Ông Nguyễn Văn Ổi (53 tuổi, ngụ ấp Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) là một trong số đó. Trước đây vợ chồng sinh sống bằng nghề buôn bán trái cây. Sau một thời gian làm ăn khó khăn, hết vốn, ông Ổi đổi qua bán vé số dạo. Vào một ngày trong năm 2012, ông Ổi đã giữ lại một tờ vé số cuối cùng trong những xấp vé số ông nhận bán trong ngày. Vận may đã mỉm cười với ông khi tấm vé số ông giữ lại trúng số giải độc đắc, trị giá giải thưởng 1,5 tỷ đồng.
Tỷ phú không tiền
Nhớ lại những ngày cầm trong tay số tiền lớn, ông Ổi hào hứng kể: “Số tiền có được nhờ trúng số tôi sửa nhà hết 140 triệu. Sau đó, thấy 2 nền nhà mặt quốc lộ trên đường Nam Sông Hậu còn trống có diện tích 40x12m, tôi và vợ bàn tính mở quán ăn trên 2 khu đất này nên đầu tư mua hơn 210 triệu. Sau đó nữa, biết được ở cồn Mỹ Phước quê tôi sắp mở khu du lịch sinh thái nên vợ tôi quyết định về mua 600m2 đất mở quán ăn phục vụ khách tham quan với số tiền hơn 400 triệu đồng. Phần tiền còn lại, tôi chia cho 3 đứa con làm vốn”.
Theo ông Ổi, thời gian đầu khi mới mở, khách đến quán cũng lai rai, trung bình mỗi tháng thu nhập chỉ từ 2 đến 3 triệu đồng, nhưng số tiền chi tiêu trong gia đình khá cao, từ 9 – 10 triệu mỗi tháng. Dần dần buôn bán ế ẩm, trong khi chi tiêu vẫn ở mức cao, cưa kéo mãi được hơn 3 năm, cuối cùng ông Ổi lỗ hết 200 triệu đồng. Không lâu sau đó, gia đình ông Ổi lâm cảnh túng thiếu, vợ chồng ông đành bán lỗ 2 nền nhà trên đường Nam Sông Hậu với giá 200 triệu đồng để lấy tiền xoay xở và cưới vợ cho con.
|
Ông Mỹ ba ruột của Mười (bên phải), cùng người anh họ kể về Mười. |
Bà Nguyễn Thị Hồng Hoạt, vợ ông Ổi tâm sự: “Nhiều lúc tôi buồn, muốn đóng cửa quán vài tháng để đi Sài Gòn làm thuê lấy ít vốn trang trải cuộc sống. Nhưng số tiền đầu tư ban đầu quá lớn, chưa thu hồi được mà bỏ đi thì sợ quán sẽ mất khách vì đóng cửa lâu quá, rồi quán chìm luôn”. Cuộc sống khó khăn, bà Hoạt phải nhận làm dịch vụ nấu ăn thuê cho các đám tiệc trong vùng. Thế nhưng, công việc này cũng khá bấp bênh, một tháng bà nấu được vài đám, có khi vài ba tháng không nấu được đám nào, mà giá mỗi bàn tiệc chỉ 70 ngàn đồng. Gần đây, ông Ổi vay thêm 20 triệu đồng để tiếp tục duy trì hoạt động của quán ăn và 3 đứa con của ông tiếp tục đi làm thuê.
Vì sao từng nắm một đống tiền trong tay, vợ chồng ông Ổi lại lâm cảnh túng thiếu? Ông Bảy, người cùng ấp Mỹ Phước lý giải: “Khi trúng số, hai vợ chồng lo sắm sửa quá trời, mua cho 3 đứa con mỗi đứa một chiếc xe 40 – 50 triệu đồng, rồi mua cần câu máy đi câu chơi. Ông Ổi còn theo người ta mua đất ở quốc lộ để buôn bán, mà mua ngay vùng trũng không kinh doanh gì được rồi bán lỗ”.
Ông Trần Văn Xia (64 tuổi), nguyên Bí thư chi bộ ấp Mỹ Phước cho biết: “Gia đình ông Ổi cũng thuộc diện khó khăn, vợ chồng con cái đi làm thuê làm mướn. Sau khi có số tiền lớn trong tay, vợ chồng sắm sửa rất nhiều đồ đạc trong nhà, con cái ăn xài, rồi đầu tư mở quán ăn nhưng mỗi năm ở cồn này chỉ đông khách vào dịp tết Đoan Ngọ, còn thường ngày rất ít, thậm chí không có khách. Có lẽ do không có nguồn thu nhập nào khác ngoài số tiền trúng số, đầu tư buôn bán không tính toán nên tiền núi thì cũng hết”.
Nghe nói sắp tới, khu du lịch sinh thái cồn Mỹ Phước mở rộng loại hình du lịch homestay, vợ chồng ông Ổi dự định vay vốn ngân hàng để nâng cấp quán ăn phục vụ du khách. Nhưng ông Ổi cho biết, phần đất hiện giờ của mình chỉ có 600m2, giá trị chẳng bao nhiêu nên không thể thế chấp để vay số tiền lớn.
