Khi các doanh nhân đình đám bị khởi tố, bắt giam

Google News

Khi không chỉ là một hay hai doanh nhân điều hành các doanh nghiệp tập đoàn lớn bị khởi tố, bắt giam, nhiều người lo ngại sẽ có những hệ lụy.

Người ta đặt câu hỏi liệu có sự hoang mang, ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư hay không?
Tôi cho rằng, thị trường chứng khoán, thị trường vốn của ta là thị trường mới, còn nhiều điều phải học hỏi, nên sẽ không tránh được câu chuyện như vụ việc của Trịnh Văn Quyết (FLC) hay Đỗ Anh Dũng (Tân Hoàng Minh) hay những doanh nhân có tiếng khác trước đó từng vướng vòng lao lý.
Khi cac doanh nhan dinh dam bi khoi to, bat giam
 Trụ sở Tập đoàn FLC bị khám xét tối 29/3 sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam tội Thao túng thị trường chứng khoán.
Một thị trường non trẻ không tránh được những vấp váp. Muốn phát triển thì bắt buộc phải trả giá, chấp nhận câu chuyện cạnh tranh và học hỏi, trong quá trình đó có những nhân tố tốt, cũng không thể không có những nhân tố xấu.
Những đối tượng như Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng ở đâu cũng có. Nói là do lòng tham cũng đúng, nói pháp luật có kẽ hở để bị lợi dụng cũng không sai.
Việc bắt và khởi tố, thậm chí phạt tù những đối tượng cố tình vi phạm pháp luật chính là biện pháp làm trong sạch thị trường, là tiếng chuông cảnh tỉnh rất lớn đối với các “cá mập”. Qua đó, nhà đầu tư nhỏ sẽ được bảo vệ nhiều hơn.
Khi cac doanh nhan dinh dam bi khoi to, bat giam-Hinh-2
Ông Đỗ Anh Dũng (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) bị bắt về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 
Những vụ việc này sẽ có ảnh hưởng nhưng là ảnh hưởng tích cực nhiều hơn tiêu cực. Tiêu cực chỉ là ngay lúc ấy nhà đầu tư có thể hoang mang, nhưng khi có được thông tin họ hiểu ngay là những người kia đáng phải bị trả giá, thị trường cần thiết phải có những hành động như vậy.
Pháp luật sẽ luôn còn nhiều chỗ khiếm khuyết nhưng chúng ta sẽ sửa trong quá trình thực thi. Gần đây tôi thấy đã có nhiều chiều hướng tích cực, cải tiến mạnh mẽ trong quá trình làm luật.
Tuy nhiên, đó mới là xây dựng pháp luật, cái cần nhiều hơn là thực thi. Bỏ một đồng xây dựng pháp luật thì phải bỏ ba đồng cho thực thi, bảo đảm pháp luật. Ở ta, chi phí xây dựng pháp luật không thấp nhưng chi phí cho thực thi lại không được như yêu cầu thực tế. Đó là điều phải sửa.
Luật pháp có hoàn thiện đến đâu, cũng vẫn có người sẵn sàng dẫm đạp lên các quy định, giẫm đạp lên quyền lợi của người khác để làm giàu. Nên câu chuyện thực thi và đảm bảo cho việc thực thi có hiệu quả vô cùng quan trọng.
Nếu ban hành quy định, quy trình mà không áp dụng vào thực tế thì mãi chỉ là trên giấy, không có tác dụng. Hay thực thi chỉ theo phong trào, bắt cóc bỏ đĩa như nhiều quy định thời gian qua thì cũng không tạo ra những thay đổi căn bản.
Việc thực thi pháp luật đòi hỏi phải có nguồn lực, sự tác động mạnh mẽ qua lại từ các bên. Trong cơ chế thị trường, chúng ta phải chấp nhận sự tồn tại của “gian thương”.
Nhưng khi phát hiện vi phạm thì dù có liên quan đến doanh nghiệp quy mô thế nào, thế lực ngầm ra sao, cần xử lý minh bạch và công bằng.
Điều đó mới tạo được niềm tin cho xã hội, cho nhà đầu tư.
Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền/Giao thông