Huyền Như dùng “miếng mồi” nào để câu hơn 1.000 tỷ từ 5 công ty?

Google News

(Kiến Thức) - Lãi suất ngoài hợp đồng cao chót vót được coi là một trong những "miếng mồi" mà Huỳnh Thị Huyền Như đã lợi dụng vào đó quăng cần câu tóm hơn 1.000 tỷ của 5 công ty.

Dù đã vào những ngày cận Tết Nguyên đán, tuy nhiên theo đúng kế hoạch đã định, TAND TP.HCM ngày 8/2 vẫn tiến hành phiên xử Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên tới hơn 1.000 tỷ đồng từ 5 công ty gồm: Cty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank-Berjaya, Cty Cổ phần Đầu tư Hưng Yên, Cty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông, Cty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu, Cty Cổ phần Đầu tư Thương mại An Lộc.
Theo cáo trạng của VKSND được công bố sáng 8/2, năm 2007, Huyền Như đã vay trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và vay của nhiều cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản tại nhiều tỉnh thành.
Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ, cộng với việc phải trả lãi suất cao, Huyền Như không còn khả năng thanh toán. Để có tiền trả nợ, từ tháng 5/2011 đến 9/2011, Huyền Như táo tợn lấy danh nghĩa kiểm sát viên, quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của một ngân hàng lớn có chi nhánh tại TP.HCM để huy động tiền gửi.
Huyền Như đã lập các chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền trên hệ thống, trực tiếp thao tác chuyển tiền từ các tài khoản của khách hàng đi trả nợ cá nhân cho mình.
Từ tháng 5/2011 đến 9/2011, Như đã chiếm đoạt được hơn 1.000 tỷ đồng của 5 công ty; trong đó chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của công ty Hưng Yên, hơn 170 tỷ đồng của công ty An Lộc, 380 tỷ đồng của công ty Phương Đông, hơn 124 tỷ đồng của công ty Bảo hiểm Toàn cầu, hơn 209 tỷ đồng của công ty SBBS.
 Huyền Như có lẽ đã đánh trúng vào lòng tham của lãnh đạo 5 công ty.
Cáo trạng truy tố đã rõ ràng, tuy nhiên câu hỏi khiến nhiều người phải băn khoăn là tại sao những lãnh đạo, các phòng ban kiểm soát tại 5 công ty. Thậm chí, có những công ty là đơn vị bảo hiểm mà ở đó có những viên chức rất rành rẽ luật pháp, nhưng lại có thể để một cô gái “chân yếu tay mềm” lừa đảo hàng trăm tỷ đồng như vậy. Tại sao?
Câu hỏi khó nhằn trên đã được hé lộ một phần câu trả lời trong ngày làm việc đầu tiên của phiên tòa. Đó chính là lãi suất ngoài hợp đồng “khủng” – “miếng mồi ngon” được Huyền Như đưa ra “câu” các công ty.
Lấy ví dụ về trường hợp công ty Phương Đông, trả lời câu hỏi của luật sư hôm nay, đại diện đơn vị ngân hàng mà Như công tác cho hay, thủ đoạn dẫn dụ Công ty Phương Đông gửi tiền của Huyền Như là do bị cáo đưa ra “miếng mồi ngon” lãi suất ngoài hợp đồng cao. Ngoài công ty được hưởng lợi từ lãi ngoài hợp đồng, thì người môi giới thời điểm đó cũng được %.
Trước đó, tại CQĐT, Huyền Như khai đã chi hoa hồng cho “người môi giới” tên Phương tới 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, chị này đã phủ nhận lời khai của Huyền Như.
Theo truy tố, từ 11/8/2011 đến ngày 12/9/2011, "siêu lừa" Huyền Như dùng thủ đoạn để chiếm đoạt của Công ty Phương Đông số tiền 380 tỷ đồng.
Hay như trường hợp Công ty Hưng Yên, khai với CQĐT, bị cáo Huyền Như thừa nhận có thông qua nhân viên của một ngân hàng ở miền Bắc là Nguyễn Thị Nga biết một số công ty tại Hà Nội đang có nguồn tiền muốn gửi nên đã cùng với Võ Anh Tuấn bay ra Hà Nội gặp gỡ. Trong lần gặp Công ty Hưng Yên, Như giới thiệu mình tên Quyên và là nhân viên của Võ Anh Tuấn. Tiếp đó, Như nói ngân hàng của mình ở TPHCM đang có nhu cầu huy động vốn rồi đưa ra lãi suất hấp dẫn từ 18% đến 22%/ năm.
Tin tưởng, Công ty Hưng Yên đã chuyển 537 tỷ đồng vào tài khoản mở tại ngân hàng của Như công tác. Thấy tiền của Công ty Hưng Yên gửi về, Huyền Như đã làm giả 14 lệnh chi, ký giả chữ ký của ông Tạ Duy Hùng, Giám đốc Công ty Hưng Yên trên các lệnh chi, chuyển toàn bộ số tiền này đến các tổ chức, cá nhân do Như lập ra hoặc mượn tài khoản rồi từ đó chuyển trả lãi suất cao mà bị cáo đã vay lúc đó.
P.H