Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố ông Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng vừa đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật bà Nguyễn Thị Kim Tiến - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế và ông Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế. Đồng thời, quyết định thi hành kỷ luật khiển trách với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, khai trừ khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Quang Tuấn - nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội; Nguyễn Quốc Anh - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai…
Hàng loạt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Y tế được xác định liên quan những sai phạm trong cấp phép nhập khẩu thuốc, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao khiến dư luận cho rằng, ngành y tế phải có cuộc đại phẫu để loại bỏ ung nhọt.
|
Ông Trương Quốc Cường. |
Cán bộ vi phạm cần xử lý thích đáng
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, thời gian vừa qua, một số lãnh đạo trong ngành Y tế có hiện tượng vi phạm về đạo đức nghề nghiệp, vi phạm phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Những vi phạm pháp luật này cần phải có sự trừng trị thích đáng đối với những người vi phạm.
“Đối với ngành y, lương y như từ mẫu mà lại vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp như vậy rất là xót xa. Ngành Y là một trong những ngành mà người dân yêu quý, trân trọng, tôn sùng mà lại phát sinh ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, trục lợi cá nhân, lợi ích nhóm cục bộ. Không những Thứ trưởng Trương Quốc Cường mà nhiều cán bộ, lãnh đạo ngành y nếu vi phạm phải xử lý nghiêm” - đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Theo đại biểu Hòa: “Chúng ta lựa chọn những cán bộ có đức, có tài, được đào tạo bài bản, nhất là cán bộ quản lý. Tuy nhiên, những chuyện phát sinh của từng cá nhân, tổ chức chưa thể lường trước được. Cho nên phòng, chống tham nhũng trong tất cả các lĩnh vực, nhất là ngành Y phải được đặt lên hàng đầu, khi cán bộ không giữ được phẩm chất đạo đức thì phải xử lý”.
|
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế |
Ngành Y phải có cuộc đại phẫu loại bỏ ung nhọt
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, vụ việc Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố, một lần nữa cho thấy sai phạm nghiêm trọng của cán bộ ngành y tế đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự có nguy cơ ngày càng gia tăng hoặc có thể là một hiện tượng đã kéo dài nhiều năm nay nhưng đến nay mới bị phát hiện, xử lý.
Những vụ án hình sự liên quan đến sai phạm trong cấp phép nhập khẩu thuốc, mua sắm máy móc thiết bị, liên quan đến hoạt động đấu thầu, hoạt động quản lý của các cơ sở y tế thời gian gần đây ngày càng nhiều. Nhiều cán bộ có chuyên môn sâu, có uy tín, sức ảnh hưởng trong xã hội, có học hàm học vị cao nhưng vẫn vi phạm pháp luật cho thấy một thực trạng đáng lo ngại về công tác cán bộ nói chung, cán bộ trong ngành y tế nói riêng.
“Các cán bộ cao cấp, đầu ngành là những người trải qua một quá trình học tập, rèn luyện, đào tạo, tu luyện đạo đức và có sự quản lý rất chặt chẽ của cơ quan, tổ chức, của Đảng. Tuy nhiên, thời gian gần đây việc cơ quan điều tra liên tục khởi tố đối với các cán bộ lãnh đạo có chức vụ cao cho thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc phòng chống tham nhũng. Song điều đó cũng cho thấy lỗ hổng trong công tác cán bộ, trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo cán bộ, kể cả là những cán bộ đầu ngành” - luật sư Cường nêu ý kiến.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Theo luật sư Cường, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cán bộ cao cấp vẫn bị xử lý hình sự. Trong đó, cán bộ không xứng đáng đối với chức vụ, vị trí công tác, không đủ phẩm chất đạo đức, không đủ bản lĩnh chính trị, không đủ năng lực để giữ vị trí công tác cao như vậy dẫn đến dễ sa ngã, hư hỏng, vi phạm. Điều này cho thấy việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ là còn thiếu sót, chưa đúng đối tượng, chưa đủ tiêu chuẩn dẫn đến kém hiệu quả trong công tác quản lý, dễ xảy ra sai phạm.
Có những trường hợp cán bộ được bổ nhiệm, đề bạt, phân công đúng vị trí công tác, đúng chức trách nhiệm vụ, có đủ năng lực phẩm chất để đảm đương công việc, tuy nhiên quá trình thực hiện nhiệm vụ không chịu tu dưỡng rèn luyện đạo đức, nâng cao bản lĩnh chính trị nên có thể bị sa ngã, bị những tác động lôi kéo về vật chất trong xã hội khiến bản thân không còn giữ được đủ năng lực phẩm chất.
Trong điều kiện kinh tế xã hội đang phát triển, chưa ổn định, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và chính sách có nhiều thay đổi dẫn đến công tác quản lý còn có những sơ hở, thiếu sót dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Những sơ hở, thiếu sót về chính sách pháp luật là một phần nguyên nhân, động cơ, điều kiện phạm tội của một số cán bộ.
|
Ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. |
Đồng thời, hiện tượng quan hệ thiếu lành mạnh giữa doanh nghiệp và quan chức vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực trở thành một hiện tượng người ta gọi là "thân hữu", vì thân hữu mà cán bộ có chức vụ quyền hạn đã bỏ qua quy trình, bỏ qua thủ tục, sơ hở để các đối tượng xấu trong các doanh nghiệp lợi dụng thao túng cán bộ, mua chuộc, làm hư hỏng cán bộ dẫn đến cấu kết với nhau thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, cơ chế kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm, đặc biệt là vi phạm của cán bộ cấp cao một thời gian dài chưa được chú trọng dẫn đến nhiều người cho rằng mình đã ở vùng cấm, là ngoại lệ nên xem thường pháp luật, sẵn sàng vi phạm pháp luật cho đến khi bị phát hiện, xử lý.
Từ đó, luật sư Cường cho rằng, dù nguyên nhân gì đi nữa, trong một thời gian ngắn, Cơ quan điều tra liên tục khởi tố đối với các cán bộ cao cấp, có trình độ chuyên môn cao, là lãnh đạo trong lĩnh vực y tế cho thấy một thực trạng đáng buồn của ngành này và đáng báo động trong công tác cán bộ.
Bởi vậy, song song với việc xử lý cán bộ vi phạm, cũng cần phải hoàn thiện thể chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; làm tốt hơn nữa công tác cán bộ (từ khâu tuyển dụng, bổ nhiệm đến quá trình bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ và đạo đức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ).
Đồng thời, tiếp tục cải cách chính sách tiền lương để nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức để giảm bớt nhu cầu tham nhũng, không muốn tham nhũng; Cần kịp thời phát hiện ra các cán bộ sa ngã, thoái hóa biến chất để loại bỏ khỏi bộ máy nhà nước; Tăng cường công tác quản lý kinh tế, các hoạt động giám sát để bịt những kẻ hở tránh việc các cán bộ lợi dụng để trục lợi.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hàng chục thiết bị y tế tiền tỷ mua về rồi 'đắp chiếu' ở Hải Dương:
Nguồn: Truyền hình Pháp luật Việt Nam.
Hải Ninh