Để nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa (SGK), tăng tỉ lệ SGK được sử dụng nhiều lần, mới đây ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đã ký ban hành Chỉ thị 3798, trong đó yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh (HS) không được viết, vẽ vào sách. Chỉ thị này đang gây tranh cãi trong dư luận.
Vi phạm quyền sở hữu tài sản của HS?
Em Hồ Vương Huy, HS lớp 11A11 Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, cho biết SGK em đã mua là tài sản của em. Vì thế, em có ghi vào sách hay không là quyền của em, sao người khác có thể can thiệp. Hơn nữa, do trong SGK có những khoảng trống nhỏ yêu cầu HS làm trực tiếp vào chứ chúng em cũng không muốn.
Mặt khác, theo em Huy, hiện giáo viên khi dạy thường mở rộng kiến thức ra ngoài sách vở. “Vì thế để dễ nhớ, em thường ghi chép những nội dung trên vào SGK. Và em thấy việc làm này khá hiệu quả. Vậy mà giờ Bộ lại yêu cầu chúng em không được viết vào sách là quá vô lý” - em Huy nói.
Cùng quan điểm, bà Kim Anh, phụ huynh HS Trường THCS Lữ Gia, quận 11, khẳng định: “Khi con tôi đã mua SGK đó là tài sản cá nhân và con tôi được toàn quyền sử dụng. Chỉ khi nào con tôi viết bậy vào sách sẽ bị phạt. Đằng này con tôi viết để phục vụ việc học của mình thì không ai có quyền can thiệp”.
Theo bà Kim Anh, trong quá trình học, việc gạch dưới những đoạn văn hay ghi chép những nội dung quan trọng vào sách là điều quan trọng giúp học sinh dễ nhớ. Mặt khác, xu hướng bây giờ là bắt kịp toàn cầu, chương trình học hiện nay khuyến khích đứa trẻ chủ động trong việc nắm bắt kiến thức. Để làm được điều đó, học sinh có thể viết, gạch, ghi chú vào sách những gì mà các em cho là quan trọng.
|
Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh không được viết, vẽ vào sách gây tranh cãi trong dư luận. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Chỉ thị mang tính chất trấn an dư luận
Đề cập đến vấn đề trên, ông Phạm Phúc Thịnh, hiệu trưởng một hệ thống trường quốc tế tại TP.HCM, cho rằng điều khiến nhiều người bức xúc không phải là việc viết hay vẽ vào SGK mà đó là vấn đề sử dụng SGK không hợp lý. Cụ thể như việc tạo những ô bài tập trong SGK để làm gì, nó không cần thiết bởi đã có cuốn bài tập đi kèm.
“Theo tôi, Bộ chỉ nên khuyến khích giáo viên, nhắc nhở HS giữ gìn SGK cẩn thận. Để giải quyết tận gốc vấn đề, bộ trưởng nên chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục in ra bộ SGK mà các em không phải làm bất cứ nội dung gì trong đó là được” - vị này nói.
Đồng tình với ý kiến trên, thầy Lý Đức Thanh, giáo viên Trường THPT Võ Văn Kiệt, quận 8, cho biết mục đích của chỉ thị trên là để tránh lãng phí trong việc sử dụng SGK. Có rất nhiều giải pháp thực hiện việc này, không nhất thiết Bộ phải đưa ra chỉ thị trên để xoa dịu dư luận. Bộ có thể thực hiện chương trình sách trao tay sau mỗi năm học hay nhắc nhở HS giữ gìn SGK cẩn thận bằng cách hướng dẫn HS cách ghi chép, có thể sử dụng bút chì để ghi chú. “Các cán bộ quản lý cũng như giáo viên đã có quá nhiều việc phải làm, vì thế đừng tạo thêm gánh nặng và áp lực cho chúng tôi nữa” - vị giáo viên này nói.
Yêu cầu học sinh không viết, vẽ vào sách
Theo Chỉ thị 3798, Bộ GD&ĐT cho biết việc sử dụng lại SGK hiện mới đạt 35% mặc dù Bộ đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên hướng dẫn HS sử dụng SGK, nhắc nhở HS có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách để sử dụng SGK được lâu bền.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỉ lệ SGK được sử dụng nhiều lần, Bộ GD&ĐT yêu cầu các giám đốc Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục ở địa phương quán triệt từng cán bộ quản lý, giáo viên, HS về việc giữ gìn SGK để sử dụng và sử dụng lại lâu bền; hướng dẫn HS nghiên cứu SGK để thực hiện hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở, không viết, vẽ vào SGK.
Bộ cũng yêu cầu các sở GD&ĐT chỉ đạo việc tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục, khiến HS phải mua quá nhiều nhưng sử dụng không hiệu quả.
Theo Nguyễn Quyên/Plo