Kỳ nghỉ Tết Canh Tý 2020, nhiều em lo lắng vì bài tập về nhà bởi nhiều Tết nay, học sinh “ngộp” bài tập trong kỳ nghỉ Tết khiến các em không có kỳ nghỉ Tết trọn vẹn bởi số lượng khủng bài tập về nhà.
|
Học sinh trường THCS Ban Mai tham gia các hoạt động vui đón Tết.
|
Làm bài tập về nhà cũng tốt vì ôn lại được kiến thức đã học. Nhưng em nghĩ, thầy cô không nên cho học sinh làm quá nhiều bài tập, vì chúng em còn có thời gian sum họp gia đình, đi chúc Tết... Thầy cô cho nhiều bài tập quá, học sinh bị áp lực và không có kỳ nghỉ trọn vẹn” – Đức Anh – Học sinh trường THPT Nguyễn Tri Phương, quận Hoàn Kiếm chia sẻ.
Để đối phó với các bài tập Tết, Nguyễn Khánh Duy là bạn học cùng lớp với Đức Anh đưa ra giải pháp không làm. “Cô giáo nói: Bạn nào không làm, cô sẽ nhắn tin báo cho bố mẹ biết. Nhưng, bố mẹ đồng với quan điểm của em, nghỉ Tết là để vui chơi, thư giãn, khám phá phong tục tập quán...”
Nhiều em học sinh than phiền, những ngày bình thường bị ngập trong đám bài vở, làm đến khuya chưa hết. Nghỉ Tết các em lại bị giao quá nhiều bài tập nhưng vẫn phải thực hiện mặc dù không muốn. Thậm chí có em vì lo sợ không làm hết bài, thầy cô chấm điểm kém đành bỏ lỡ dịp đi cùng bố mẹ về quê chúc Tết ông bà, họ hàng.
Bài tập Tết nên là sản phẩm sáng tạo
Trao đổi về câu chuyện giao bài tập Tết cho học sinh, ông Nguyễn Khánh Chung – Hiệu trưởng trường THCS-THPT Ban Mai (quận Hà Đông) cho biết: Thầy cô, nhà trường mong muốn trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán học sinh dành thời gian quý giá bên gia đình, bày tỏ sự biết ơn với ông bà, cha mẹ và gắn kết mọi người. Ngày Tết cũng là dịp để chúng ta tìm hiểu văn hóa dân tộc và truyền thống gia đình, dòng tộc. Do đó, Ban lãnh đạo trường không ủng hộ việc giao quá nhiều bài tập về nhà dịp Tết.
Tuy nhiên, thời gian nghỉ Tết khá dài, để học sinh vừa được trải nghiệm phong tục ngày Tết nhưng vẫn không quên kiến thức, giáo viên Toán, Văn, Anh giao phiếu bài tập để học sinh ôn tập, với số lượng vừa phải, mức độ trung bình – khá, truyền cảm hứng. Các môn học khác, giáo viên có thể giao bài tập dưới hình thức mở, sản phẩm sáng tạo gắn với dịp Tết cổ truyền”- ông Khánh Chung cho hay.
Nhiều năm nay, trường Tiểu học Ban Mai không thực hiện giao bài tập về nhà cho học sinh trong kỳ nghỉ Tết. “Bài tập Tết của các em thường là viết một đoạn thơ, văn khoảng 25 – 50 chữ tùy theo trình độ, nói lên cảm xúc ấn tượng nhất của con về ngày Tết với ý nghĩa Khai bút đầu xuân. Học sinh sẽ chia sẻ bài thơ, bài văn này trong buổi gặp mặt đầu năm mới. Có năm, học sinh được giao bài tập đun nước ngâm chân cho ông bà và nói lời cảm ơn, có chụp ảnh hoặc viết cảm xúc của mình gửi vào nhóm lớp” – bà Nguyễn Thị Thanh Nương – Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Ban Mai cho hay.
|
Dịp nghỉ Tết là cơ hội để học sinh sum họp gia đình, tìm hiểu văn hóa dân tộc.
|
Suy từ mình thời còn là học sinh không thể làm hết bài tập trong kỳ nghỉ Tết, trong suốt 20 năm dạy học, ông Trần Mạnh Tùng – giáo viên Toán, trường THPT Lương Thế Vinh chưa bao giờ giao bài tập Tết cho học sinh. Thầy Tùng đã chỉ ra nhiều bất cập khi giao bài tập Tết. Thứ nhất, mọi người cứ nghĩ số ngày nghỉ Tết dài nhưng học sinh không có quá nhiều thời gian thừa, vì còn phụ giúp gia đình dọn nhà cửa, đi mua sắm, chúc Tết.
Thứ hai, các thầy cô lo lắng học sinh nghỉ Tết bỏ bê bài vở và khó khăn khi đi học sau Tết là không có cơ sở. Chuyện học hành, vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi phải đan xen nhau. Có thể, dịp nghỉ Tết, học sinh hơi bẵng đi một chút việc học làm bài, nhưng ra Tết giáo viên dành một khoảng thời gian để củng cố.
Hiện nay, việc học tập của học sinh Việt Nam hết sức căng thẳng. Các em học ngày, học đêm, học sớm, học chiều; học chạy sô chỗ này kia mà chương trình chưa thay đổi được. Nếu trong kỳ nghỉ Tết, các em lại bị giao bài tập thì căng thẳng càng bị đẩy lên cao.
Một bất khả thi nữa khi giao bài tập Tết, đó là thầy cô cứ giao nhiều nhưng học sinh không thực hiện. Có em làm không đến nơi đến chốn hoặc không trung thực. Ra Tết, ngay buổi học đầu tiên của năm mới, thầy cô khó có hình thức phạt học sinh. Trong trường hợp giao bài tập dịp Tết nhưng thầy cô không kiểm tra, chấm thì thà không giao còn hơn.
“Giờ đây, tôi và các đồng nghiệp chuyển hướng giao cho học sinh thực hiện những hoạt động rất ý nghĩa về ngày Tết, theo lứa tuổi, từng địa phương – nơi các em đang sinh sống. Đồng thời dặn dò học sinh giữ sức khỏe, ăn Tết, chơi Tết lành mạnh, để ra Tết đi học bình thường.
Và, “chúng ta nên biến thời gian nghỉ Tết là cơ hội để học sinh tìm hiểu văn hóa dân tộc, sum họp gia đình, thăm hỏi mọi người trong họ hàng sẽ có ý nghĩa hơn” – thầy Tùng gợi ý.