Không được chủ quan trước bão số 12 và ATNĐ hướng vào Nam Bộ

Google News

(Kiến Thức) - Cả bão và áp thấp nhiệt đới đang hướng vào khu vực Nam Bộ và nam Trung Bộ đúng thời điểm tròn 20 năm cơn bão Linda gây thiệt hại nặng tại đây.

Trước tình hình cả bão lẫn ATNĐ hướng vào Nam Bộ và Nam Trung Bộ, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT tổ chức họp ứng phó ATNĐ vào sáng nay 1/11 do Thứ trưởng, Phó Trưởng ban TT Hoàng Văn Thắng chủ trì.
Tại cuộc họp TS Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, sáng sớm 1/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới hình thành ở phía nam Biển Đông chỉ cách Côn Đảo khoảng 200 km. Ở vùng gần tâm, áp thấp có sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Ngày và đêm nay, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây chếch bắc với vận tốc 15-20 km/h. Sáng sớm 2/11, áp thấp nằm trên vùng biển phía nam tỉnh Cà Mau.
Trong lúc đó, một áp thấp nhiệt đới đang xuất hiện gần Biển Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và có khả năng mạnh lên thành bão, chiều nay (1/11) bão sẽ đi vào biển Đông, trở thành cơn bão số 12.
Khong duoc chu quan truoc bao so 11 va ATND huong vao Nam Bo
 
Uỷ viên thường trực Ban Chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Quang Hoài lưu ý việc thực hiện nghiêm Công điện số 83, 84 ngày 31/10 của Văn phòng thường trực; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai -Văn phòng; Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. Tiếp tục kiểm đếm, hướng dẫn theo dõi chặt chẽ tàu thuyền trên biển và nơi neo đậu, đặc biệt hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, thông tin cho các phương tiện để hướng dẫn, chủ động đối phó; theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa, lũ tại khu vực Nam Bộ và áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông.
Bên cạnh đó, tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng đề nghị, do tính chất của 2 đợt áp thấp nhiệt đới đang tồn tại song song và ảnh hưởng đến nước ta, từ thực tế đó Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, cung cấp bản tin dự báo, cảnh báo cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan để chủ động phòng tránh.
Khong duoc chu quan truoc bao so 11 va ATND huong vao Nam Bo-Hinh-2
 Quang cảnh cuộc họp ứng phó bão và ATNĐ sáng nay.
Với diễn biến của bão số 12, Thứ trưởng NN&PTNT Hoàng Văn Thắng liên tục lưu ý không được chủ quan, vì người dân ĐBSCL ít phải đối phó với bão. Do đó các địa phương cần nâng cao tinh thần cảnh giác.
“Bài học từ sự chủ quan trong cơn bão Linda cách đây 20 năm đã gây thiệt hại rất nặng nề cho khu vực ĐBSCL với hơn 3.000 người chết và mất tích. Bão khi đó không quá lớn, thiệt hại trên đất liền ít nhưng trên biển rất lớn”, ông Thắng nhắc lại.
Thứ trưởng yêu cầu công tác kiểm đếm tàu thuyền, thông báo nơi trú tránh phải đặc biệt lưu ý vì khu vực này có nhiều hoạt động gần bờ, sát bờ.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão số 12 nên khu vực chịu thiên tai phức tạp trải rộng từ Huế trở vào, trong đó miền Trung mưa lũ, ĐBSCL đối diện với nước dâng cao. Đây cũng là khoảng thời gian diễn ra APEC tại Đà Nẵng nên ông đề nghị cơ quan dự báo cần theo sát các diễn biến để có phản ứng kịp thời và chủ động. Các ban chỉ huy phòng chống thiên tai các tỉnh cần làm việc với Ban chỉ đạo APEC để trao đổi thông tin bàn bạc để có phương án đảm bảo an toàn cho các đoàn tham dự APEC.
“Giờ mưa đang rất to từ khắp miền Trung trở vào rồi nên Tổng cục Thuỷ lợi cần rà soát các hồ chứa, phát hiện sớm các nguy cơ mất an toàn để có phương án xử trí”, Thứ trưởng Thắng chỉ đạo.
Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 6h ngày 1/11, Biên phòng tuyến biển đã phối hợp với Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho: 51.366 tàu/259.370 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Tuy nhiên, hiện còn 31 phương tiện của Bạc Liêu, 112 phương tiện (897 lao động) tại Cà Mau chưa liên lạc được. Đây là các phương tiện có công suất nhỏ khai thác thủy sản gần bờ, đi về trong ngày. Hiện các địa phương đang tích cực tìm cách liên lạc.
Hải Ninh