“Không dám tham nhũng”

Google News

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.

Trao đổi với Tri thức và Cuộc sống nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nêu bật những kết quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng tiêu cực năm 2023, cũng như bàn về các giải pháp để không thể, không dám, không muốn tham nhũng.
“Khong dam tham nhung”
Các bị cáo trong đại án Việt Á. 
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, mạnh mẽ
Nhìn lại kết quả công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2023, ông đánh giá như thế nào?
Công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023 tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành công khi “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Việc phát hiện, xử lý tham nhũng được tiến hành đồng bộ, quyết liệt ở cả cấp Trung ương và địa phương, đặc biệt là cấp tỉnh. Đồng thời với việc phát hiện, xử lý những vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, trọng điểm, dư luận xã hội quan tâm, cơ quan chức năng cũng quyết liệt đấu tranh, khởi tố các vụ án “tham nhũng vặt”.
Nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực có tính hệ thống, liên quan các bộ, ngành, địa phương. Những hành vi tham nhũng nghiêm trọng xảy ra rất lâu từ trước đây cũng đã được khám phá, khởi tố, điều tra để xử lý. Không ít đối tượng là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan, đơn vị làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bị khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng...
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nói riêng, tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương. Tiến độ điều tra, xử lý những vụ án, vụ việc cơ bản đáp ứng yêu cầu của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, có vụ vượt kế hoạch đề ra.
Sự quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng được đánh giá là mang lại điểm sáng tích cực cho đất nước?
Theo tôi, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023 là điểm sáng tích cực của đất nước. Bởi, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm quyết liệt và đồng bộ; quyết liệt, đồng bộ giữa xây và chống.
Đó là giữa xây dựng, hoàn thiện thể chế để bịt kín những kẽ hở, lỗ hổng với thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; giữa tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán để phát hiện tham nhũng, tiêu cực với điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; giữa kỷ luật đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự; quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, cơ sở...
Xử lý nghiêm minh sai phạm theo đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”. Việc xử lý nghiêm nhiều tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm như vừa qua là minh chứng rõ nhất; kể cả đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài cũng phải tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, không thể thoát được sự trừng phạt của pháp luật. Cùng với xử lý nghiêm sai phạm, phải kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp theo phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống”.
“Khong dam tham nhung”-Hinh-2
PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương 
Để không thể, không dám, không muốn tham nhũng
Có ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí những người dám nghĩ, dám làm ?
Tôi cho rằng, cùng việc đẩy mạnh xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực, vấn đề đặc biệt quan trọng là đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhằm thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội đối với công việc đặc biệt quan trọng này.
Tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tiếp tục cảnh tỉnh, răn đe đối với mọi người, mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương, hình thành nhận thức và có cơ chế, chế tài đủ mạnh để không thể, không dám, không muốn tham nhũng, tiêu cực.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng thực sự đã “trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược” và “thu được nhiều kết quả quan trọng”, không phải như một số ý kiến cho rằng nếu quá tập trung chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển đất nước.
Ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Đặc biệt, hoạt động này góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của Nhân dân, bác bỏ mọi luận điệu sai trái của thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”.
Chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
PGS.TS Vũ Văn Phúc
Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch Đảng, bộ máy Nhà nước chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm.
Bởi, thứ nhất, Đảng ta có quyết tâm chính trị rất cao, nhằm xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ của Nhân dân.
Thứ hai, Nhân dân rất đồng tình, ủng hộ.
Thứ ba, cả hệ thống chính trị vào cuộc, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, tiền hô hậu ủng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt…
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có thể coi là bước đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy Nhà nước và của toàn hệ thống chính trị, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Một là, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải kết hợp giữa xây và chống, xây là chính, chống để xây.
Hai là, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước và của toàn hệ thống chính trị làm cho Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Ba là, Đảng ta quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhất cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, đủ năng lực, đủ uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Bốn là, củng cố, tăng cường lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước
