Huy động 60.000 cán bộ, chiến sĩ công an ứng phó với bão số 7

Google News

Trước diễn biến của bão số 7, Bộ Công an đã huy động 60.000 cán bộ, chiến sĩ cùng hơn 5.000 phương tiện đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân khi sơ tán.

Cuộc họp được kết nối trực tuyến với 9 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, trước diễn biến bão số 7 khả năng tiến vào vịnh Bắc Bộ trong những ngày tới.
Quân đội, công an sẵn sàng hỗ trợ dân sơ tán
Theo đại tá Nguyên, trước dự báo bão số 7 khả năng gây mưa lớn cho các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong ngày 9-11/10, lực lượng công an chịu trách nhiệm nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh trật tự, sơ tán dân...
Bộ Công an đã làm việc với các tỉnh, thành phố nằm trong vùng ảnh hưởng của bão, yêu cầu ngành chức năng địa phương chỉ đạo lực lượng công an cấp xã sẵn sàng trực chiến. Dự kiến, khoảng hơn 261.000 người dân sẽ phải sơ tán nếu có tác động xấu về bão, lụt.
Để đảm bảo an ninh trật tự, giúp người dân kịp thời sơ tán, Bộ Công an đã huy động gần 60.000 cán bộ, chiến sĩ, trong đó 12.000 cán bộ công an tuyến xã ứng trực trong các tình huống. Các đơn vị đã sẵn sàng 5.000 phương tiện gồm ca nô, xuồng bè cùng tàu lớn để cùng lực lượng bộ đội biên phòng tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.
"Hơn 2.500 cán bộ CSGT đã được đưa vào tình huống sẵn sàng trực chiến, đồng thời lực lượng công an sẵn sàng tham mưu, sơ tán dân đến khoảng 6.000 điểm nhà an toàn", ông Nguyên nói và cho biết căn cứ vào tình hình thực tế, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị lên phương án ứng phó.
Đại diện Bộ Công an cũng khuyến cáo do cơn bão đổ bộ vào cuối tuần và một số nơi đã mở lại du lịch nội địa nên các đơn vị du lịch lữ hành cần xem xét lại việc di chuyển của du khách.
Thông tin trên được đại tá Nguyễn Hồng Nguyên, Phó chánh văn phòng Bộ Công an, chia sẻ tại cuộc họp ứng phó với bão số 7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, chiều 8/10.
Báo cáo tại cuộc họp, đại tá Trần Đình Hưng, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, cho biết đơn vị cũng huy động 5.000 cán bộ, chiến sĩ cùng hơn 310 phương tiện để phối hợp với địa phương ứng phó với bão số 7 trong điều kiện dịch bệnh.
Đại tá Hưng đề nghị các địa phương phối hợp với ngành chức năng tiếp tục kêu gọi tàu thuyền, phương tiện vào bờ trước khi bão đổ bộ, tránh gây thiệt hại về tài sản.
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, lực lượng chức năng các địa phương từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã hướng dẫn hơn 59.000 tàu thuyền cùng hơn 263.000 ngư dân biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động tránh trú.
Huy dong 60.000 can bo, chien si cong an ung pho voi bao so 7
Bão số 7 khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ các ngày 9-11/10. Ảnh: VNDMS. 
Cảnh báo nước dâng do bão
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 7 khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh phía nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ 17h chiều 10/10.
Sau khi tiến vào đảo Hải Nam (Trung Quốc), bão đổi hướng đi, yếu đi một cấp do lúc này, bão chịu ảnh hưởng của không khí lạnh và áp cao cận nhiệt đới bắt đầu lấn về phía tây.
Chuyên gia cảnh báo nước dâng do bão số 7 kết hợp với triều ở mức cao khả năng gây ngập úng tại một số vùng trũng, thấp và làm chậm việc thoát lũ trên sông.
Ảnh hưởng của bão, các tỉnh phía Đông Bắc Bộ mưa lớn trong các ngày 9-11/10. Lượng mưa ghi nhận được trong 3 ngày tới có thể lên đến 150-250 mm, có nơi trên 300 mm.
Tại Tây Bắc Bộ, mưa dông xuất hiện với lượng nhỏ hơn, dao động 100-150 mm/đợt và tập trung chủ yếu ở khu vực Hòa Bình, Yên Bái.
Trong khi đó, ngày 9-10/10, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình khả năng hứng chịu mưa 150-350 mm. Chuyên gia cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở ở các huyện miền núi.
Huy dong 60.000 can bo, chien si cong an ung pho voi bao so 7-Hinh-2
Cuộc họp ứng phó với bão số 7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai vào chiều 8/10. Ảnh: Ngọc Hà. 
Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, nhận định diễn biến và hướng đi của bão số 7 còn phức tạp trong những ngày tới. Do đó, các địa phương ven biển và miền núi cần triển khai ngay các phương án ứng phó với thiên tai, kết hợp phòng chống dịch bệnh.
Trên tuyến biển, địa phương cần rà soát lại các tàu thuyền, kể cả tàu đang đánh bắt xa bờ và tàu đi về trong ngày. Ông Hoài cho biết đã nhận được văn bản của tỉnh Quảng Ngãi đề cập việc một số nơi không cho tàu của địa phương này vào tránh trú do lo ngại dịch bệnh. Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành phố cần điều chỉnh việc này, tạo điều kiện tối đa cho các chủ tàu.
Nhắc lại sự việc năm 2016, 6 trong số 10 người dân ở Thanh Hóa đi làm rừng ở Nghệ An thiệt mạng do mưa bão, ông Hoài nhấn mạnh các địa phương cần tăng cường thông tin cho người dân vùng núi về tình hình mưa bão, đồng thời đảm bảo an toàn ở các gầm tràn, hồ đập.
Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cũng đề nghị địa phương quyết liệt trong việc yêu cầu dừng các công trình thi công ở miền núi, không để lặp lại sự việc đáng tiếc như Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) vào năm 2020.
Theo Mỹ Hà/ ZingNews