Hơn 1 thập kỷ sau khởi công, Bảo tàng Hà Nội vẫn chưa thể đón khách thăm quan

Google News

Hơn chục năm qua Hà Nội vẫn loay hay tìm phương án có hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội. Ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở VHTT Hà Nội vừa hứa hạn chót là 2023 sẽ trưng bày xong.

LTS: Hà Nội đang triển khai nhiều dự án lớn nhưng cũng cần nhắc lại dự án ít hiệu quả trước đây để thấy cần thận trọng tính toán kỹ tránh rơi vào lãng phí. Trường hợp Bảo tàng Hà Nội là ví dụ rõ nét. Được Hà Nội đầu tư 2.300 tỷ xây dựng để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nhưng sau hơn 1 thập kỷ Bảo tàng Hà Nội vẫn chưa hoàn thành trưng bày để đón khách thăm quan.

Hon 1 thap ky sau khoi cong, Bao tang Ha Noi van chua the don khach tham quan

Bảo tàng Hà Nội là công trình hiện đại với mức chi phí xây dựng lên tới hơn 2.300 tỷ đồng.

Tháng 5/2008, dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội đã chính thức được khởi công tại đường Phạm Hùng (Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội). Bảo tàng có tổng diện tích 53.963 m2, với chiều cao 30,7 m, gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm. Trong đó tầng 4 có diện tích lớn nhất, các tầng dưới nhỏ dần theo kiến trúc kim tự tháp ngược. Đây là công trình hiện đại với mức chi phí xây dựng lên tới hơn 2.300 tỷ đồng.

Năm 2010, công trình xây dựng nhà bảo tàng được khánh thành (giai đoạn 1) nhân dịp kỷ niệm 1000 Thăng Long - Hà Nội. Nhiều người kỳ vọng đây sẽ là công trình văn hóa vật thể và phi vật thể của nhân dân Thủ đô; là nơi gìn giữ những giá trị truyền thống văn hóa, những tinh hoa của Hà Nội. Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội, khi phê duyệt dự án này thì đến năm 2016 Bảo tàng Hà Nội phải hoàn thành các trưng bày để đón công chúng. Tuy nhiên, giai đoạn 2 của dự án phần nội dung trưng bày hiện vật, khái toán khoảng 800 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Tháng 2/2019, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt điều chỉnh, bổ sung thiết kế tổng thể nội dung trưng bày Bảo tàng Hà Nội. Theo đó, nội dung trưng bày tại bảo tàng sẽ thực hiện theo chủ đề về các giai đoạn lịch sử như: Hành trình đến Thăng Long, Thăng Long thời Ðại Việt (từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18), Hà Nội thế kỷ 19, thế kỷ 20, Hà Nội trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống đế quốc Mỹ và Hà Nội trên đường đổi mới... Ngoài ra, ở ngoài sân vườn, tại các vị trí ô đá, bãi cỏ đã được bảo tàng Hà Nội trưng bày và tái tạo phố cổ, cổng làng... Hiện vật thể khối lớn và bảo tàng cũng có bổ sung thêm khu trưng bày đầu tàu hơi nước, khu phục vụ cà phê và ẩm thực...

Hon 1 thap ky sau khoi cong, Bao tang Ha Noi van chua the don khach tham quan-Hinh-2

Khách thăm quan Bảo tàng Hà Nội khi mới khánh thành.

Kế hoạch là thế nhưng mãi chưa hoàn thành phần nội dung trưng bày, cho nên hơn 10 năm qua, bảo tàng chỉ thực hiện những cuộc trưng bày chuyên đề ngắn hạn với các sưu tập hiện vật của bảo tàng và một số nhà sưu tập tư nhân, kèm với đó là cho thuê tổ chức sự kiện. Khách tham quan và cả những nhà nghiên cứu đều cho rằng, bảo tàng này kém hấp dẫn do hiện vật trưng bày nghèo nàn; chưa có sự đồng bộ giữa sự chuẩn bị nội dung trưng bày và xây dựng kiến thiết. Quan trọng nhất với bảo tàng là phải xây dựng bộ sưu tập chứ không phải là số hiện vật được trưng bày vì cổ vật là ngôn ngữ chính của một bảo tàng.

Một chuyên gia hàng đầu về bảo tàng từng chia sẻ, Hà Nội mời một loạt các chuyên gia đầu ngành các lĩnh vực khoa học khác nhau, thậm chí có cả nhà địa chất học tham gia xây dựng đề cương trưng bày. Đề cương dày 800-900 trang ấy thoát ly khỏi hiện vật bảo tàng, chủ yếu trên tư duy người viết lịch sử, không phải tư duy làm bảo tàng. Bảo tàng là câu chuyện hiện vật, không có hiện vật không thể thiết kế trưng bày. Khoảng 7-8 năm đầu tiên của giai đoạn 2 từ 2010, nhân viên bảo tàng bị gạt ra ngoài lề. Chính vì lẽ đó, công trình được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng lượng khách tham quan ngày càng thưa vắng vì quá nghèo nàn phần nội hàm, không có gì để xem.

Hon 1 thap ky sau khoi cong, Bao tang Ha Noi van chua the don khach tham quan-Hinh-3

Bảo tàng thiết kế đẹp nhưng xây xong để đấy.

“Điều chắc chắn đối với mọi bảo tàng trên thế giới chính là nội dung bên trong. Kiến trúc của bảo tàng không có gì phải bàn. Người ta đến bảo tàng không phải để ngắm kiến trúc mà để xem bên trong trưng bày những gì thú vị” - kiến trúc sư Lê Thanh Tùng nói.

Tại buổi họp Thường trực HĐND TP Hà Nội mới đây, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Đỗ Đình Hồng cho biết, việc liên tục thay đổi chủ đầu tư, từ Sở Xây dưng, Sở Văn hóa Thể thao và tới nay là Bảo tàng Hà Nội cũng là nguyên nhân dự án chậm tiến độ. Đồng thời, dự án với số lượng công việc rất lớn, liên quan tới nhiều ngành nhiều cấp; ngoài hiện vật của Hà Nội đã sưu tầm thì trang thiết bị và công nghệ thể hiện các hiện vật cần có tư vấn của các chuyên gia Nhật, Pháp.

Lãnh đạo Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội thừa nhận: "Dự án này rất khó, trải qua nhiều công đoạn, đơn vị đã báo cáo UBND TP thành lập tổ công tác liên ngành để hỗ trợ Ban quản lý dự án bảo tàng, trực tiếp do tôi làm tổ trưởng với sự tham gia của Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và đầu tư. Chúng tôi quyết tâm cố gắng tới giữa năm 2024 kết thúc dự án này. Cố gắng nếu được sẽ hoàn thiện phần trưng bày vào năm 2023 để chạy thử, nghiệm thu", ông Đỗ Đình Hồng nói.

Với kỳ vọng Bảo tàng Hà Nội cùng với Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình sẽ tạo nên một quần thể kiến trúc liên hoàn, là điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách. Thế nhưng đến nay, Bảo tàng Hà Nội còn đang mong hết ế.

Theo Tình Lê/Vietnamnet