Huyền thoại nữ biệt động Sài Gòn mang biệt danh “con thoi sắt”

Google News

(Kiến Thức) - Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, PV Kiến Thức đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện cùng huyền thoại nữ biệt động Sài Gòn mang biệt danh “con thoi sắt”.

>>> Clip huyền thoại nữ biệt động Nguyễn Thị Mai kể về những lần bị tra tấn và mối tình kỳ diệu (Thực hiện: Thiên Dũng):
Nữ biệt động mang biệt danh “con thoi sắt”
Những ngày cuối tháng 4, khi cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi tìm đến nhà của bà Nguyễn Thị Mai – huyền thoại nữ biệt động Sài Gòn được mệnh danh là “con thoi sắt” lừng lẫy một thời với chiến công thành lập được 6 hầm vũ khí cung cấp cho quân đội, tạo hơn 20 cơ sở nuôi cán bộ, chăm sóc thương bệnh binh và 3 lần bị địch bắt với những màn tra tấn tàn khốc, hiểm độc…
Trong căn nhà khá khang trang nằm trên đường Bàu Cát (quận Tân Bình, TP HCM), nữ biệt động Nguyễn Thị Mai ngày nào nay đã ngoài tuổi thất thập đang cặm cụi gói bánh giò cho khách.
Quẹt ngang giọt mồ hôi trên gương mặt hiền hòa, bà Mai vừa gói bánh vừa hồi tưởng lại những năm tháng làm biệt động nhiều gian khổ nhưng đầy hào hùng.
Vốn sinh ra ở mảnh đất giàu truyền thống cách mạng huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Khi bước vào độ tuổi trăng tròn, cô thiếu nữ Nguyễn Thị Mai đã xung phong làm giao liên cho huyện đội.
Nữ biệt động Nguyễn Thị Mai lúc tuổi trăng tròn mới vào quân ngũ. 
Năm 1964, để xây dựng lực lượng ngày một lớn mạnh, lãnh đạo Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định đã cử người về các địa phương để tuyển người. Thời điểm này, đơn vị biệt động 90C đã cử người về huyện Đại Lộc (Quảng Nam) để tuyển quân. Tại đây, cô thiếu nữ biệt động 22 tuổi Nguyễn Thị Mai đã được gia nhập vào đội biệt động 90C.
Nguyễn Thị Mai về nhà tạm biệt má để lên đường vào Sài Gòn làm cách mạng, trước khi đi, điều dặn dò của má luôn văng vẳng bên tai : “Lần này con đi Sài Gòn thì lành ít dữ nhiều nên con nghe má dặn đây, đi làm cách mạng, nếu có bị lộ, bị địch bắt thì dù có đau đớn cỡ nào cũng phải chịu đựng, không được phản lại tổ chức, phản lại đồng đội nghe con”.
Sau nhiều ngày vượt biển khổ ải, nữ biệt động Nguyễn Thị Mai đã vào đến nơi an toàn, bà được huấn luyện tại Bình Thới, sau đó, Mai nhận công tác tại Đơn vị biệt động 90C với nhiệm vụ liên lạc, vận chuyển vũ khí, tài liệu từ căn cứ vào Sài Gòn. Ngày khi được giao nhiệm vụ, Mai bắt tay xây dựng cơ sở bí mật và liên lạc với nhiều cơ sở hoạt động cách mạng ở Hóc Môn, Củ Chi, Đức Hòa...
Cứ mỗi buổi sáng sớm, Mai được giao nhiệm vụ lên chợ Củ Chi để gặp "người áo đỏ", theo căn dặn của chỉ huy, chỉ cần: “có người mặc áo màu đỏ, đưa gì thì mang về cái đó”. Ban đầu, bản thân Mai chỉ biết làm theo lệnh, không biết người đưa đồ cho mình là ai, trong đó có thứ gì. Những lần sau đó, khi đã thạo việc, người trong đơn vị mới bật mí đó là tài liệu mật của Biệt động Sài Gòn - Gia Định, mất nó có nghĩa là mất tất cả. Từng chuyến xe rau, bên dưới là vũ khí được chuyển từ Hóc Môn, Củ Chi về nội thành nhờ sự khéo léo của Mai.
