Hoãn phiên tòa xử bị cáo 3 lần bị tuyên án tử hình

Google News

TAND cấp cao tại Hà Nội quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm bị cáo Vi Văn Phượng tội “Giết người”. Trước đó, bị cáo này đã 3 lần bị tuyên án tử hình.

Sáng 16/8, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Vi Văn Phượng (SN 1968, ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) về tội “Giết người”. Nạn nhân trong vụ án là bà Nguyễn Thị Vui (SN 1926, mẹ đẻ của Phượng).
HĐXX triệu tập 2 phạm nhân có thời gian giam giữ cùng bị cáo Phượng để đối chất tại phiên tòa và 19 người làm chứng. Tuy nhiên, 3 trong số 19 nhân chứng vắng mặt, đều là người dân sinh sống cùng làng với bị cáo và mẹ.
Nêu ý kiến tại tòa, Luật sư Đinh Anh Tuấn - người bào chữa cho bị cáo Vi Văn Phượng cho rằng, vụ án đã kéo dài nhiều năm, trải qua rất nhiều phiên xét xử, đến nay ông Phượng đã trải qua 10 năm trong trại giam. Các nhân chứng vắng mặt đã có lời khai.
Hoan phien toa xu bi cao 3 lan bi tuyen an tu hinh
Bị cáo Vi Văn Phượng tại tòa.
Do đó, luật sư Tuấn kiến nghị HĐXX tiếp tục phiên tòa. Trong trường hợp dù tiếp tục xét xử hay hoãn, luật sư đề nghị HĐXX triệu tập giám định viên tư pháp Bộ Công an liên quan đến nhiều kết quả giám định về tồn dư thức ăn trong dạ dày nạn nhân. Đây là yếu tố có tính quyết định trong việc xác định thời gian chết của nạn nhân, đồng thời làm căn cứ gỡ tội cho bị cáo.
“Con dao quắm, hung khí của vụ án cũng cần thiết được trích xuất, để làm rõ cơ chế hình thành vết thương sau gáy nạn nhân, do vết thương này không phù hợp với toàn bộ cơ chế gây án mà ông Phượng đang bị cáo buộc”, luật sư Tuấn nêu quan điểm.
Luật sư Trần Văn An, cũng bào chữa cho bị cáo Phượng, đề nghị HĐXX triệu tập 3 điều tra viên trong giai đoạn một của vụ án (trước khi có quyết định Giám đốc thẩm), và một điều tra viên của giai đoạn 2. Đồng thời, triệu tập Kiểm sát viên và Chủ tọa của phiên xét xử sơ thẩm lần 2, với lý do, những kiến nghị của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao không được cấp sơ thẩm thực hiện, hoặc thực hiện chưa đầy đủ.
Tại phiên tòa, bị cáo Vi Văn Phượng nhất trí xin hoãn xét xử. Đại diện VKSND cấp cao nhận định vụ án phức tạp, kéo dài, bị cáo hiện kêu oan. Với những sự vắng mặt nêu trên, “chưa đủ điều kiện để tiếp tục phiên tòa”. Công tố viên đề nghị hoãn xét xử, và trong phiên tòa mở lại, HĐXX cần áp dụng mọi biện pháp để để triệu tập mọi cá nhân liên quan, gồm các điều tra viên, kiểm sát viên và giám định viên như đề nghị của luật sư.
Sau thời gian hội ý, chủ tọa Ngô Tự Học thông báo hoãn xét xử, sẽ cân nhắc các kiến nghị của luật sư và đại diện Viện kiểm sát về việc triệu tập các cá nhân liên quan. Thời gian mở lại phiên tòa chưa được công bố.
Hoan phien toa xu bi cao 3 lan bi tuyen an tu hinh-Hinh-2
 
