Nỗi oan "Thị Kính"
Vào một buổi chiều ngày chủ nhật, nhân tiện ngày nghỉ nên đại tá Nguyễn Trường Tam đi vườn hoa An Biên chơi. Vườn hoa ấy từ thời Pháp đã có bến xe bên trong. Ở xung quanh bến xe, người ta buôn bán lậu tem phiếu và nhiều thứ linh tinh. Cũng bên trong vườn hoa, có một trạm công an trực thường xuyên ở đó.
Hôm ấy, công an vườn hoa có bắt được một cô gái buôn tem phiếu. Nghe đâu là cháu của một lãnh đạo công an thành phố. Cô gái bị đưa lên trên quận ngồi trong phòng trực ban. 8 giờ tối, ông Tam đi chơi mới về đến đấy.
Nguyễn Trường Tam đi qua thấy cô gái đang khóc vật vã và ăn vạ rằng bị công an đánh. Vì không phải ngày trực nên ông không để ý nhiều mà tiếp tục đi. Ông Tam đi vào đến sân thì gặp một ông sếp. Ông sếp hỏi: "Chú đi đâu về đấy?". "Báo cáo sếp! Hôm nay cuối tuần em đi chơi về", ông Tam trả lời.
Đại tá Nguyễn Trường Tam vẫn còn nhớ, hôm đó ông mặc một chiếc quần đen, áo trắng. Sau đó thì lên thẳng trên phòng không quay lại chỗ trực ban. Còn ông sếp gặp cô gái khóc vật vã trong phòng trực ban từ lúc nào thì ông không hề hay biết. Sau này, khi sự việc xảy ra ông mới biết cô gái đã nói với sếp rằng người đánh mình là một công an mặc áo ngắn tay màu trắng, quần màu tối.
Ngày xưa, một quận thì có 4 đồn. Gọi là đồn chứ không gọi là phường. Sáng thứ hai hàng tuần cơ quan sẽ họp giao ban để nghe lãnh đạo phổ biến tinh thần làm việc trong tuần mới. Tất cả các đồn phải lên họp.
Sáng thứ hai giao ban, ngay sau khi chào cờ, mọi người đang ngồi trong hội trường thì sếp nói: "Đồng chí Trường Tam có tiền sự đánh người".
Đúng, trước ông có tiền sự đánh người. Khi ông làm hình sự thì đánh mạnh lắm. Cái đó là đúng, ông đánh đúng thằng tội phạm chứ có phải đánh linh tinh đâu.
"Mà đàn bà cậu ấy cũng đánh nên đình chỉ công tác ngay", vị sếp phát biểu trong cuộc họp.
Lúc ấy, giữa hội trường đang họp, vì giữ thể diện cho sếp nên ông Tam không cãi lại. Ông để trong lòng, lát nữa họp xong sẽ trình bày riêng.
Sau khi kết thúc cuộc họp ông Tam len lỏi trong đám đông ra gặp riêng sếp và nói: "Thưa sếp! Em có chút chuyện muốn trình bày".
"Không báo cáo, báo mèo gì cả. Cậu trợ lý đâu viết văn bản đình chỉ công tác đồng chí này ngay", ông Sếp gay gắt nói.
Trình bày không được, trong người ông Tam bức xúc lắm. Rõ ràng ông không làm gì sai cả, thậm chí mình đang làm tốt nhưng lại bị đổ oan nên tâm trạng rất phẫn nộ.
Sau khi ông sếp lên tầng, ông Tam lại tiếp tục chạy theo nhưng không kịp vì ông ấy đã đóng rầm cửa lại. Ông Tam nghĩ thầm trong bụng: "Viết kiểm điểm thì biết viết gì bây giờ".