Tham nhũng là một hiện tượng xã hội tiêu cực, tồn tại ở tất cả quốc gia trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam; diễn ra ở cả khu vực công và tư, mà đối tượng hưởng lợi không chỉ là những người trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng. Các chủ thể tham nhũng thường sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thu lợi bất chính cho mình và có cả “nhóm lợi ích” của mình.
Xin cảm ơn PGS.TS Vũ Văn Phúc!
Tiến độ giải quyết các đại án:
Năm 2023, nhiều đại án tham nhũng, kinh tế đã được đưa ra xét xử như chuyến bay giải cứu, AIC - Bệnh viện Đồng Nai, vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển…
Vụ án AIC - Bệnh viện Đồng Nai
Ngày 4/1/2023, TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty AIC tổng 30 năm tù về hai tội “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” (bà Nhàn đang bỏ trốn bị tuyên án vắng mặt); cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành 11 năm tù, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái 9 năm tù cùng về tội “Nhận hối lộ”.
Ngoài ra, cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ bị tuyên tổng 19 năm tù; Bồ Ngọc Thu, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, lĩnh 3 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Các bị cáo còn lại lĩnh từ 30 tháng tù treo đến 25 năm tù.
Theo bản án, Chủ tịch AIC - Nguyễn Thị Thanh Nhàn đưa hối lộ cho các quan chức tỉnh Đồng Nai như Trần Đình Thành số tiền 14,5 tỷ đồng; Đinh Quốc Thái, 14,5 tỷ đồng; Phan Huy Anh Vũ 14,8 tỷ đồng... để tạo điều kiện, tác động cho AIC trúng 16 gói thầu tại Bệnh viện Đồng Nai với giá cao hơn thị trường, gây thiệt hại 152 tỷ đồng.
Tháng 5/2023, tòa phúc thẩm xem xét, giảm nhẹ cho cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ 3 năm tù. Ông Vũ phải chấp hành tổng cộng 16 năm tù về hai tội danh "Nhận hối lộ" và "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, cựu Phó Tổng giám đốc AIC. Cấp sơ thẩm đã tuyên bà Nga 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Vụ tham ô tài sản xảy ra tại Bộ tư lệnh Cảnh sát biển
Ngày 29/6, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội tuyên án sơ thẩm đối với Nguyễn Văn Sơn, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển (CSB) cùng các bị cáo khác trong vụ tham ô tài sản.
Theo đó, bị cáo Sơn bị tuyên 16 năm tù; Hoàng Văn Đồng, cựu Chính ủy CSB 15 năm 6 tháng tù; Doãn Bảo Quyết, cựu Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị CSB; Phạm Kim Hậu, cựu Tham mưu trưởng CSB và Bùi Trung Dũng, cựu Phó tư lệnh CSB cùng bị tuyên 15 năm tù. Bị cáo Nguyễn Văn Hưng, cựu Cục trưởng Cục Kỹ thuật CSB 10 năm tù; Bùi Văn Hòe, cựu Phó trưởng phòng Tài chính, Phụ trách Trưởng phòng Tài chính 12 năm tù.
Theo cáo trạng, tháng 4/2019, Nguyễn Văn Sơn đã chủ động trao đổi với Hoàng Văn Đồng, Doãn Bảo Quyết, Phạm Kim Hậu và Bùi Trung Dũng về việc chỉ đạo Nguyễn Văn Hưng rút 50 tỷ đồng để chi cho các cá nhân này. Hưng theo chỉ đạo của Nguyễn Văn Sơn, yêu cầu 6 trưởng phòng thuộc Cục Kỹ thuật phải rút lại 50 tỷ đồng. Sau khi nhận 50 tỷ đồng, Nguyễn Văn Sơn chia cho mình và Đồng, Hậu, Quyết, Dũng.
Xét xử 54 bị cáo vụ chuyến bay giải cứu
Từ ngày 11 đến 28/7, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm và tuyên án 54 bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu, trong đó có 21 người bị xét xử về tội nhận hối lộ. HĐXX đã tuyên 4 bị cáo mức tù chung thân, các bị cáo còn lại nhận mức án từ 15 tháng tù treo đến 18 năm tù giam về 5 tội danh: "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Môi giới hối lộ", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Theo bản án sơ thẩm, quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, 25 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. 23 bị cáo là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.
Truy tố Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng của SCB
Ngày 15/12, Viện KSND Tối cao ban hành cáo trạng truy tố bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát về 3 tội “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng” và ”Tham ô tài sản”.
Trong 85 bị can còn lại bị Viện KSND Tối cao truy tố, có 45 lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước. Họ bị truy tố về một trong các tội: “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, ”Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và ”Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng”.
Theo cáo trạng, từ năm 2012 đến tháng 10/2022, Trương Mỹ Lan thâu tóm từ 85% đến 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB, qua đó nắm quyền chỉ đạo, thực chất là thao túng toàn bộ Ngân hàng SCB để phục vụ các mục đích của mình.
Đồng thời, nhóm các bị can thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ SCB; lập phương án rút tiền, “cắt đứt” dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước làm trái công vụ...
Cáo trạng xác định, từ ngày 9/2/2018 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của SCB hơn 304.096 tỷ đồng.
Xét xử đại án Việt Á
Ngày 3/1/2024, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Y tế; Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng KH&CN, Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Hải Dương cùng 35 bị cáo liên quan đại án Công ty Việt Á hưởng lợi bất chính hơn 1.200 tỷ đồng.
Trong số các bị cáo, bị cáo Nguyễn Thanh Long bị truy tố, xét xử về cáo buộc Nhận hối lộ 2,25 triệu USD (51 tỷ đồng), bị cáo Thăng về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ do nhận 4 tỷ đồng, bị cáo Chu Ngọc Anh bị cáo buộc gây thất thoát gần 19 tỷ đồng.
Ngày 12/1/2024, TAND Hà Nội tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Thanh Long 18 năm tù do nhận hối lộ hơn 51 tỷ đồng; Chu Ngọc Anh 3 năm tù; Phạm Xuân Thăng 5 năm tù; Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN 3 năm tù…
>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ “chuyến bay giải cứu”: Choáng váng số tiền tỷ nhận hối lộ
  
Tâm Đức