Trước đó, Vi Văn Phượng đã 3 lần bị tuyên án tử hình, nhưng đều kháng cáo kêu oan. Vụ án xảy ra cách đây 10 năm (tháng 10/2012) và một năm sau, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều kết luận, Phượng có hành vi sát hại mẹ đẻ là bà Vui nên phải nhận án tử hình. Sau đó, bị cáo Phượng và gia đình kêu oan.
Theo cáo buộc, vợ chồng Vi Văn Phượng ở cùng mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị Vui. Năm 2009, bị cáo vay mẹ đôi hoa tai 1,5 chỉ vàng để lo cho vợ, con đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, người con phải về nước trước thời hạn nên Phượng chưa thể trả nợ cho mẹ.
Khi bà Vui nhiều lần thúc giục trả vàng, Phượng bức xúc rồi nảy ý định sát hại mẹ đẻ. Đầu tháng 10/2012, bị cáo ra tiệm mua 1,5 chỉ vàng rồi đưa cho con trai mang cho mẹ. Tuy nhiên, bà cụ phản ứng vì cho rằng đó là vàng giả. Tranh cãi xảy ra, bị can càng quyết tâm thực hiện ý định sát hại mẹ đẻ. Trưa 5/10/2012, Vi Văn Phượng thấy mẹ đang ngủ ở nhà một mình nên dùng dao quắm chém nạn nhân tử vong. Sau ít phút, Phượng loan báo mẹ đẻ đã bị người khác sát hại.
Tháng 4/2013, TAND tỉnh Bắc Giang lần đầu xét xử ông Phượng về tội giết người. Tại tòa, bị cáo phản cung và cho rằng do bị điều tra viên ép cung, dọa bắt hết con cái vào tù nên phải nhận tội. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm khẳng định lời khai của bị cáo không có căn cứ nên tuyên tử hình.
Ngày 28/8/2013, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm (lần một) tuyên y án sơ thẩm. Trong thời gian chờ thi hành án, bị án Phượng tiếp tục làm đơn kêu oan.
Vụ án sau đó nằm trong danh sách các vụ án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát về tình hình án oan, sai trong tố tụng hình sự. Viện trưởng VKSND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm.
Ngày 7/11/2016, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao gồm 14 thành viên do ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Toà án nhân dân Tối cao làm Chủ tọa phiên tòa đã xét xử giám đốc thẩm và ra Quyết định Giám đốc thẩm số 17/2016/HS-GĐT, quyết định: “Hủy toàn bộ Bản án Hình sự sơ thẩm số 524/2013/HSPT ngày 28/8/2013 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Hà Nội và Bản án Hình sự sơ thẩm số 13/2013/HSST ngày 04/4/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang. Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để điều tra lại theo quy định pháp luật”. Quyết định Giám đốc thẩm cũng nêu rõ 7 vấn đề “thiếu sót”, “mâu thuẫn”, “cần điều tra làm rõ” khi điều tra lại.
Vụ án sau đó được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang tiến hành điều tra lại và tiếp tục đề nghị truy tố. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã tiếp tục truy tố bị cáo Vi Văn Phượng về tội “Giết người”.
Tại Bản án sơ thẩm số 36/2019/HS-ST ngày 19/8/2019 (sơ thẩm lần hai), Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang tiếp tục tuyên bị cáo Vi Văn Phượng phạm tội “Giết người” và chịu hình phạt “Tử hình”. Tại tòa, bị cáo Phượng nhiều lần kêu oan. Ông Phượng khẳng định mình không bao giờ giết mẹ, khai bị điều tra viên bức cung. Tham gia bào chữa, các luật sư đưa ra nhiều bằng chứng để cho rằng bị cáo không có mặt ở hiện trường tại thời điểm mẹ mình bị sát hại. Tuy nhiên, các quan điểm này đã bị tòa bác bỏ. Ông Phượng sau đó tiếp tục kêu oan cho đến nay.
>>> Mời độc giả xem thêm video Kẻ vượt ngục Triệu Quân Sự giết người vì mê chơi game:

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.

X.Phú