Khuất tất đấu giá KDC Hòa Lân: Công ty Nam Sài Gòn móc ngoặc Công ty Kim Oanh?

Google News

(Kiến Thức) - So với các công ty tham gia đấu giá, Công ty Kim Oanh thể hiện sự yếu kém về năng lực tài chính nhưng lại "chiến thắng", cộng thêm việc 11 lần Công ty đấu giá Nam Sài Gòn cố tình trì hoãn đấu giá để "chờ" Công ty Kim Oanh tham gia khiến dư luận đặt câu hỏi về 2 đơn vị này.

Liên quan đến vụ việc “Khuất tất đấu giá dự án KDC Hòa Lân của Công ty đấu giá Nam Sài Gòn, Kim Oanh?” mà Kiến Thức đã phản ánh, luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng Văn phòng luật sư Interla - Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: Với hành vi 11 lần đưa ra những thông tin không đúng sự thật về đơn vị tham gia đấu thầu cho ngân hàng Agribank Chợ Lớn nhằm giảm giá trị đấu thầu để chiếm đoạt số tiền theo định giá ban đầu, Công ty đấu giá Nam Sài Gòn đã cấu thành hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Việc sai phạm của Công ty đấu thầu Nam Sài Gòn và vi phạm của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP HCM (gọi tắt là Công ty Kim Oanh, trước đây có tên là Công ty TNHH xây dựng A Đông Hải) đơn vị thắng đấu giá đã được Thanh tra Bộ Tư pháp có kết luận số 62/KL-TTR chỉ rõ. 
Trong kết luận, Thanh tra kiến nghị Agribank Chợ Lớn khẩn trương thu hồi số tiền và lãi Công ty Kim Oanh đấu giá mua tài sản, không để kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi nhà nước. Trường hợp Công ty Kim Oanh không có khả năng thanh toán thì có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật tránh làm thất thoát tài sản Nhà nước.
Như vậy, theo kết luận thanh tra, sai phạm của 2 công ty trên đã rõ. Tuy nhiên, dư luận vẫn chưa thỏa mãn khi cho rằng những dấu hiệu mập mờ giữa Công ty đấu giá Nam Sài Gòn và Công ty Kim Oanh rất rõ ràng lại chưa được điểm mặt và xử lý. 
Khuat tat dau gia KDC Hoa Lan: Cong ty Nam Sai Gon moc ngoac Cong ty Kim Oanh?
 Bà Đặng Thị Kim Oanh – Tổng giám đốc Công ty Kim Oanh (người đứng cầm micro) cho rằng công ty đấu giá đúng quy trình. (Ảnh website Công ty Kim Oanh) 
Nếu nhìn lại toàn bộ diễn biến của sự việc, người ta có thể thấy hàng loạt những bất thường và mối liên hệ giữa 2 công ty trên. 
Cụ thể như tại phiên thông báo bán đấu giá lần 3, ngày 16/10/2015, sau 2 phiên lân trước Công ty đấu giá Nam Sài Gòn thông báo không có đơn vị đăng ký tham gia đấu thầu thì kịch bản này lại được lặp lại. 
Tuy nhiên, thực tế trong phiên đấu giá thứ 3 có Công ty Hoà Bình Xanh (địa chỉ 211/31, Huỳnh Văn Luỹ) tham gia đấu giá nhưng Công ty đấu giá Nam Sài Gòn lại có công văn thông báo cho Agribank Chợ Lớn biết không có khách hàng nào tham gia.
Ngày 10/5/2016, Công ty Hoà An Lộc (70 Nguyễn Văn Thành, TP. Thủ Dầu Một) nộp đơn đăng ký mua tài sản bán đấu giá, nhưng ngày 23/5/2016, Công ty Nam Sài Gòn tiếp tục thông báo cho Agribank Chợ Lớn không có khách hàng tham gia.
Ngày 31/5/2016, tại phiên thông báo bán đấu giá lần 7, có 2 công ty đăng ký tham gia đấu giá là Công ty Hoà An Lộc và Công ty Hoà Bình Xanh, nhưng Công ty đấu giá Nam Sài Gòn vẫn thông báo cho ngân hàng rằng không có khách hàng tham gia đấu giá. Mặc nhiên phiên đấu giá bị hủy.
Tại phiên thông báo đấu giá lần 9 (ngày 22/9/2016) Công ty Trung Quý Huế (Thừa Thiên Huế) mua hồ sơ, nộp đơn đăng ký mua tài sản bán đấu giá nhưng ngày 8/11/2016, đấu giá Nam Sài Gòn tiếp tục thông báo không có khách hàng tham gia.
Kịch bản này được lặp đi lặp lại đến tận phiên thông báo đấu giá lần thứ 11. Bằng việc đưa thông tin không chính xác, thông báo không có khách hàng tham gia đấu giá, Công ty Nam Sài Gòn đã điều chỉnh giá trị tài sản của Dự án KDC Hoà Lân từ 1.467,7 tỷ đồng xuống chỉ còn có 900 tỷ đồng. 
Lúc này, Công ty Kim Oanh xuất hiện để tham gia đấu giá rất đúng thời điểm khi khối tài sản Dự án KDC Hoà Lân đã giảm đến hơn 500 tỷ đồng. 
