Thời gian vừa qua, với sự nhiệt tình, tâm huyết của các tri thức đang hoạt động tại tổ chức KH&CN trực thuộc LHHKHKT Việt Nam, nhiều kết quả nghiên cứu, luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn cho các nhà hoạch định chính sách đã được các tổ chức đưa ra và kiến nghị lên Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ/ngành.
Một số hoạt động tư vấn, phản biện nổi bật như: Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng (RTCCD) giúp Ủy ban các vấn đề xã hội có thêm nhiều thông tin khi thẩm tra Luật bảo hiểm xã hội; Trung tâm GreenID có những khuyến nghị tới Bộ Công thương trong quá trình xây dựng quy hoạch Điện 7, cung cấp nhiều nghiên cứu, đánh giá về vai trò năng lượng tái tạo cho Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội và Bộ Công thương...
Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức bản địa và phát triển (CIRD) phối hợp Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, Tổng cục Lâm nghiệp tiến hành hàng loạt đợt khảo sát đánh giá và hội thảo tham vấn để cung cấp luận cứ khoa học vận động sửa đổi, thay thế Luật Bảo vệ Phát triển rừng/Luật Lâm nghiệp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của hộ gia đình và cộng đồng cũng như tham vấn Luật sửa đổi Đất đai 2013.
|
Hội thảo "Giải pháp thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức khoa học và công nghệ trong hoạt động tư vấn, phản biện xã hội". |
Phát biểu tại hội thảo, bà Bùi Kim Tuyến, Trưởng Ban Tư vấn, Phản biện và GĐXH thuộc LHHKHKT Việt Nam cho biết, hoạt động tư vấn, phản biện và vận động chính sách các tổ chức trực thuộc trong thời gian qua đã có những đóng góp đáng kể, góp phần cung cấp các cơ sở khoa học, các giải pháp để các nhà quản lý , các nhà hoạch định chính sách có thêm thông tin trước khi ra quyết định. Mặc dù có những kết quả không thể phủ nhận, nhưng trong thực tế, các tổ chức KH&CN trực thuộc gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai hoạt động.
Trưởng Ban Tư vấn, Phản biện và GĐXH thuộc LHHKHKT Việt Nam cho hay, trước hết, phải kể đến là vai trò, vị thế của các tổ chức KH&CN. Với tính chất là tổ chức KH&CN ngoài công lập, quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế, các tổ chức KH&CN rất khó tham gia vào các hoạt động tư vấn, phản biện. Mặt khác nhiều cơ quan, tổ chức vẫn còn e dè, chưa thực sự tin tưởng các tổ chức "ngoài nhà nước" hoặc tổ chức "phi chính phủ".
|
Bà Bùi Kim Tuyến, Trưởng Ban Tư vấn, Phản biện và GĐXH thuộc LHHKHKT Việt Nam.
|
Một số tổ chức KH&CN ngoài công lập đã triển khai và hoàn thành tốt việc đóng chính sách, nhưng những đề xuất của họ nhiều khi không đưa được tới các cơ quan hoạch định chính sách. Tiếp cận thông tin hạn chế cũng là khó khăn không nhỏ của các tổ chức KH&CN. Hoạt động tư vấn, phản biện phải dựa trên cơ sở khoa học, dựa trên bằng chứng, nhưng nếu không tiếp cận được tài liệu một cách đầy đủ và kịp thời thì kết quả TVPB khó có đạt được chất lượng cao như mong muốn.
Bà Tuyến cũng cho rằng, việc huy động nguồn lực, đặc biệt là kinh phí để thực hiện TVPB rất khó khăn. Là các tổ chức KH&CN ngoài công lập, do vậy, các tổ chức của chúng ta phải tự chủ, tự quản về tổ chức hoạt động. Các tổ chức này rất khó khăn trong việc phát huy động nguồn lực tài chính phúc vụ hoạt động TVPB, bởi nguồn lực của các tổ chức quốc tế thì ngày càng khan hiếm, còn nguồn ngân sách dành cho các tổ chức KH&CN cũng rất hạn chế, các tổ chức KH&CN rất khó tiếp cận nguồn ngân sách này.
Bên cạnh đó, các tổ chức KH&CN còn gặp rất nhiều khó khăn khác như thiếu cơ chế phản hồi, thiếu cán bộ cơ hữu, chuyên trách hoạt động tư vấn, phản biện, mối quan hệ giữa tổ chức KH&CN ngoài công lập với các cơ quan hoạch định chính sách vẫn còn nhiều khoảng cách....
>>> Xem thêm video: Phương pháp giảm cân an toàn do liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Gia Đạt