"Khi phát giấy khen như tờ rơi, trẻ không được sẽ thành cá biệt"

Google News

TS Vũ Thu Hương cho rằng khi giấy khen được phát như tờ rơi quảng cáo, học sinh không được khen sẽ trở thành trường hợp đặc biệt.

Mùa hè đến, các trường học lại sôi động với rất nhiều hoạt động, kế hoạch nhỏ, thi cử, họp phụ huynh và tổng kết.
Đến hẹn lại lên, ở không ít trường học, giấy khen lại được phát như tờ rơi quảng cáo. Lớp học có mấy chục học sinh, phần lớn sẽ nhận giấy khen nhiều loại khác nhau.
Trẻ không được giấy khen là trường hợp đặc biệt. Tự nhiên, trong tôi nảy ra câu hỏi: Giấy khen dùng để làm gì?
 Giấy khen được phát tràn lan với đủ loại danh hiệu. Cứ đến mùa bế giảng, nhiều phụ huynh lại khoe ảnh giấy khen của con trên mạng.
Giấy khen - "vật thể kỳ lạ"
Ngày trước, khi chúng ta đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 32, phân loại giỏi, khá, trung bình, kém. Việc nhận giấy khen là đặc quyền của các bạn học sinh giỏi và tiên tiến.
Tuy nhiên, ngày nay, khi đã đánh giá học sinh theo Thông tư 22, không còn xếp loại học sinh, giấy khen trở thành "vật thể kỳ lạ".
Chắc ít ai để ý đến câu chữ khen thưởng trong giấy khen ngày nay, kỳ lạ và tương đối tối nghĩa. Rất nhiều học sinh mới "chân ướt chân ráo" đến trường, được nhận "giấy khen toàn diện".
Trường đã không thể đào tạo mọi mặt cho học sinh, nhiều môn còn không được xem là tiêu chí quan trọng để đánh giá như Âm nhạc, Mỹ thuật. Rõ ràng, lời "khen toàn diện" có ý gì đó hơi khiên cưỡng và phiến diện.
Lời khen "vượt trội" ở môn nào đó còn kỳ lạ hơn nữa. Em đó vượt trội so với mặt bằng đánh giá nào, tiêu chí đánh giá ra sao, chẳng ai biết. Đôi khi, trẻ nhận được giấy khen chỉ để... nhận giấy khen mà thôi.
Một lớp học với hơn 40 bạn nhỏ, đến trên dưới 40 tờ giấy khen. Khi giấy khen được phát như tờ rơi quảng cáo, học sinh không được nhận giấy khen mới là trường hợp đặc biệt. Và ngẫu nhiên, học sinh ấy trở thành cá biệt.
Tôi đã gọi điện cho nhiều giáo viên tiểu học để hỏi về tác dụng của giấy khen với sự giáo dục học sinh. Gần 100% thầy cô công nhận chẳng có tác dụng gì.
Có thầy cô nói trẻ coi giấy khen như tờ giấy gửi về cho bố mẹ. Có em hờ hững đến mức chẳng nhớ đã để nó ở đâu, khi bố mẹ hỏi. Có em còn... đổi cho bạn.
Một số thầy cô phân tích rằng khi tuyên dương học sinh theo tháng, dán ảnh em lên bảng của lớp, học sinh rất phấn khởi và háo hức, cố gắng. Nhưng tờ giấy khen cuối năm lại nhận được sự thờ ơ của một số em.
Cũng có thầy cô khác nói giấy khen là thứ để bố mẹ lĩnh tiền thưởng ở cơ quan.
Trẻ không nhận giấy khen thành cá biệt
Rõ ràng, trẻ không cần tờ giấy khen, mà cần một chứng nhận đã hoàn thành năm học. Chứng nhận đó được thể hiện qua album ảnh hay bức thư tay giáo viên viết riêng, chúc mừng học sinh đã hoàn thành năm học, ấn tượng của cô về con hoặc lời nhắc nhở cố gắng trong năm tới.
Tất cả "giấy chứng nhận" đáng yêu đó sẽ khiến học sinh cảm động và yêu thích hơn rất nhiều một tờ giấy khen với lý do hết sức kỳ khôi.
Giấy khen cho học sinh tiểu học ngày nay rõ ràng đã mất hết ý nghĩa. Vì thế, nhận giấy khen, trẻ không vui. Nhưng không nhận được giấy khen, trẻ khổ sở, tổn thương.
Những đứa trẻ tiểu học ngày nay không được nhận giấy khen, trở thành cá biệt. Ngày xưa, trẻ cá biệt chỉ có cô giáo biết, bạn học có thể cũng "hơi hơi biết", thì ngày nay, cả thế giới tỏ tường thông qua những bức ảnh chụp lớp nhận giấy khen đăng trên mạng xã hội.
Trẻ cá biệt bị "phơi" ra khi là học sinh không được cầm mảnh giấy to như tờ A4 mà các bạn đều có. Bị phơi bày mọi thứ khiến các em mất hết sự thoải mái, vui vẻ và biến ngày tổng kết thành ngày đen tối.
Khi đổi mới giáo dục nửa vời, những thứ hệ lụy sẽ còn mãi, là dấu ấn tổn thương trong lòng học sinh nào đó.
Giấy khen rõ ràng đã là vật lỗi thời của giáo dục tiểu học, sau khi Thông tư 22 được áp dụng. Bộ GD&ĐT hãy dẹp món quà không còn được mong đợi này sớm để không còn học sinh nào phải tổn thương như thế.
Theo TS Vũ Thu Hương/ Zing