Thế nhưng, chính sự xuất hiện của Công ty Kim Oanh lại là điểm khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi (?!)
Bởi lẽ, tại phiên thông báo đấu giá lần thứ 12, ngày 28/4/2017, Công ty đấu giá Nam Sài Gòn thông báo có 3 khách hàng đăng ký đấu giá và đã nộp 96,3 tỷ (đặt trước 10% giá trị tài sản đấu giá) gồm: Thủ Đức House, Công ty Kim Oanh và Công ty CP đầu tư Thái Bình.
Trong đó chỉ có Thủ Đức House đáp ứng rõ nhất yêu cầu của Agribank Chợ Lớn là cam kết trả tiền ngay theo đúng quy định sau khi đấu giá (nếu trúng). Hai công ty còn lại dù đã đóng tiền đặt trước 10% nhưng hồ sơ không thể hiện việc trả ngay hay trả dần cho Agribank Chợ Lớn biết. Như vậy, Công ty Kim Oanh và Công ty Thái Bình tỏ rõ sự yếu thế về năng lực tài chính so với Công ty Thủ Đức House. 
Những tưởng Thủ Đức House sẽ là đơn vị chắc suất trúng đấu giá. Song, thật ngạc nhiên rằng sau 14 vòng trả giá, Công ty Kim Oanh đã trúng đấu giá 1.353 tỷ đồng.
Sự yếu kém về năng lực tài chính được thể hiện ngay sau khi Công ty Kim Oanh trúng đấu giá. Theo quy định của Agribank Chợ Lớn, đơn vị trúng đấu giá phải thanh toán một lần ngay số tiền trúng đấu giá. Nhưng mãi đến tháng 11/2018, Công ty Kim Oanh mới chỉ thanh toán được 847,8 tỷ đồng (chưa bằng số tiền đấu giá khởi điểm) và còn nợ 478 tỷ đồng cùng lãi chậm trả 8% tính từ ngày 5/9/2017.
Việc chậm thanh toán và trả lãi khiến quyền lợi của Nhà nước bị thiệt hại, Thanh tra kiến nghị Agribank Chợ Lớn khẩn trương thu hồi số tiền và lãi Công ty Kim Oanh đấu giá mua tài sản, không để kéo dài, không để thất thoát tài sản Nhà nước.
Tuy nhiên đến nay, Công ty Kim Oanh vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. 
Từ những dấu hiệu đã chỉ ra ở trên, dư luận đặt ra nghi vấn về việc có hay không sự móc ngoặc giữa Công ty đấu giá Nam Sài Gòn và Công ty Kim Oanh? 
Tại sao Công ty đấu giá Nam Sài Gòn 11 lần cố tình thông báo không chính xác về các đơn vị tham gia đấu giá? Tại sao một công ty yếu kém về năng lực tài chính như Công ty Kim Oanh lại thắng đấu giá? Tại sao Công ty Kim Oanh lại xuất hiện đúng thời điểm giá trị tài sản đấu giá đã bị Công ty đấu giá Nam Sài Gòn "phù phép" làm giảm mất 500 tỷ đồng?... đó là những câu hỏi đang cần cơ quan chức năng làm rõ. 
Theo luật sư Trương Quốc Hòe, Luật pháp nghiêm cấm tổ chức đấu giá tài sản thực hiện các hành vi “Thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản”.
Trong trường hợp, nếu Công ty đấu giá Nam Sài Gòn có dấu hiệu về hành vi móc nối với các công ty (trong trường hợp này là Công ty Kim Oanh) trong việc tổ chức phiên đấu giá thì hành vi của hai Công ty này đã vi phạm điều cấm của luật Đấu giá 2016 tại khoản 2 Điều 9 của luật này.
Liên quan đến vụ việc, bà Đặng Thị Kim Oanh (đại diện Công ty Kim Oanh) khẳng định với báo chí rằng quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản và ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản, Công ty đấu giá Nam Sài Gòn tuy có một số thiếu sót nhưng hoàn toàn không ảnh hưởng đến kết quả bán đấu giá tài sản đối với toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc dự án KDC Hòa Lân. Việc tổ chức đấu giá của Công ty đấu giá Nam Sài Gòn hoàn toàn không sai phạm.
Trong một văn bản gửi báo chí, Công ty Kim Oanh cho biết đồng ý hoàn thành thanh toán cho Agribank Chợ Lớn với số tiền còn lại là 378,2 tỉ đồng trong tháng 3/2019 và khẳng định số tiền Công ty Thiên Phú nêu ra 478 tỉ đồng là không chính xác.
Theo bà Đặng Thị Kim Oanh, với số tiền đã bỏ ra trên 1.050 tỉ đồng để mua đấu giá, xử lý nợ xấu cho Công ty Thiên Phú sau khi trúng đấu giá tài sản nhưng gần 2 năm vẫn chưa chuyển đổi được chủ đầu tư, nếu vụ việc tiếp tục kéo dài sẽ khiến Công ty Kim Oanh lâm vào nguy cơ bị phá sản trong khi Agribank Chợ Lớn cũng không xử lý được khoản nợ xấu của Công ty Thiên Phú đã kéo dài quá lâu.
Quang Minh