Ngồi một lúc ở nhà ăn, ông Tam nhìn thấy ông sếp từ trên phòng đi xuống, liền chạy lại tìm cách giải thích. "Ông không phải nói gì cả. Ông cứ viết kiểm điểm đi. Ông làm ăn như vậy mà được à", ông sếp tiếp tục chụp mũ khiến ông Tam không kịp đưa lời giải thích.
|
Đại tá Nguyễn Trường Tam và chiếc mũ trắng quen thuộc. (Ảnh nhân vật cung cấp). |
Lúc ấy, ông Tam bị nỗi oan "Thị Kính" làm cho kích động tinh thần. Ông lao đến túm cổ áo ông sếp. Ông Tam đã xác định kể cả bị đuổi khỏi ngành cũng chấp nhận vì đã ức quá rồi. Rõ ràng, lúc ấy ông Tam biết làm thế với lãnh đạo là sai nhưng vẫn làm. Bởi vì, ông muốn cho ông ta một bài học để lần sau không chụp mũ người khác như vậy nữa.
Sau khi ông Tam túm cổ áo sếp, được mọi người can ngăn, ông sếp ấy lại lên phòng và đóng rầm cửa lại.
Sự thật phơi bày
Ông Tam trong cơn phẫn nộ lao từ nhà ăn ra ngoài sân. Vừa ra ngoài thì gặp trưởng quận. Ông trưởng quận này mới về công tác được khoảng 6 tháng nhưng vui tính. Thấy cậu lính trẻ mặt đỏ tía tai nên ông trưởng quận gọi vào nói chuyện.
Sau khi nghe câu chuyện của ông Tam, vị trưởng quận hứa sẽ cho người điều tra. Điều tra ra thì là không phải công an đánh phụ nữ. Người đánh cô gái ấy là một người đàn ông không phải trong ngành công an.
Khi thấy công an cưỡng chế người vi phạm, một vài kẻ có tư thù cá nhân nhảy vào gây sự, đánh hôi. Người dân trong lúc hoảng loạn không phân biệt được đâu là công an đang làm nhiệm vụ, đâu là bọn côn đồ, lưu manh nên mới dẫn đến cơ sự oan sai của ông Tam.
Tuy vụ việc đã được làm rõ nhưng tội "túm cổ áo lãnh đạo" vẫn khiến ông Tam bị chuyển công tác. Ông được chuyển từ quận Hồng Bàng về Công an phường Sở Dầu.
Thời điểm đó, thành phố mới thành lập một vài phường thí điểm. Công an phường Sở Dầu lúc đó có tất cả 7 người. Ông Tam xuống nhìn thấy phường chán quá nên quyết tâm bỏ nghề, về nhà đi cày. Khi ấy, Tam mới tròn 25 tuổi, chưa vợ con nên không vướng bận gì.
Về đến nhà, bạn bè đến chơi rất đông. Chờ đến đêm bạn bè về hết, bố ông mới gọi con trai ra nói chuyện như hai người đàn ông. "Thôi con ạ. Người ta là lãnh đạo nên có nhiều cái chủ quan. Mà con cũng láu cá. Con quay lại đi, nếu người ta đuổi thật thì bỏ còn nếu không vẫn quyết tâm làm". Nghe cha phân tích, ông lại lên đường về cơ quan.
Sau nhiều vấn đề, cuối cùng ông Tam vẫn được Công an phường Sở Dầu giữ lại làm việc. Những ngày đầu, tâm trạng của ông vô cùng chán nản. Cũng may, lúc bấy giờ có cô bạn gái sẻ chia nên ông đã vượt qua được. Và chính cô bạn gái trong giai đoạn "đồng cam cộng khổ ấy" là người bạn đời của ông cho đến tận bây giờ.
Làm lại từ đầu
Sở dĩ gọi là phường Sở Dầu bởi gần khu vực này có một téc dầu rất lớn. Mỗi ngày hàng trăm xe tải qua lại. Ông Tam và đồng đội bắt một tháng, can dầu chồng thành quả núi.
Ngày ấy, ông Tam đen lắm. Bởi vậy, còn có biệt danh Tam "đen". Tất cả các xe qua khu vực đấy nghe tiếng Tam "đen" đều sợ. Bên cạnh việc bắt trộm dầu, phường Sở Dầu còn là vùng giáp ranh nên có rất nhiều lưu manh tập trung. Cũng nhờ việc bắt nhiều lưu manh trộm cắp, móc túi nên ông lập rất nhiều chiến công từ khu vực phường Sở Dầu.
