Ngay từ những ngày dịch Covid-19 bùng phát, cơ quan tôi đã linh động cho nhân viên làm việc tại nhà. Bởi vậy, tôi thường xuyên sinh hoạt và làm 24/24h tại nhà.
Tôi thích ứng khá nhanh với thay đổi này và nhận ra ngoài việc bảo vệ sức khỏe bản thân, cộng đồng làm việc tại nhà còn giúp tôi tiết kiệm xăng xe, thời gian di chuyển… Tuy nhiên điều khiến tôi ám ảnh là sở thích hát karaoke của hàng xóm.
Gia đình ở cạnh nhà tôi có 6 người, gồm bố mẹ và con trai, con dâu và 2 cháu.
Bình thường các con, cháu đi làm nên người bố (60 tuổi) thường xuyên hát karaoke. Trước đây, do gia đình tôi đi làm, đi học nên không biết và cũng không bị ảnh hưởng bởi sở thích này.
Từ ngày ở nhà, tôi mới kinh hoàng nhận ra việc hát hò của người hàng xóm không chỉ là để giải trí mà còn là đam mê.
Sáng, hàng xóm hát. Chiều, 2h bắt đầu hát. Tối lại tiếp tục. Nếu như giọng hát của bác êm dịu, du dương tôi còn cảm thấy được an ủi. Đằng này, giọng ca bất chấp nhịp phách, tông lạc tận đẩu đâu khiến tôi bị stress thật sự.
Tôi cố tìm mọi cách để ngăn cản âm thanh ấy vang vào nhà mình như đóng kín cửa chính, cửa sổ. Không hạn chế được là bao, tôi mở loa bên nhà mình lên, nhờ giọng các ca sĩ đích thực để át đi ca sĩ ‘vườn’ bên kia hàng rào nhưng cũng không ăn thua.
Các con tôi cũng hoảng sợ với giọng hát đấy. Mỗi lần các con mở máy tính học online đều phải chọn phòng kín nhất của gia đình sau đó đóng cửa.
Cực chẳng đã, chồng tôi phải sang lựa lời nói với bác hàng xóm. May mắn, bác tắt ‘cái loa rè’ được một lát. Tuy nhiên hôm sau, đâu lại vào đấy.
Bị gia đình tôi nhắc nhở nhiều, bác nổi đóa và chửi chúng tôi là khó tính, ích kỷ. Bác còn lớn tiếng đáp trả: ‘Nhà mày thích yên tĩnh thì lên núi mà ở. Nếu muốn ở chung với cộng đồng thì phải hòa đồng, vui vẻ’.
Gia đình tôi mới chuyển đến ở khu này được 3 năm, nghe những lời đó, chồng tôi vừa buồn vừa bực.
Cách đây 2 tuần, vì không chịu đựng được. Tôi đã gọi điện cho đại diện tổ dân phố đến để nhắc nhở. Mặc dù đã góp ý với hàng xóm của chúng tôi nhưng đại diện tổ dân phố cũng chia sẻ, việc hát karaoke, nhạc đám cưới, đám ma… chỉ hạn chế sau 10 giờ đêm.
Hàng xóm biết được chúng tôi báo cáo lên chính quyền nên càng tức giận. Thế là từ hôm đó, mức độ làm ồn càng tăng lên. Khi nào mệt không hát được, bác cũng bật loa sau đó trẻ con trong nhà cầm loa nghịch, gây ồn ào không kém gì việc bác hát.
Chúng tôi thường xuyên phải nghe các nhạc phẩm từ cách mạng đến cải lương, bolero, nhạc chế… mà không có cách gì để thoát được.
Tôi chia sẻ nỗi bức xúc của mình với đồng nghiệp thì được biết, không ít gia đình phải chịu sự ô nhiễm tiếng ồn như vậy. Bạn tôi sinh sống tại TP.HCM còn kể, thời điểm chưa có quyết định cách ly toàn xã hội, ở khu nhà đối diện của chị ấy, có gia đình tổ chức liên hoan.
Sau khi ăn uống no say, 10 giờ đêm hơn 10 thành viên của buổi liên hoan còn hát đồng ca. Họ hát từ bài tình yêu, nhạc thiếu nhi đến nhạc vàng, ầm ĩ cả khu. ’Ai đời, 11 giờ đêm, đội đồng ca vẫn miệt mài hát 'Đắp mộ cuộc tình', 'Lan và Điệp'... trong khi gia đình tôi có trẻ nhỏ. Chúng than phiền không tài nào ngủ được’, chị nói. Nhiều lần bị 'tra tấn' như vậy, chị phải gọi ban quản lý đến giải quyết.
Trân trọng cảm ơn.
Theo Vietnamnet