Khám chữa bệnh từ xa: Mang lại nhiều lợi ích cho cơ sở y tế, bệnh nhân

Google News

Đề án “khám chữa bệnh từ xa” Bộ Y tế sau hơn 1 năm triển khai đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Kéo gần khoảng cách giữa các tuyến y tế
Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025 được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt tại Quyết định 2628. Đây là hình thức tư vấn trực tuyến cho tuyến dưới về trường hợp bệnh nhân cụ thể, bổ sung kiến thức cho tuyến dưới, giúp cứu sống nhiều ca bệnh khó, cả những ca COVID-19 chuyển nặng trong mùa dịch.
Sau khi Đề án được ký, ban hành, Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện tuyến trên trực thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến trên thuộc Sở Y tế Hà Nội và TP HCM xây dựng hệ thống mạng lưới triển khai Đề án. Bộ Y tế cũng phối hợp với Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư lắp đặt trang thiết bị về công nghệ thông tin cho các bệnh viện để đáp ứng yêu cầu kết nối triển khai hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.
Kham chua benh tu xa: Mang lai nhieu loi ich cho co so y te, benh nhan
Bệnh viện Nhi trung ương thực hiện Chương trình ứng dụng hệ thống hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. 
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, sau một năm triển khai đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020-2025, đã có 32 bệnh viện tuyến trên đã khai trương hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (chiếm 78%), kết nối với 1.500 bệnh viện tuyến dưới. Đến nay, không chỉ các bệnh viện tuyến tỉnh gia nhập hệ thống hiện đại này mà còn có rất nhiều bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tư nhân.
Với việc triển khai Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020 - 2025 giúp Bộ Y tế tăng cường đội ngũ bác sĩ cho các tuyến, góp đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân trong thời gian tới. Thực tế chứng minh, ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp tập hợp đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các bệnh viện xích lại gần nhau hơn, đem lại cơ hội được cứu chữa cho rất nhiều ca bệnh nặng, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho các bệnh nhân tuyến dưới.
Các chuyên gia y tế cho rằng, khám chữa bệnh từ xa qua ứng dụng Telehealth không chỉ giúp tiết kiệm thời gian cho người dân, bác sĩ mà còn giúp các bác sĩ có thể dễ dàng trao đổi, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn. Đây là bước khởi đầu để cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.
Trước đây, việc hỗ trợ chuyên môn giữa tuyến trên và tuyến dưới được thực hiện theo phương thức 1-1, tức là một bệnh viện tuyến trên hỗ trợ cho một cơ sở tuyến dưới thì hiện nay, sẽ mở rộng theo mô hình 1-N để đảm bảo hiệu ứng tốt hơn. Bên cạnh đó, Đề án khám chữa bệnh từ xa còn có nhiệm vụ góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo phương thức kết hợp của bác sĩ tuyến trên và bác sĩ tuyến dưới theo mô hình 1-4-4-2. Tức là, một bác sĩ tuyến trên hỗ trợ cho 4 bác sĩ tuyến tỉnh, 4 bác sĩ tuyến huyện và 2 bác sĩ tuyến xã. Trong đó, bác sĩ tuyến trên đóng vai trò như người bảo trợ, hỗ trợ cho tuyến dưới khi cần thiết.
Ngoài ra, trong tình hình dịch COVID-19, điều này cũng góp phần thực hiện biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh, giảm tập trung đông người tại bệnh viện, giảm số lượng người dân phải đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân ở vùng nông thôn, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; giảm chi phí khám bệnh, chữa bệnh, chi phí bảo hiểm y tế, các chi phí khác cho người dân; phát triển được mạng lưới liên thông của hệ thống bệnh viện từ trung ương tới địa phương trong việc chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất.
Số liệu tổng hợp cho thấy, hàng trăm ca bệnh nguy kịch đã được cứu sống nhờ hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Đây là những con số rất tích cực thể hiện hiệu quả đề án khám bệnh, chữa bệnh từ xa và việc triển khai công nghệ thông tin đối với lĩnh vực y tế, rút ngắn khoảng cách địa lý, kết nối các cơ sở y tế và mở ra cơ hội được điều trị có chất lượng cho rất nhiều bệnh nhân trên cả nước.
Nhiều lợi ích “Khám, chữa bệnh từ xa” nhìn từ cơ sở y tế