Tháng 4/1981, ở địa bàn phường Sở Dầu đã xảy ra vụ cháu 13 tuổi chết dưới nước. Sau khi khám nghiệm phát hiện cháu đã bị hiếp trước khi chết. Phòng hình sự công an thành phố đã cử người xuống kết hợp với quận, phường điều tra.
Người ta mới họp đưa ra phương án này kia thì đến chiều ông Tam đã có tài liệu báo cáo. Ông phó phòng khi ấy trực tiếp xuống làm việc, thấy cậu lính rất nhanh nhẹn nên đưa vào tầm ngắm.
Ông Phó phòng hỏi: "Chú về phường này lâu chưa?". "Em mới về được hơn năm", ông Tam trả lời.
Ông Phó phòng nói tiếp: "Giám đốc đang cho ý kiến là thành lập một đội săn bắt lưu manh. Tôi thấy chú mày được đấy. Chú có thích lên phòng không?".
Mặc dù đang muốn nhảy cẫng lên vì sung sướng, nhưng ông vẫn trả lời kiểu ỡm ờ: "Bây giờ tổ chức phân công nên thích hay không cũng không được. Lãnh đạo sắp xếp như thế nào, em theo thế đó". Ông phó phòng nói như đinh đóng cột: "Chú mày cứ thích là được".
"Làm lính hình sự sướng hơn lấy vợ"
Chỉ khoảng một tháng sau, ông phó phòng cho người cầm tờ công văn xuống báo cáo trưởng phường là điều chuyển công tác đối với đồng chí Nguyễn Trường Tam.
Ngay ngày hôm sau Nguyễn Trường Tam được chuyển lên phòng hình sự luôn. Lên đến nơi, thủ trưởng lại hỏi: "Chú thích đội nào chứ đội săn bắt lưu manh thì nguy hiểm đấy? Tôi cũng hỏi một số người anh em thấy bảo chú làm án trộm cũng có năng khiếu. Thôi, tôi cho chú về đội án thường". Đội án trộm khi ấy gọi là đội án thường.
Về được 3 ngày, ở Công an quận Hồng Bàng xảy ra một vụ trộm. Vì có tình tiết phức tạp nên phòng hình sự kết hợp tham gia làm. Ông Tam được giao cầm giấy giới thiệu xuống quận làm việc và đi cùng với hai người nữa.
Ông bảo với đồng chí bên đội tham mưu là cứ ghi rõ tên Nguyễn Trường Tam vào. Ông mới về, đáng lẽ ra hai đồng chí kia là người đứng đầu giấy giới thiệu, nhưng vì có cơ duyên gặp lại sếp cũ, người đã khiến ông chịu oan ức nên ông chẳng ngại ngần mà ghi tên mình vào để ra "oai".
Thật bất ngờ, đúng hôm ông Tam xuống thì vị lãnh đạo năm nào lại trực. Ban đầu, khi nhìn thấy ông Tam mang giấy giới thiệu xuống, ông sếp cũ nhìn giấy giới thiệu xong nhìn từ đầu xuống chân, nhìn từ chân lên đầu. Ông ấy nhìn phải đến 5 phút rồi quay lại hỏi: "Cậu đùa tôi đấy à?". "Báo cáo anh đùa là đùa thế nào? Việc quan trọng đùa thế nào được ạ!", ông Tam nói.
Sau khi quận xác minh là phòng có cử 3 đồng chí xuống quận làm nhiệm vụ, trong đó có đồng chí Nguyễn Trường Tam, vị sếp cũ đành ngậm ngùi cử người phối hợp làm việc.
"Lúc ấy thích lắm, sướng lắm! Còn vui sướng hơn lúc lấy vợ", ông Tam diễn tả cảm xúc khi cầm giấy chuyển công tác về phòng hình sự và đường đường chính chính quay lại gặp sếp cũ.
Theo Kim Thược/VTC News