Khởi tố PCT Trần Vĩnh Tuyến, cử tri đề nghị xử lý tiếp lãnh đạo dính sai phạm

Google News

(Kiến Thức) - Tại các buổi tiếp xúc cử tri mới đây, nhiều cử tri đã đặt câu hỏi về việc Ông Tất Thành Cang - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM và nhiều cán bộ có hàng loạt sai phạm vì sao đến nay vẫn chưa bị xử lý?

Liên quan vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH Một thành viên (SAGRI), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố ông Trần Vĩnh Tuyến (SN 1965) - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cùng 4 bị can về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Khoi to PCT Tran Vinh Tuyen, cu tri de nghi xu ly tiep lanh dao dinh sai pham
 Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cùng 4 bị can vừa bị khởi tố liên quan sai phạm vụ SAGRI.
Tại TP HCM, thời gian qua, nhiều cử tri vẫn đang đề nghị tiếp tục xem xét xử lý hình sự ông Tất Thành Cang – nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM.
Tại buổi tiếp xúc cử tri Quận 5, 10, 11 của tổ đại Quốc hội đơn vị 4 sáng 22/6, ông Mai Thanh Hà (Quận 5) đã đề cập đến một số cán bộ vi phạm vẫn chưa bị xử lý. Thậm chí, cử tri này thẳng thắn đặt câu hỏi: “Ông Tất Thành Cang và nhiều cán bộ có hàng loạt sai phạm vì sao đến nay vẫn chưa bị xử lý?”
Theo ông Mai Thanh Hà, ngày 18/5/2017, Văn phòng Thành ủy có văn bản 495 truyền đạt ý kiến của Phó Bí thư thường trực thành ủy Tất Thành Cang “chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco” liên quan đến hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại công ty TNHH Một thành viên phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC)”.
Chất vấn của cử tri Mai Thanh Hà không phải không có cơ sở. Bởi trước đó, kết luận của Thanh tra TPHCM tháng 10/2018 đã chỉ ra sai phạm tại Công ty Sadeco có sự tiếp tay của ông Tất Thành Cang trên cương vi Phó Bí thư Thành ủy TP HCM.
Kết luận Thanh tra nêu rõ, theo đề án tái cơ cấu, Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, trực thuộc UBND TP HCM) với tỷ lệ sở hữu vốn là 44%, không cần giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco).
Đặc biệt là trong bối cảnh Sadeco hoạt động kinh doanh đang mang lại lợi nhuận rất cao, tỷ lệ chia cổ tức hằng năm có lúc lên đến 40%, vào năm 2015 khi duyệt đề án tái cơ cấu, UBND TP yêu cầu IPC (lúc này đang chiếm tỷ lệ sở hữu vốn 44% tại Sadeco) không được giảm thêm tỷ lệ sở hữu vốn. Thế nhưng, trên thực tế IPC đã “phớt lờ” yêu cầu này của cơ quan chủ quản.
Thậm chí, IPC đã trình UBND TP phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco từ 44% xuống 28,8%. Đồng thời, IPC cũng nêu việc “Văn phòng Thành ủy truyền đạt ý kiến chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco”.
Tại văn bản 730/IPC.17 ngày 16/6/2017 của IPC báo cáo UBND TP, bổ sung về vai trò, tác động của Sadeco với việc phát triển khu Nam Sài Gòn, có nêu: “ Thường trực Thành ủy cũng đã chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại thông báo 495-TB/VPTU…”
Tuy nhiên, Thanh tra TPHCM cho biết thông báo này chỉ truyền đạt ý kiến của Phó bí thư thường trực Thành ủy (khi đó là ông Tất Thành Cang), chứ không phải là chủ trương của Thường trực Thành ủy.
Với đề án tăng vốn điều lệ, giảm tỷ lệ sở hữu vốn của IPC tại Sadeco từ 44% xuống 28,8%, IPC đã phát hành cổ phiếu cho công ty Nguyễn Kim không qua đấu giá. Thanh tra TPHCM khẳng định việc làm này là “trái quy định pháp luật”, dẫn đến gây thiệt hại ít nhất 153 tỷ đồng (chỉ tính chênh lệch giá cổ phiếu); nếu tính đầy đủ giá trị gia tăng tài sản của Sadeco lúc thời điểm giá đất tăng cao, con số thiệt hại “sẽ rất lớn”. Do sai phạm trên, tối 14/5/2019, Công an TPHCM đã thực hiện lệnh bắt tạm giam, khám xét nơi ở của ông Tề Trí Dũng, Tổng giám đốc IPC do liên quan đến các sai phạm tại IPC.
Ngoài ra, ông Tất Thành Cang còn liên quan đến việc mất quyền kiểm soát nhà nước tại Khu công nghiệp (KCN) Cát Lái. Kết luận của Thanh tra TPHCM, Công ty TNHH MTV phát triển khu công nghiệp Sài Gòn (IPD) là đơn vị thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng KCN Cát Lái. IPD có 100% vốn nhà nước, là công ty con của IPC (công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận). Theo phương án được Thủ tướng phê duyệt và quyết định của UBND TPHCM, IPD phải cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Thời điểm đó, IPD đang được TP cho thuê hơn 69ha đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng KCN Cát Lái.