Giám đốc Bệnh viện E Nguyễn Công Hựu cho biết, bệnh viện E là 1 trong 21 bệnh viện tham gia thí điểm đặt lịch khám trực tuyến của Bộ Y tế. Thời gian qua, bệnh viện đã thực hiện kết nối hệ thống khám chữa bệnh từ xa với gần 80 cơ sở y tế trong đó có 21 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, hơn 54 bệnh viện tuyến huyện và trung tâm y tế tuyến huyện, bệnh viện tư nhân. Cứ 2 tuần/lần, Bệnh viện E thực hiện hội chẩn với các bệnh viện tuyến dưới thông qua hệ thống Telehealth.
Bên cạnh đó, Bệnh viện E tiến hành mở các lớp học đào tạo trực tuyến nhằm cập nhật kiến thức và chuyển giao kỹ thuật cho y tế cơ sở tuyến dưới. Trung tâm đào tạo chỉ đạo tuyến sẽ thu lại các buổi giảng của giảng viên gửi cho học viên. Bệnh viện E phối hợp cùng Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam tổ chức hội nghị khoa học trực tuyến với chủ đề Cập nhật những tiến bộ trong phẫu thuật tim mạch, với sự tham gia của các phẫu thuật viên, bác sĩ hồi sức tích cực, cấp cứu, giảng viên trường y dược và nhân viên y tế trên cả nước.
TS. Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, Bệnh viện Nội tiết Trung ương là một trong những bệnh viện đầu tiên trong cả nước triển khai, thực hiện Đề án khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 của Bộ Y tế.
Chương trình tư vấn khám chữa bệnh từ xa nhằm mục đích trực tiếp cùng tuyến dưới hội chẩn khẩn cấp trong những ca bệnh nặng hoặc trong những trường hợp đang điều trị gặp phải vấn đề mà tuyến dưới chưa xử lý được, mang lại rất nhiều lợi ích cùng lúc.
Theo TS Dương, người bệnh ở tuyến dưới không cần thiết phải lên tuyến trên mà sẽ được tư vấn trực tuyến qua chương trình khám chữa bệnh từ xa trong những tình huống cụ thể và sẽ được xử lý ngay tại chỗ.
Qua chương trình sẽ kết hợp đào tạo từ xa cho các đồng nghiệp ở tuyến dưới rất hiệu quả. Thực tế các bác sĩ, nhân viên y tế ở tuyến dưới rất khó để cùng một lúc lên được tuyến trên để học các kỹ thuật cao. Nhưng qua chương trình khám chữa bệnh trực tuyến, qua các chương trình giảng dạy từ tình huống cụ thể, bệnh viện tuyến trên sẽ chuyển tải kiến thức, kinh nghiệm điều trị cũng như giải đáp thắc mắc của đồng nghiệp tuyến dưới.
“Với cùng một ca bệnh khó nhưng hàng chục các bệnh viện khác có thể tham gia học hỏi kinh nghiệm. Điều này mang lại ý nghĩa rất lớn trong thực tiễn hành nghề của người thầy thuốc cũng như nâng cao công tác khám chữa bệnh của tuyến dưới”, TS Dương nói.
Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức có số lượng phòng tư vấn nhiều nhất (3 phòng), thực hiện nhiều ca bệnh hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; Bệnh viện Bạch Mai kết nối bệnh viện tuyến dưới (351 bệnh viện), nhiều chuyên gia đầu ngành các lĩnh vực tham gia hội chẩn. Bệnh viện tích cực thực hiện các ca bệnh tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa (240 ca), hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa (81 ca) với sự tham gia; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thực hiện 267 buổi hội chẩn tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho 1449 ca bệnh; Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP. Hồ Chí Minh đã hội chẩn thường xuyên với các bệnh viện tuyến dưới đều đặn chiều thứ 5 hằng tuần, trong đó mạng lưới bao gồm các bệnh viện phía Nam và nhiều bệnh viện phía Bắc cũng tham gia...
Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” đã giúp 1500 bệnh viện tuyến dưới đã được kết nối vào mạng lưới qua hệ thống Viettel, hơn 4000 nhân viên y tế tuyến trên và hơn 15000 nhân viên y tế tại tuyến dưới đã được kết nối, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ nhau trong công tác khám chữa bệnh và tư vấn. Các cơ sở y tế tuyến dưới đã được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến trên dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân. Các bệnh viện bố trí lịch vào 1, 2 ngày trong tuần đều tổ chức các buổi hội chẩn trực tuyến Telehealth.
Sau 1 năm thực hiện đề án, nhiều cơ sở y tế đã kết nối qua hệ thống này mở ra cơ hội rất lớn cho người dân tại khu vực tuyến dưới được tiếp cận với các y bác sĩ tuyến trên, tiết kiệm được thời gian, công sức và kinh tế. Hiện Bộ Y tế đang khẩn trương rà soát để trình Quốc hội ban hành Luật khám bệnh, chữa bệnh và Luật bảo hiểm y tế sửa đổi để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, định hướng gắn chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh với giá dịch vụ y tế, qua đó góp phần đẩy nhanh hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh các tuyến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai trong dịch Covid-19:

Nguồn: THĐT

Tâm Đức