|
Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình vẫn cho thuê mặt bằng kinh doanh. ảnh: ngọc châu
|
Năm 2011,
Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình được Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ VH-TT&DL thống nhất cho phép khai thác quỹ đất, cơ sở vật chất để thực hiện liên doanh, liên kết, huy động nguồn vốn từ các tổ chức cá nhân nhằm phát triển văn hoá, thể thao, du lịch. Sau khi có chủ trương này, từ năm 2012-2017, Ban lãnh đạo Khu LHTTQG
Mỹ Đình đã thực hiện việc cho thuê đất tràn lan, không thông qua thủ tục của Bộ Tài chính.
|
Các chứng từ nộp tiền |
Chi Cục thuế quận Nam Từ Liêm vừa qua cho biết, số tiền thuê đất Khu LHTTQG Mỹ Đình phải nộp lên tới hơn 314 tỷ đồng. Khu LHTTQG đồng thời đang nợ gần 70 tỷ tiền thuế dài hạn. Không có khả năng chi trả, Giám đốc Khu LHTTQG Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa (nay đã nghỉ hưu) đã báo cáo Bộ VH-TT&DL, xin UBND TP Hà Nội được miễn số tiền thuê đất trên.
Tháng 3/2018, Bộ VH-TT&DL đã có công văn chỉ đạo Khu LHTTQG Mỹ Đình dừng hoạt động cho thuê đất ngắn hạn, thu hồi mặt bằng để phục vụ các dự án của ngành thể thao. Tuy nhiên, quá hạn đã lâu và qua nhiều lần gia hạn, Khu LHTTQG Mỹ Đình vẫn không hoàn thành trách nhiệm được Bộ giao.
Cụ thể theo báo cáo của Khu LHTTQG Mỹ Đình, tới ngày 2/11/2018, chỉ 38/144 đơn vị thuê đất ở Mỹ Đình đóng cửa, không sản xuất và di dời tài sản. Tổng cục TDTT sau đó đã có ý kiến chỉ đạo gia hạn việc di dời tới ngày 31/12/2018. Tới đây lại nảy sinh nhiều vấn đề khác.
Theo đơn thư tố cáo của một số doanh nghiệp, đầu tháng 11/2018 vừa qua, Khu LHTTQG Mỹ Đình đã phối hợp chính quyền tiến hành cắt điện 3 pha, trong khi hạn chót di dời là ngày 31/12.
Làm việc với phóng viên Tiền Phong, đại diện Công ty cổ phần Ô tô AG và Công ty TNHH Tân Phú Hưng cho biết, năm 2012, hai công ty đã ký hợp đồng thuê đất của Khu LHTTQG Mỹ Đình thông qua công ty trung gian Kinh Bắc.
Tháng 5/2012, Khu LHTTQG Mỹ Đình đã tiến hành cắt điện, rào cổng không cho công nhân 2 công ty này ra vào làm việc. Lý do, công ty Kinh Bắc đã không nộp tiền thuê đất từ tháng 7/2011 đến hết tháng 4/2012, trị giá 1 tỷ đồng. Công ty AG sau đó phải nộp 300 triệu đồng và công ty Tân Phú Hưng nộp 200 triệu đồng cho Khu LHTTQG Mỹ Đình.
Số tiền này được coi để khắc phục hậu quả thay công ty Kinh Bắc (600 triệu đồng). Tuy nhiên, Khu LHTTQG Mỹ Đình đưa lại 2 doanh nghiệp 2 phiếu thu không số đề ngày 12/6/2012 và 22/6/2012, không xuất hoá đơn VAT. Dù nhiều lần đòi hoá đơn VAT nhưng tới nay doanh nghiệp vẫn chưa được trả.
Ðể ngoài sổ sách hàng nghìn mét vuông đất?
Trong đơn khiếu nại đề gửi nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đại diện doanh nghiệp cho biết cũng yêu cầu được làm rõ việc có mảnh đất hơn 4.500m2 của người quen thuê bị Khu LHTTQG Mỹ Đình để ngoài sổ sách. Các đơn vị này thuê đất của Khu LHTTQG Mỹ Đình từ anh Nguyễn Văn Trung, trưởng phòng và là cháu nguyên Giám đốc Cấn Văn Nghĩa.
Tuy nhiên trả lời Tiền Phong, Phó giám đốc phụ trách Khu LHTTQG Mỹ Đình hiện nay, ông Nguyễn Việt Tiến đã bác bỏ các nội dung này. Ông Nguyễn Việt Tiến nói các vấn đề trên Khu LHTTQG Mỹ Đình đã làm việc với các cơ quan nhà nước, và đều làm đúng luật.
Ông Nguyễn Việt Tiến cũng cho biết, công tác di dời hiện đã thực hiện được 90%. “Sau khi hoàn thành việc di dời, khu vực nào có dự án sẽ triển khai, khu vực nào chưa có dự án có thể làm đề án, thực hiện đúng thủ tục cho thuê” - ông Tiến nói.
Tin của Tiền Phong cho biết, Kiểm toán nhà nước vừa qua đã làm việc với Khu LHTTQG Mỹ Đình. Phó Giám đốc Nguyễn Việt Tiến xác nhận, đã có dự thảo kết luận của Kiểm toán nhà nước và “nói chung là thuận lợi”.
Làm việc với Tiền Phong, các doanh nghiệp nói sẵn sàng chấp hành chỉ đạo thu hồi mặt bằng đang thuê ở Mỹ Đình. “Chúng tôi chỉ mong muốn khu vực nào chưa có dự án, nếu Bộ VH-TT&DL và Khu LHTTQG tiếp tục cho thuê thì chúng tôi được ưu tiên, bởi doanh nghiệp đã phải đầu tư từ đầu để cải tạo mặt bằng. Chúng tôi sẵn sàng chấp hành các nghĩa vụ về thuế của nhà nước”-đại diện một doanh nghiệp cho biết.
Theo MẠNH ĐẠT/Tiền phong