Một ngày đầu năm 1965, khi nữ giao liên Nguyễn Thị Mai đang vận chuyển 30 kíp nổ cùng tập tuyền đơn từ chợ Phước Thịnh (huyện Củ Chi) vào nội thành bằng xe lam thì bị một tốp cảnh sát chặn lại kiểm tra. Mai bị kiểm tra rất chặt chẽ, trước nguy cơ tập đơn tuyên truyền cất giấu trong người bị phát hiện, Mai đã quyết định lấy chúng ra đưa vào miệng nhai hòng nuốt vào bụng phi tang. Mấy tên cảnh sát thấy vậy liền lao đến bóp cổ, banh miệng Mai để móc xấp giấy ra. Nhưng lúc này, tất cả đã nhàu nát.
Những màn tra tấn man rợ nơi “địa ngục trần gian”
Lúc bị bắt, trong người nữ biệt động Nguyễn Thị Mai có 9 lá thư bí mật của đơn vị và 30 kíp nổ để trong giỏ đựng rau củ. Cô bị dẫn về bốt Hàng Keo - bốt khét tiếng với những gã "đồ tể" nhà nghề đi kèm những hình thức tra tấn tàn độc, bỉ ổi và man rợ. Tại đây, những ngày tháng sống cảnh “địa ngục trần gian” của nữ giao liên bắt đầu ập đến.
"Tụi nó đánh đập hả hê rồi nó kẹp vào hai bên ngực, hai bên tai tra điện. Mình ngất xỉu đi rồi nó tạt nước cho tỉnh lại nó tra tấn tiếp. Sau đó chúng dùng tăm chống 2 mí mắt tôi lên, dùng đèn pha công suất lớn chiếu thẳng vào khiến đầu óc quay cuồng, hai con ngươi như muốn nổ tung ra ngoài. Vừa tra tấn, chúng vừa hét lớn lên : Vũ khí mày chuyển tới nơi nào? Đội trưởng của mày tên gì? Mày lấy vũ khí và truyền đơn từ đâu? Đơn vị mày đóng ở đâu?...”, nữ biệt động bàng hoàng kể lại.
Trong giây phút đau đớn, thập tử nhất sinh ấy, bà Mai nhớ lại lời căn dặn của má trước khi vào Sài Gòn nên bà quyết định không chịu hé răng để giữ tròn khí tiết.
Không moi được tin tức từ nữ biệt động, chúng chuyển qua màn tra tấn bỉ ổi bằng lươn, rắn đối với cô gái đang độ tuổi xuân thì. Chúng cầm con lươn ngoe nguẩy trước mặt Mai rồi sau đó bấm đuôi con lươn bắt đầu trò tra tấn man rợ. Cả lũ cười hả hê trước sự quằn quại đau đớn của người con gái không mảnh vải che thân. Mai cắn răng chịu đựng rồi cô ngất lịm đi.
 Hiếm ai ngờ rằng, người phụ nữ này đã từng lao qua "bão đạn" dẫn đường cho quân cách mạng, từng chịu những trận đòn thù, tra tấn dã man của địch
Tức giận, chúng lại tiếp tục màn tran tấn mới với tên gọi “đi tàu bay”. Bọn giặc cột hai chân bà treo ngược lên đánh đập khảo cung. Một lúc sau, móc khóa bung ra và bà Mai rơi xuống, đầu đập vào nền xi măng bất tỉnh. “Tôi bị nứt sọ và để lại di chứng thần kinh thường xuyên bị co giật cho tới bây giờ. Nó bảo cho đi “tàu bay” là vậy đó”, bà Mai cho hay.
Sau nhiều lần dùng đòn tra tấn dã man, tác ác mà vẫn không kết được án, chúng đành phải ghi vào hồ sơ là “án mù”.
Trước một nữ biệt động Sài Gòn gan góc, kiên trung, bọn địch ác ôn phải bỏ cuộc. Nguyễn Thị Mai được đưa vào Bệnh viện Chợ Quán. Vị bác sĩ khám bệnh chỉ biết lắc đầu tặc lưỡi: “Các ông tra tấn thế này thì chúng tôi không có khả năng chữa trị”. Rồi họ đưa cô qua Bệnh viện Nguyễn Thái Học (nay là Bệnh viện Nhân Dân Gia Định). Vài ngày sau, thấy bớt đau, Mai tháo còng trốn viện, men theo đường rừng trở về căn cứ trong sự xót thương, nhói đau của tất cả đồng đội.
Còn tiếp...
Thiên Dũng