39 năm đã trôi qua nhưng khi nhắc lại vụ không tặc ngày 28-6-1978, bà Ngô Kim Thanh, từng là tiếp viên của chuyến bay DC4 số hiệu 501, hiện sống tại quận 6 (TP.HCM) vẫn không quên cảm giác bàng hoàng trên chuyến bay đó.
"Tôi bị ám ảnh cả đời", bà nói. Trong người bà giờ vẫn còn bốn mảnh đạn, dấu tích của vụ không tặc.
Đấu súng và đấu trí
12h25 trưa 28/6/1978. Chiếc DC4 số hiệu 501 của Hàng không dân dụng Việt Nam do cơ trưởng Phạm Trung Nam điều khiển, chở 60 hành khách cất cánh từ sân bay Đà Nẵng, thực hiện lịch trình Đà Nẵng - Buôn Ma Thuột - Tân Sơn Nhất.
|
Các thành viên tổ bay chuyến bay DC4 số hiệu 501 đã kiên cường chống trả không tặc để bảo vệ máy bay và hành khách - Ảnh tư liệu |
Trên buồng lái có năm người: cơ trưởng Nam, cơ phó Nghĩa, cơ phó, cơ giới chính Sâm, cơ giới phụ Nhung và dẫn đường Hương. Tiếp viên hàng không là Ngô Kim Thanh và Huỳnh Thu Cúc.
Khi bay được 15 phút, ở độ cao 2.700m gần đến không phận Quảng Ngãi thì bọn không tặc ra tay.
"Tôi và Thanh đang chuẩn bị suất ăn cho hành khách thì cái màn che ngăn giữa khoang hành khách với tổ tiếp viên bị kéo xoẹt qua một bên. Hai đứa giật mình, chưa hiểu chuyện gì thì thấy một tên rất hung hãn cầm dao xuất hiện.
Tôi nghĩ ngay đến không tặc nhưng vẫn tiến tới nói với hắn: "Hãy để tôi trấn an khách để họ không hoảng loạn, nếu không máy bay mất thăng bằng sẽ nguy hiểm". Hắn đồng ý cho tôi đi xuống.
Kim Thanh bị hắn chặn lại gần cửa buồng lái. Lúc ấy một tên đập vỡ một bức tượng lấy ra quả lựu đạn giấu trong đó rút chốt, khống chế hành khách. Tôi đi đến hàng ghế thứ hai thì bị một tên từ dưới đi lên chặn lại rồi lôi xuống gần khoang giữa", bà Cúc kể.
Tuy nhiên, bà Cúc đã nhanh trí kịp ấn nút báo động cho buồng lái biết. Lúc này chiến sĩ cảnh vệ trên không tên Huệ rút súng nhắm vào tên cầm lựu đạn thì hắn thách thức: "Mày bắn đi, tao cho nổ tung là chết hết".
Nghe vậy, Huệ chần chừ, do dự. Ngay lập tức, một tên phía sau xông đến đập vào gáy Huệ, cướp khẩu K54. Hắn chĩa súng vào tiếp viên Kim Thanh, ép cô gọi tổ bay mở cửa.
Ý đồ của bọn không tặc là vào buồng lái, khống chế phi công, ép phải bay ra nước ngoài. Nhưng Kim Thanh không chịu gõ cửa buồng lái.
"Tôi nghĩ nếu chúng vào được buồng lái, chúng sẽ giết cả tổ bay" - bà Kim Thanh giải thích.
Khoảng năm phút, biết không ép được Kim Thanh, tên cầm súng bắn bốn viên đạn vào đùi cô rồi đập cửa buồng lái. Kim Thanh ngã quỵ xuống, máu chảy lênh láng xuống sàn máy bay.
Trong buồng lái, nghe tiếng ồn ào ngoài khoang hành khách, cơ giới Hoàng Sâm nhìn qua lỗ nhỏ trên cửa thì thấy một tên mặt hầm hầm đang đập cửa. Anh hét lên "Có không tặc!".
Ba thành viên tổ lái được phân công ra chặn cửa trong khi cơ trưởng báo về sân bay Đà Nẵng có không tặc và xin phép quay lại sân bay.
"Tôi, anh Sâm và anh Nhung ra chặn cửa. Chúng tôi lấy những thanh cột dùng để chèn hàng, chống chặt vào cửa. Bọn không tặc đạp cửa, chúng tôi ở bên trong đẩy lại.
