Hơn 350 tỷ phục vụ kiện tụng dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội

Google News

Có 9/10 hợp đồng thi công Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn – ga Hà Nội phải gia hạn do chậm tiến độ làm phát sinh thêm chi phí, trong đó riêng chi phí phục vụ kiện tụng từ phía các nhà thầu hơn 350 tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có dự thảo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội đoạn Nhổn – ga Hà Nội. Đây là một trong những điển hình về dự án "chậm tiến độ, đội vốn" và nay tiếp tục xin tăng vốn, lùi tiến độ hoàn thành.
"Lụt" tiến độ...
Dự án có 10 gói thầu chính (gồm 5 gói thầu xây lắp, 4 gói thầu thiết bị và 1 gói tư vấn thực hiện dự án). Tiến độ chung dự án đạt hơn 75%, trong đó đoạn trên cao đạt gần 97%, luỹ kế giải ngân tới hết tháng 8 vừa qua đạt hơn 17.000 tỷ đồng.
Đến nay, chỉ gói thầu thi công đoạn trên cao và gói thầu kỹ thuật hạ tầng đề-pô (ku kỹ thuật) hoàn thành, đang hoàn thiện hồ sơ hoàn công.
Các gói thầu còn lại đều chậm tiến độ, cụ thể: Gói thầu thi công các công trình khu đê-pô đạt hơn 79%; các ga trên cao xong 99%; thi công hầm và các ga ngầm đạt 33%; hệ thống đường sắt 1 đạt 88% (đoạn trên cao đạt 97%); hệ thống đường sắt 2 đạt 45% (đoạn trên cao đạt 96%); hệ thống ray đạt 73% (đoạn trên cao đạt 99%); hệ thống vé đạt 62% (đoạn trên cao đạt 81%).
Hon 350 ty phuc vu kien tung du an duong sat Nhon - ga Ha Noi
Do chậm tiến độ, đặc biệt liên quan tới mặt bằng, có 9/10 hợp đồng thi công đường sắt Nhổn - ga Hà Nội phải đàm phán giá hạn làm tăng chi phí thêm hơn 6.000 tỷ đồng so với hợp đồng. 
Do chậm tiến độ, dẫn tới 9/10 hợp đồng các gói thầu phải đàm phán ký phụ lục gia hạn thời gian thực hiện, bổ sung thêm chi phí do kéo dài hợp đồng.
Cụ thể, hợp đồng thực hiện gói thầu thi công kỹ thuật hạ tầng đề-pô đã kết thúc năm 2015; các hợp đồng xây lắp tuyến và ga trên cao, công trình khu đề-pô cần gia hạn tới hết năm nay; hợp đồng hầm và các ga ngầm và hợp đồng tư vấn thực hiện dự án phải gia hạn hoàn thành sau năm 2022; các hợp đồng cơ điện theo gói thầu hệ thống đường sắt 1, 2, hệ thống ray, hệ thống vé cũng cần gia hạn theo tiến độ hoàn thành phần trên cao và đoạn đi ngầm.
Tới nay, phía chủ đầu tư là UBND TP.Hà Nội đã đàm phán gia hạn thời gian thực hiện với hầu hết các hợp đồng, riêng hợp đồng gói thầu hệ thống đường sắt 1, hệ thống ray, hầm và các ga ngầm đang triển thương thảo với nhà thầu.
“Việc điều chỉnh tiến độ dự án và gia hạn các hợp đồng đang hết sức khó khăn, phức tạp do dự án phải đồng thời tuân thủ cả quy định của các nhà tài trợ vốn và quy định của Việt Nam. Trong khi các quy định giữa 2 bên có nhiều khác biệt, dẫn đến phát sinh khiếu kiện, tranh chấp, tạm dừng công việc với các nhà thầu quốc tế thực hiện dự án”, Bộ GTVT thông tin.
