấy không chỉ sai khiến tôi việc nhà mà còn đưa ra nhiều yêu cầu vô lý hơn: "Đã lấy anh thì em phải làm tròn nghĩa vụ của một người vợ, lo lắng cửa nhà. Bố mẹ anh trước giờ ở dưới quê, giờ anh có vợ rồi, sẽ đón họ lên đây phụng dưỡng. Em chuẩn bị mà lo đi, đấy là những việc em nên làm".
Chưa dừng ở đó, ngày hôm sau, mấy đứa con chồng nói bận công việc vác cả con sang nhờ tôi trông, để chúng yên tâm làm việc. Thế rồi ngày nào chúng cũng đưa con sang.
Tôi như người hết hơi, cả ngày quay mòng với đống việc mà không ra một đồng lương nào. Tôi nghĩ đến viễn cảnh hai người già ở quê sắp lên nữa trong mấy ngày tới mà không biết mình sẽ mọc thêm mấy đầu mấy tay để phục vụ hết cho họ.
Hóa ra ông ấy lấy tôi thực sự chỉ là để tìm một người giúp việc không công. Nhưng tôi trót đâm lao rồi thì phải theo lao. Tôi nhẫn nhịn.
Bố mẹ chồng tôi ở dưới quê lên thật, và cơ thể tôi bắt đầu kiệt quệ hoàn toàn. Ban ngày tôi phải giặt giũ, nấu nướng, chăm sóc hai đứa nhỏ, cuối ngày rồi mà mẹ chồng còn muốn gọi tôi vào tâm sự và bảo tôi bóp vai bóp chân cho cụ.
Tôi chỉ muốn khóc mà không ra được nước mắt. Mắt tôi bắt đầu thâm quầng, tôi trở nên phờ phạc đi rất nhiều. Cuối cùng không thể chịu thêm nữa, tôi đòi ly hôn. Chồng tôi liền hất mặt hỏi tại sao.
Tôi tức giận trả lời: "Ông không rõ bản thân đã làm gì sao? Ông muốn tôi hầu hạ cả nhà mình, tôi đâu phải người sắt. Tôi từng là giúp việc cho ông, lương 6 triệu một tháng, bây giờ tôi là osin miễn phí. Ông đúng là mặt dày, không biết xấu hổ!".
Thật bất ngờ, chồng tôi trả lời: "Bà là vợ tôi thì nên làm như vậy, bà có quyền gì mà mắng tôi!".
Nói chuyện với một người vô lý như vậy thật vô nghĩa, tôi thu dọn quần áo và rời đi. Mặc dù ngôi nhà này rất to đẹp, nó không phù hợp với tôi chút nào.
Theo Dân Trí