Học sinh bị cột điện lăn tử vong: Trách nhiệm trường hay điện lực?

Google News

(Kiến Thức) - Vụ việc học sinh trường tiểu học Nguyễn Văn Phú khi ngồi lên cột điện ven đường trước khu vực trường học bất ngờ bị cột điện lăn đè dẫn đến tử vong, một em khác bị thương khiến dư luận đặt trách nhiệm của các đơn vị có liên quan.

Liên quan vụ việc học sinh trường tiểu học Nguyễn Văn Phú (huyện Đức Hòa (Long An) cùng một bé trai khác đang chơi đùa trước cổng trường vụ cột điện lăn đè trúng dẫn đến cả hai thương vong, dư luận đặt câu hỏi trách nhiệm của đơn vị nào?
Trước đó, vào khoảng 17h ngày 7/6, em Phan Hữu Duy (10 tuổi, quê An Giang), học lớp 3, trường tiểu học Nguyễn Văn Phú và Trần Gia Khiêm (10 tuổi, quê Cà Mau) ngồi lên cột điện ven đường tại xã Đức Hòa Hạ chơi. Khi đó, cột điện bất ngờ lăn đè khiến em Duy tử vong trên đường đi cấp cứu, Khiêm bị thương nặng đang điều trị tại bệnh viện. Cột điện này do một công ty tư nhân vận chuyển đến khu vực chuẩn bị thi công thì lăn đè chết người.
Hoc sinh bi cot dien lan tu vong: Trach nhiem truong hay dien luc?
 Khu vực trước cổng trường tiểu học Nguyễn Văn Phú nơi xảy ra vụ tai nạn. Ảnh: Zing
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng vụ việc trên có dấu hiệu của tội vô ý làm chết người. Do đó, cơ quan điều tra sẽ sớm vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân để xử lý những tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật.
Luật sư Cường phân tích, vụ tai nạn xảy ra ngoài khu vực trường học, không trong thời gian học tập nên có thể nhà trường sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, không thể không xem xét đến trách nhiệm của đơn vị thi công công trình này.
“Cơ quan chức năng sẽ làm rõ những cột điện này là của đơn vị nào, ai là người có trách nhiệm vận chuyển, tập kết, trông giữ những chiếc cột điện này. Việc tập kết những cột điện này ở khu vực gần trường học có được sự cho phép của cơ quan chức năng hay không, có đảm bảo an toàn hay không?” – luật sư Cường nêu ý kiến.
Theo ông Cường, trường hợp có căn cứ cho thấy người có trách nhiệm trong việc vận chuyển, tập kết, trông nom, bảo quản đã không thực hiện hết chức trách nhiệm vụ của mình, không đảm bảo an toàn đối với người khác dẫn đến hậu quả vụ việc xảy ra khiến 2 học sinh thương vong, cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người có lỗi vô ý dẫn đến hậu quả hai nạn nhân tử vong về tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự năm 2015.
Cụ thể, điều 128, tội vô ý làm chết người nêu rõ: Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Phạm tội làm chết 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
Luật sư Cường cho rằng, để xử lý hình sự về tội vô ý làm chết người, cơ quan điều tra cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan, trong đó cơ quan điều tra sẽ làm rõ yếu tố lỗi của người đã vận chuyển, tập kết, trông nom những chiếc cột điện đó.
Nếu việc để những chiếc cột điện đó ở vị trí không đảm bảo an toàn, không kê kích, che chắn, chằng buộc sao cho đảm bảo an toàn khiến vụ tai nạn xảy ra, người có trách nhiệm ở đây là có lỗi và sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
“Lỗi trong vụ việc này sẽ được xác định là lỗi vô ý do quá tự tin hoặc do cẩu thả. Người có lỗi là người không nhận thức được hành vi của mình có thể nguy hiểm cho xã hội, cố ý thực hiện hành vi và không lường trước được hậu quả xảy ra hoặc có lường trước được nhưng tin rằng hậu quả sẽ không xảy ra” – luật sư Cường cho hay.
Ngoài ra, người vi phạm còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Thiệt hại được xác định theo quy định của bộ luật dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tính mạng bị xâm phạm hại, bao gồm hai phần: chi phí cứu chữa trước khi chết, chi phí mai táng, tiền tổn thất về tinh thần cho gia đình nạn nhân. Mức bồi thường do hai bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được có thể đề nghị tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
Hoc sinh bi cot dien lan tu vong: Trach nhiem truong hay dien luc?-Hinh-2
Luật sư Đặng Văn Cường. 
Qua vụ việc trên, luật sư Cường cho rằng, sẽ là một bài học cho nhà trường, cho các bậc phụ huynh và cho đơn vị thi công trong việc đảm bảo an toàn cho học sinh.
Vụ việc xảy ra thì người có lỗi phải chịu trách nhiệm tuy nhiên gia đình, nhà trường và xã hội đều đau xót bởi các cháu đã thiệt mạng chỉ vì những sơ suất của người lớn. Người có lỗi trong vụ việc này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên không gì có thể bù đắp được những mất mát mà gia đình nạn nhân đã phải trải qua.
Bởi vậy, nhà trường cũng cần tích cực giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh, kịp thời phát hiện những nguy cơ có thể gây tai nạn để có những biện pháp phòng tránh cho học sinh. Các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm hơn đến con em mình, không để những đứa trẻ chơi đùa, nô nghịch ở những nơi có thể gây ra nguy hiểm, tránh để những hậu quả đáng tiếc như trong vụ việc này.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cây phượng vĩ trong sân trường bật gốc, một học sinh tử vong, 13 học sinh bị thương

Nguồn: VTV 24.

Tâm Đức