Về giải phóng mặt bằng, hiện dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội vẫn còn vướng mắc với 50 hộ bị ảnh hưởng khi thi công đoạn ngầm và khiếu nại của 177 hộ dân nhường đất làm khu đề-pô.
... đội vốn
Do chậm tiến độ vì vướng mặt bằng và phát sinh thêm chi phí, UBND TP.Hà Nội đang hoàn thiện báo cáo Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Hà Nội đề xuất kéo dài tiến độ dự án tới năm 2027 (chưa bao gồm 24 tháng bảo hành), trong đó đoạn trên cao vận hành cuối năm nay, và vận hành toàn tuyến từ năm 2027 (cả phần đi ngầm).
Riêng gói thầu thi công hầm và ga ngầm (mới đạt 33% khối lượng), Bộ GTVT đánh giá, thời gian cần thiết để thi công cần 5 năm. Nếu đẩy nhanh tiến độ để rút ngắn thời gian thi công khoảng 1 năm (hoàn thành năm 2026) sẽ phát sinh thêm chi phí và rủi ro về kỹ thuật.
Hon 350 ty phuc vu kien tung du an duong sat Nhon - ga Ha Noi-Hinh-2
 Các nhà thầu thi công đoạn hầm và ga ngầm tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội vẫn tạm dừng thi công do không có mặt bằng và đòi chủ đầu tư đền bù, đưa tranh chấp ra Trọng tài quốc tế.
UBND TP.Hà Nội cũng đề xuất tăng tổng mức đầu tư dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội từ gần 33.000 tỷ đồng lên gần 35.000 tỷ đồng, tăng thêm hơn 1.900 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn ngân sách Hà Nội tăng thêm gần 3.900 tỷ đồng, phần vốn vay ODA giảm gần 2.000 tỷ đồng do không thể điều chỉnh hiệp định vay.
Xét theo từng phần việc cụ thể, có 4 phần việc tăng chi phí (thêm hơn 8.000 tỷ đồng) và 3 nội dung chi phí giảm (giảm hơn 6.266 tỷ đồng), nhưng phần chi phí giảm ít hơn tăng, nên tổng thể dự án vẫn tiếp tục đội vốn.
Cụ thể, với phần tăng chi phí, riêng việc gia hạn hợp đồng làm tăng thêm hơn 6.300 tỷ đồng so với hợp đồng đã ký; điều chỉnh khối lượng tăng thêm 1.300 tỷ đồng; biến động tỷ giá tăng thêm gần 160 tỷ đồng. Đặc biệt, chủ đầu tư phải trả thêm chi phí xử lý tranh chấp, khiếu kiện của nhà thầu, dự kiến tốn thêm gầm 360 tỷ đồng.
Với phần chi phí giảm, giảm một số chi phí quản lý, dự phòng, thuế, bảo hiểm, giải phóng mặt bằng… được hơn 3.000 tỷ đồng; giảm giá trị sổ sách theo giá trị thật đã hoàn thành gần 3.100 tỷ đồng; giảm theo kết luận của thanh tra và kiểm toán hơn 1 tỷ đồng.
Dự án đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội đoạn Nhổn – ga Hà Nội được phê duyệt đầu tư năm 2009, do UBND TP.Hà Nội làm chủ đầu tư. Sau nhiều lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư ban đầu chỉ 783 triệu Euro. Sau nhiều lần điều chỉnh, dự án tăng vốn lên hơn 1,17 tỷ Euro, gồm vốn vay ODA của 4 nhà tài trợ quốc tế và vốn đối ứng từ phía Việt Nam. Tiến độ hoàn thành được điều chỉnh nhiều lần, từ hoàn thành năm 2018, tới cuối năm 2022, cuối 2023 và nay tiếp tục lùi thêm.
Tuyến đường sắt trên dài 12,5km, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5km, đoạn đi ngầm dài 4km, với 12 ga (8 ga trên cao và 4 ga ngầm).


Lê Hữu Việt/theo Tienphong.vn