Hai lần trúng số vẫn trắng tay
Khi mới 18 tuổi, anh Trần Văn Mười (sinh năm 1982, ngụ ấp Mỹ Phước 1, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) đã may mắn trúng 7 tờ vé số mệnh giá 5 ngàn đồng, mỗi vé có giải thưởng là 5 triệu. Vào thời điểm đó, 35 triệu đồng là một số tiền khá lớn. Anh Mười dùng số tiền trên để cưới vợ, làm vốn buôn bán và tiêu xài hàng ngày. “Thời đó, vàng có mấy trăm ngàn đồng một chỉ, mà nó trúng tới 35 triệu là một số tiền rất lớn. Anh em tôi nông dân mà, làm chục năm không biết có được số lẻ đó không nữa. Thấy nó còn trẻ mà có được số tiền lớn làm ăn ai cũng mừng” - ông T.V.H, một người họ hàng của anh Mười tâm sự.
Đến năm 30 tuổi, thần tài lại gõ cửa anh Mười lần nữa. Lần này anh trúng độc đắc 1,5 tỷ đồng. Sau khi đóng thuế, anh Mười cho cha mẹ 60 triệu đồng, chia cho 8 anh chị em trong gia đình mỗi người 20 triệu đồng và xây ngôi nhà mới gần 300 triệu. Gặp anh N.T.T, người ngụ cùng địa phương, nhớ lại ngày anh Mười trúng số độc đắc: “Hôm đó, hai đứa tụi tôi đang ngồi uống cà phê chờ rước con đi học về, có người bán vé số tới mời. Mười mua số 10 và còn nói đùa nếu trúng sẽ cho tôi 100 triệu, ai ngờ chiều trúng thật”.
Có được số tiền lớn trong tay khi tuổi đời còn trẻ là điều đáng mơ ước của biết bao thanh niên trong vùng. Nhưng anh Mười không dùng số tiền trên để đầu tư làm ăn mà lại sa vào các tệ nạn.
|
Chị Tuyền vợ của Mười buôn bán rau, cải tại chợ Tân An (Cần Thơ) |
Ông Trần Văn Mỹ, 82 tuổi, cha ruột của anh Mười, bùi ngùi trong câu chuyện về người con trai “có duyên” với vé số: “Con trúng số, có tiền thì tôi mừng lắm, nhưng ai ngờ đâu nó chơi bời, đá gà một trận 15 – 20 triệu, mới có mấy năm mà tiêu tan hết. Số tiền 60 triệu nó cho mà tôi già rồi không có xài gì nên kêu nó gửi ngân hàng giùm tôi. Mấy tháng đầu thì có lấy lãi đưa tôi chi tiêu lặt vặt, sau đó không thấy nó đưa nữa, chắc tiền đó cũng không còn. Nghe nó nói với mọi người ở đây là khi trúng số mua một căn nhà bên Cần Thơ chừng 700 triệu nhưng tôi hỏi vợ nó, vợ nó còn không biết căn nhà đó nữa, tiền chắc ăn chơi hết rồi”.
Theo ông Mỹ, ngoài căn nhà hàng trăm triệu cất lên chưa lâu và cái tivi, toàn bộ tài sản có giá trị như xe, đất, vật dụng trong nhà đều “không cánh mà bay”. Ông cho biết, khi Mười cưới vợ, ông cho vợ chồng anh 2 công vườn bưởi, nếu chăm sóc bán mỗi năm cũng thu không dưới 100 triệu, nhưng nay 2 công vườn cũng bị Mười bán mất. Lúc mới có tiền anh Mười đổi xe liên tục, khi thì Air Blade, lúc thì Exiter, rồi Suxipo và bây giờ chỉ còn lại chiếc xe cà tàng để chở hàng cho vợ. Một người hàng xóm gần nhà anh nói đùa: “Ngày nào nó không đá gà là nó bệnh”.
Ngày xưa ơi !...
Cũng theo lời người cha, trước khi trúng số, Mười cũng chí thú làm ăn. Hai vợ chồng cùng nhau ra chợ buôn bán đã hơn 10 năm nay. Đến lúc có tiền, anh Mười không còn ra chợ nhưng chị Tuyền vợ anh vẫn buôn bán không nghỉ ngày nào. Giờ đây sa cơ thất thế, nguồn kinh tế của gia đình đều trông cậy vào một mình chị. Vợ chồng được 2 đứa con, đứa lớn 15 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi hiện gửi cho ông bà nội. Hàng ngày, chị Tuyền phải dậy thật sớm để ra chợ, rồi đến 5 – 6 giờ tối mới về nhà để kiếm tiền lo cho con ăn học và chi tiêu trong gia đình.
Tìm đến chợ Tân An (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) nơi vợ chồng anh Mười đang mua bán rau. Anh Mười đi vắng, chỉ có vợ anh, chị Phùng Thị Tuyền đang mải miết với công việc. Hỏi về chuyện trúng số, chị Tuyền tặc lưỡi: “Giờ chồng như vậy thì mình phải ráng bươn chải kiếm đồng ra đồng vô để lo cho con ăn học, mua bán ngày nào thì ăn ngày đó”. Theo lời chị Tuyền, anh Mười cũng hối hận với việc mình đã làm. “Giờ nếu có số tiền lớn như vậy, nhất quyết ảnh sẽ lo đầu tư làm ăn, chứ không chơi bời như xưa nữa”- chị Tuyền quả quyết, đồng thời cho biết, hiện nay chồng chị đã chí thú làm ăn trở lại. Hàng ngày, anh Mười đi chở rau cải bỏ mối cho các bạn hàng phụ vợ.
Theo Khánh Nguyên/ Tiền Phong