Cửa hồi đó bằng gỗ chứ không phải bằng sắt có khóa như bây giờ. Hai bên đẩy qua đẩy lại, cánh cửa cứ rung bần bật. Mấy chiếc đinh vít ở bản lề sắp long ra" - ông Nguyễn Văn Hương, hiện là phi công của VietJet Air, nhớ lại.
Ở bên ngoài khoang hành khách, phát hiện máy bay đang quay lại sân bay Đà Nẵng, bọn không tặc bắn vào chân Thu Cúc vì cô không chịu kêu gọi tổ lái mở cửa. Cô gục xuống ngay tại lối đi của máy bay.
Mời độc giả xem clip "Tin tặc quấy nhiễu hệ thống của Vietnam Airlines": (Nguồn VTC14)
Thu Cúc giả vờ ngất xỉu để không bị bắt lên gõ cửa buồng lái. Lúc này bọn không tặc vội lôi cảnh vệ Huệ đến cửa buồng lái, bắt anh gõ cửa. Anh Huệ không chịu nên nhận liên tiếp 6-7 nhát dao vào người, gục xuống.
"Không phá được cửa buồng lái, chúng bắn vào cửa nhiều phát. Anh Sâm đứng giữa ba chúng tôi nên bị một viên vào ngực, một viên xuyên tay, đổ gục. Trong tổ lái hôm đó, tôi là người duy nhất có súng.
Sau vụ cướp máy bay đi Singapore năm 1977, tổ lái đều được phát mỗi người một khẩu K54 hoặc K59 nhưng các anh kia không mang theo.
Tôi bắn lại ba phát thì thấy chúng nó im. Sau mới biết thằng cầm súng trúng đạn xuyên chân. Tôi cũng dính hai phát đạn, một vô ngực, một vô chân phải" - ông Hương kể lại cuộc đọ súng.
|
Bà Thu Cúc, hiện sống ở Đà Nẵng, kể lại những giờ phút sinh tử khi bị không tặc - Ảnh: M.L |
Điên cuồng
Lúc này trong buồng lái chỉ có cơ trưởng Phạm Trung Nam là không bị trúng đạn.
Máy bay đã quay về đến không phận Đà Nẵng, đang hạ thấp độ cao chuẩn bị hạ cánh. Biết không thể dùng sức mở cửa buồng lái, một tên không tặc ném lựu đạn về phía cửa buồng lái.
"Không biết trời xui đất khiến thế nào mà quả lựu đạn bật văng trở lại nổ ngay nó. Nó đổ xuống, giãy đành đạch chết ngay tại chỗ. Chân tôi bị găm 3-4 mảnh lựu đạn, anh Nhung đứng sát cửa buồng lái bị dính mảnh lựu đạn lòi cả ruột.
Cửa buồng lái mở bung. Máy bay bị chao, rung ầm ầm. Khách khóc la ỏm tỏi" - nữ tiếp viên Kim Thanh rùng mình nhớ lại.
Sau khi lựu đạn nổ, bụng máy bay bị thủng một lỗ to như chiếc bàn. Biết máy bay chuẩn bị tiếp đất thì thế nào cũng bị bắt, bọn không tặc điên cuồng bắn vào động cơ và thùng xăng để làm cháy máy bay cho tất cả cùng chết.
Do sức gió mạnh quá, chúng bắn trượt. Một tên hoảng loạn bắn bung cánh cửa dành cho hành khách lên xuống. Cánh cửa bị mở tung, gió lùa vào ào ào, hai tên không tặc nhảy xuống.
Cố gắng hạ cánh
Sau khi bị không tặc bắn vào buồng lái, hệ thống điều khiển bánh lái bị đứt gần hết. Khi ấn nút thả càng, đèn tín hiệu không sáng, càng bánh xe không thả được nhưng cuối cùng cơ trưởng Nam cũng đưa được máy bay đáp xuống sân bay Đà Nẵng.
"May mắn là sợi dây cáp điều khiển càng bánh xe cất hạ cánh chưa đứt hẳn. Nếu không, máy bay rơi tự do, chúng tôi có nguy cơ chết hết. Tôi nằm chờ máy bay nổ để chết nhưng mấy phút mà không rơi, không nổ.
Tính ra từ lúc tổ bay báo có không tặc đến khi đáp xuống đất là 52 phút - thời gian mà chúng tôi đã chiến đấu anh dũng. Đó là 52 phút mà cuộc đời tôi không bao giờ quên được", bà Cúc nói.
Theo My Lăng/Báo Tuổi Trẻ