Thông tin mới nhất liên quan diễn biến cơn bão số 14, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, vào hồi 19h ngày 18/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 330 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Vùng gió mạnh do bão trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150km về phía Bắc, 100km về phía Nam tính từ vùng tâm bão.
Dự báo trong 12h tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 7 giờ ngày 19/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,8 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12. Vùng gió mạnh do bão trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 180km về phía Bắc, 120km về phía Nam tính từ vùng tâm bão có thể đi qua.
|
Hướng di chuyển của cơn bão số 14. |
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km; khoảng sáng đến trưa mai bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 11, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Ngày 18/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến tỉnh Khánh Hòa để chỉ đạo công tác ứng phó bão số 14.
Tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà vào chiều tối 18/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Khánh Hoà cần rút kinh nghiệm triệt để trong công tác ứng phó bão số 12 vừa qua, đã gậy thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Khánh Hòa phải khẩn trương rà soát tàu thuyền còn ngoài khơi, kêu gọi, hướng dẫn ngư dân di chuyển khởi vùng nguy hiểm, tìm nơi tránh trú an toàn; tổ chức lực lượng hướng dẫn ngư dân chằng chống an toàn, kiên quyết sơ tán người dân khỏi các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản nếu cần thiết phải cưỡng chế. Các địa phương huy động lực lượng để bảo vệ tài sản, giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Tỉnh Khánh Hoà phải tập trung lực lượng của toàn hệ thống chính trị, xử lý trực tiếp, nhanh chóng mọi tình huống có thể xảy ra.
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho biết, ngay trong buổi sáng ngày 18/11, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa đã họp và bàn các giải pháp để ứng phó cơn bão số 14. Tỉnh đã yêu cầu các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó bão, trong đó đặc biệt chú trọng tuyên truyền đến nhân dân diễn biến, mức độ của cơn bão.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa cho biết, đến 19h ngày 18/11, các tàu cá hoạt động trên vùng biển gần bờ đã vào nơi tránh trú bão, neo đậu an toàn.
Về công tác sơ tán dân, các địa phương đã thống kê và đang triển khai thực hiện công tác sơ tán dân tại các vũng trũng, vùng thấp vùng cửa sông, ven biển, vùng có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp của bão, vùng ngập lụt, sạt lở đất.... đến nơi an toàn. Kế hoạch dự kiến công tác sơ tán sẽ hoàn thành trước 19h ngày 18/11.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công điện khẩn cấp ứng phó với cơn bão số 14.
Tại Bình Thuận, ngay trong sáng 18/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Ngọc Hai đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương về chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 14.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng cần tập trung cao độ để triển khai hành động đối phó bão như kêu gọi tàu thuyền vào bờ; các địa phương tổ chức trực 24/24, nắm chắc tình hình dự báo, tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đến người dân; Rà soát và triển khai ngay các phương án phòng tránh bão theo phương châm “4 tại chỗ”; phân công và có giải pháp giúp dân,ứng cứu dân trước, trong và sau bão…
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận - Nguyễn Mạnh Hùng cũng yêu cầu cần khẩn trương có lệnh cấm tàu ra khơi; không để người dân trên tàu bè; phải neo đậu, che chắn kỹ lưỡng và cân nhắc nên khai thác trước hải sản để tránh thiệt hại nặng. Đối với các hồ chứa nước, các cơ quan chức năng phải thông báo cho các vùng dân cư vùng hạ du chuẩn bị đối phó với xả lũ…
Hải Ninh