"Không loại trừ có F0 trong hàng nghìn người tiêm vắc xin ở TP.HCM"

Google News

Trước tình trạng hàng nghìn người tập trung tiêm vắc xin COVID-19, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng TP.HCM cần điều chỉnh cách bố trí tiêm phù hợp, khoa học để tránh nguy cơ lây nhiễm.

Trước hình ảnh hàng nghìn người tập trung tại nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11, TP.HCM) để tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mà Zing phản ánh trong ngày 24 và 25/6, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về nguy cơ lây nhiễm dịch tại điểm tiêm chủng này.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói với Zing ông sẽ kiểm tra lại kỹ tình trạng mà báo chí phản ánh. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (Trưởng bộ phận Thường trực chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM), khẳng định Bộ Y tế đã có hướng dẫn tổ chức tiêm chủng an toàn. Vấn đề là tại điểm tiêm đó áp dụng chưa nghiêm.
Tiêm vắc xin đạt tốc độ nhưng an toàn là trên hết
Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam) cũng chia sẻ lo lắng trước những hình ảnh tập trung đông người tại điểm tiêm chủng lớn nhất TP.HCM.
“TP.HCM đang yêu cầu giãn cách xã hội mà việc tiêm vắc xin lại để tập trung quá đông người như thế này thì không ổn”, ông nói.
Theo ông Phu, chính quyền cùng ngành y tế TP.HCM luôn ý thức được việc tiêm chủng phải bảo đảm an toàn và đã quán triệt chủ trương này. Nhưng do đây là lần đầu tiên địa phương tổ chức một chiến dịch tiêm vaccine lớn như vậy nên có thể điểm tiêm này, điểm tiêm kia chưa chủ động trong việc bố trí hợp lý, khoa học.
 Hàng nghìn người tập trung tại nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11, TP.HCM) để tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Ảnh: Quỳnh Danh.
Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Phu lưu ý nguyên tắc là cả thành phố đã phải giãn cách xã hội thì tất cả hoạt động, kể cả tiêm vắc xin, cũng không được để tập trung đông người dẫn đến không giữ được khoảng cách an toàn để phòng dịch.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh những người được tiêm vaccine đợt này đều là đối tượng ưu tiên vì có nguy cơ cao, bởi vậy, không loại trừ trường hợp có người là F0 mang virus SARS-CoV-2 trong những người đến điểm tiêm này.
Do đó, nguy cơ lây nhiễm dịch nếu không đảm bảo các biện pháp phòng dịch là có thể.
Góp ý để dịch tiêm của TP.HCM đạt hiệu quả cao hơn, ông Phu cho rằng trước hết cần bố trí, sắp xếp thời gian tiêm hợp lý, khoa học, tiêm đến đâu gọi đến đó. Ví dụ trong một giờ tiêm được cho bao nhiêu người chỉ gọi bằng đó người đến.
Song song với đó, phải thực hiện giãn cách, đảm bảo khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, khử khuẩn và thực hiện nghiêm thông điệp 5K.
Tiếp đó, phải bố trí thêm điểm tiêm, thêm nhân lực, đồng thời áp dụng công nghệ thông tin trong chiến dịch này, để những người đến tiêm kê khai điện tử trước thay vì đến đó phải ngồi chờ và khai bản giấy.
Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11, TP.HCM) là điểm tiêm vắc xin lớn nhất TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. 
“Chúng ta cũng đã có kinh nghiệm trong việc quản lý đối tượng tiêm chủng bằng công nghệ thông tin thuộc tiêm chủng mở rộng cho trẻ em”, ông Phu dẫn chứng.
Ông cho rằng trong đợt tiêm này phần lớn là công nhân của các khu công nghiệp, việc điều phối cũng dễ hơn so với việc tiêm cho người dân hoặc lao động tự do vì việc này có sự phối hợp từ phía doanh nghiệp, ví dụ phân xưởng này chưa tiêm xong thì phân xưởng khác sẽ được yêu cầu ngồi chờ.
Nhắc đến việc cần bố trí thêm điểm tiêm, ông Phu cho rằng TP.HCM sẽ rút kinh nghiệm và sắp xếp, bố trí sao cho hợp lý để thực hiện nhiệm vụ này. “Nhiệm vụ, yêu cầu về phòng chống dịch phải được đặt lên hàng đầu. Tiêm vaccine đạt tốc độ nhưng an toàn vẫn là trên hết, đặc biệt tại những địa bàn đang có nguy cơ lây nhiễm cao”, ông Phu nêu quan điểm.
Đây cũng là vấn đề rút kinh nghiệm cho các địa phương khác cũng như cả nước khi chúng ta sẽ tiếp tục tổ chức chiến dịch trên quy mô toàn quốc trong thời gian tới.
Phân luồng phù hợp, nhắn tin thời gian tiêm cụ thể
Một thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM chia sẻ trong những ngày gần đây, lực lượng y tế của TP đang nỗ lực thực hiện chiến dịch tiêm vaccine COVID-19. Lượng người đến tiêm rất đông nên có thể khâu tổ chức có trục trặc, chưa chuẩn bị thấu đáo mọi vấn đề.
Tại một số điểm tiêm khác, vị này cho biết cũng có tình trạng những buổi đầu tiêm vaccine rất vắng do nhiều người được mời đến tiêm nhưng không đến, song vào những buổi tiêm cuối lại dồn đến rất đông.
Với việc tập trung đông người tiêm vắc xin COVID-19 tại Nhà thi đấu Phú Thọ, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết Sở Y tế giải thích bên trong điểm tiêm không vấn đề gì, nhưng các bộ phận chưa lường trước được việc mọi người đến quá đông trong cùng thời điểm dẫn đến phải xếp hàng dài bên ngoài.
Bên cạnh đó, cũng có những người đến điểm tiêm vắc xin nhưng không đem theo giấy tờ, không chứng minh được mình là đối tượng được tiêm, tức là không loại trừ trường hợp có người không có phận sự nhưng vẫn ghé vào xem mình được tiêm hay không.
Hơn nữa, một phần do tâm lý người đến tiêm luôn sốt ruột, cộng với trời nắng nóng nên muốn được tiêm nhanh.
Dù vậy, thành viên này cho rằng nếu tổ chức tốt hơn, chuẩn bị kỹ lưỡng và khoa học hơn thì sẽ tránh được tình trạng trên. Vì vậy, cần rút kinh nghiệm ngay.
Vị này góp ý với danh sách những người được tiêm cần chia ra sẽ tiêm trong bao nhiêu ngày, mỗi giờ tiêm được bao nhiêu người để chủ động nhắn tin cho từng nhóm đến vào từng khung giờ cụ thể, người nào nhận được tin nhắn trong đúng khoảng thời gian đó thì cho vào điểm tiêm.
Bên cạnh đó, khi tổ chức tiêm cho các đơn vị, lãnh đạo đơn vị phải có mặt tại điểm tiêm để phối hợp đôn đốc, vì ngoài các bộ phận kết hợp, nhân viên y tế phải tập trung lo chuyên môn.
Về mặt nguyên tắc, thành viên này nhấn mạnh khi có số lượng lớn người đến tiêm thì phải có phân luồng phù hợp, không để tập trung quá đông người vào cùng một nơi, một thời điểm.
Vị này đồng thời đề nghị tăng cường tuyên truyền giúp mọi người hiểu hơn về tác dụng, ý nghĩa của việc tiêm vắc xin để những người thuộc diện được tiêm sẽ chủ động đến đúng thời gian mà cơ quan chức năng sắp xếp.
Theo Hoài Thu/Zing