Tuy nhiên việc trình, thẩm định, đề xuất, cơ cấu, quy mô, vốn điều lệ được Thanh tra TPHCM chỉ ra là "không có cơ sở và không phù hợp với quy định". Cụ thể, khi thực hiện cổ phần hóa, IPD đề xuất 2 phương án về tỉ lệ vốn nhà nước là 49% và 36%. Tuy nhiên, khi trinh lên UBND TPHCM, IPC lại trình 2 phương án tỉ lệ vốn nhà nước tại IPD sau cổ phần hóa là 65% và 75% để IPC có quyền chi phối.
Cùng với đó, IPC đề nghị sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ nhưng cổ đông nhà nước sẽ không tham gia mua cổ phần. "Khi đó Nhà nước không phải là cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối tại IPD, đồng nghĩa việc quản lý, khai thác cảng biển Cát Lái không do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ..." - kết luận thanh tra đánh giá.
Khoi to PCT Tran Vinh Tuyen, cu tri de nghi xu ly tiep lanh dao dinh sai pham-Hinh-2
 Ông Tất Thành Cang.
Điều đáng nói, việc cổ phần hóa sai quy định này lại được ông Tất Thành Cang, khi đó là Phó chủ tịch UBND TPHCM có bút phê chấp thuận. Kết luận thanh tra chỉ rõ: “Việc xác định 75% tỷ lệ vốn nhà nước khi cổ phần hóa được Phó chủ tịch UBND TP Tất Thành Cang chấp thuận trong trường hợp không đúng quy định thì đề xuất biện pháp xử lý”.
Đáng chú ý, IPD trở thành công ty CP tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL) có vốn điều lệ 652 tỷ đồng. Sau đó, ESL có những hoạt động đầu tư sai quy định, đẩy quyền chi phối hoạt động vào tay tư nhân. Với tỉ lệ góp vốn 20%, ESL không còn quyền chi phối, dẫn đến kết quả đối tác khác nắm quyền, quyết định việc kinh doanh khai thác cảng.
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1, quận 3 và quận 4 của tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 1 ngày 16/10/2019, nhiều cử tri cũng tiếp tục bày tỏ bức xúc về việc kỷ luật ông Tất Thành Cang - nguyên Phó Bí thư Thành uỷ TP.HCM khi cho rằng TP HCM chưa xử lý dứt điểm.
Ngày 8/10/2019, tại buổi Tổ đại biểu Quốc hội TP HCM tiếp xúc cử tri quận 9, ông Trương Thế Cần (phường Phước Long B, quận 9) nói rằng, ông Tất Thành Cang bị Trung ương kỷ luật bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng nhưng hiện nay ông Cang vẫn ngồi ghế đại biểu HĐND thành phố.
Tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tháng 12/2018, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết Ban chấp hành Trung ương đã xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII; Phó bí thư thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.
Trước đó, ngày 7/12/2018, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với ông Cang.
Ngày 15/11, UBKT đã kết luận ông đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ TP.HCM.
Ngoài ra, trong thời gian là Ủy viên UBND TP, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, ông Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Kết luận còn cho rằng ông Cang vi phạm các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy, chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp.
Tháng 6/2018, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM thống nhất đề xuất kỷ luật ông Tất Thành Cang và giao cho UBKT Thành ủy tập hợp đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan để báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý theo quy định của Đảng. Tháng 5/2018, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM yêu cầu ông Tất Thành Cang, Phó bí thư Thường trực, kiểm điểm trách nhiệm trong vụ chuyển nhượng đất cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.
UBKT Trung ương kết luận những vi phạm của ông Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Sau khi bị cách chức Phó bí thư Thường trực Thành ủy, ông Cang giữ chức Phó ban thường trực Ban chỉ đạo công trình “Lịch sử TP.HCM”.
 >>> Mời độc giả xem thêm video Khởi tố cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng

Nguồn: VTC Now.

Tâm Đức