Diễn biến mới nhất tình hình dịch Covid-19, tính đến 6h ngày 20/3, Covid 19 đã xuất hiện tại 178 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 24 giờ qua đã có thêm 1.063 người thiệt mạng (một kỷ lục tính theo ngày) và 25.793 ca bệnh mới, nâng tổng số ca mắc Covid 19 trên toàn thế giới lên trên 244.615 người, trong đó có 10.014 ca tử vong. Tới nay, cũng đã có 87.407 người được điều trị thành công và phục hồi.
Tại Việt Nam, đêm 19/3, Bộ Y tế vừa công bố thêm 9 bệnh nhân Covid-19 mới, nâng tổng số ca bệnh dương tính SARS-CoV02 tại Việt Nam lên 85 ca. Trong đó, Hà Nội là nơi có nhiều bệnh nhân nhiễm Covid 19 nhất với 24 người và TP HCM là 14 người.
Hiện nay, Hà Nội và TP HCM đã chính thức bước vào thời điểm “đỉnh bão” của Covid 19, vậy kịch bản ứng phó “2 tuần đỉnh bão” Covid-19 của hai thành phố này thế nào?
|
Hà Nội và TP HCM đã chính thức bước vào thời điểm “đỉnh bão” của Covid 19. |
Hà Nội ứng phó “đỉnh bão” Covid 19 thế nào?
Hơn hai tuần qua, kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên (ca nhiễm 17), Hà Nội, theo đúng kịch bản diễn biến dịch bệnh như các nước trên thế giới, Hà Nội mới bước sang tuần thứ 2 và đang ở thời gian cao điểm chống dịch bệnh Covid-19.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, ngay từ khi có dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã vào cuộc, hành động quyết liệt; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện nhiệm vụ đột xuất này với tinh thần "chống dịch như chống giặc". Thường trực Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo 8 giải pháp cụ thể phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời lập 5 đoàn kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy trực thuộc về công tác phòng, chống dịch.
Sáng ngày 19/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, tới đây thành phố sẽ kích hoạt bộ phận ứng phó với khủng hoảng của Thành phố; đồng thời mỗi quận, huyện, thị xã cũng phải thành lập bộ phận ứng phó với khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 18/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói rằng, thời gian cao điểm của Hà Nội kéo dài đến hết ngày 3/4 và cho rằng, với diễn tiến dịch bệnh hiện nay không loại trừ thời gian tới Hà Nội sẽ có các ca nhiễm sẽ tăng lên. Theo đó, Hà Nội sẽ dành nguồn lực cho điều trị, chuyển sang theo dõi chặt chẽ F2 tại gia đình.
|
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. |
Cho rằng, những ngày tới Thành phố sẽ rất vất vả, dịch bệnh sẽ tăng chứ không giảm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội xác định 4 nhiệm vụ cụ thể như cần phát hiện và cách ly nhanh chóng, phản ứng nhanh với các trường hợp nhiễm bệnh để đưa bệnh nhân vào viện. Tất cả các trường hợp đi từ vùng dịch về chưa khai báo phải yêu cầu cách ly tại nhà; tập trung phát hiện trường hợp F1 liên quan đến chuyến bay để tổ chức cách ly.
Thứ 2 là nhanh chóng tổ chức xét nghiệm, khẩn trương đào tạo nguồn y tá, bác sỹ lấy mẫu. Thứ 3 là thực hiện các biện pháp mạnh mẽ trong giám sát cộng đồng và tổ chức cách ly. Thứ 4 là các đội cơ động thuộc các quận, huyện, thị xã được phân công trực 24/24, khi có phản ánh của nhân dân phải kiểm soát ngay.
Đối với các trường hợp từ vùng dịch về, Chủ tịch TP. Hà Nội cho biết dự báo có thể lên đến 10.000 người trong vài ngày tới. Thành phố đã chuẩn bị hình thức cách ly phòng ngừa và cách ly chữa bệnh.
Về cách ly phòng ngừa có 4 cách: Cách ly tập trung ở trung tâm của Bộ Tư lệnh Thủ đô; các bệnh viện với F1; cách ly tại nhà tất cả các trường hợp F2; Thành phố cũng chuẩn bị 2.000 chỗ trong khách sạn để tổ chức cách ly, hiện đã chuẩn bị được 1.500 chỗ. Đồng thời kích hoạt GPRS để kiểm soát việc cách ly. Với cách ly chữa bệnh sẽ chuyển đến bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2, bệnh nhân của Hà Nội có thể gửi vào đây 300 người.
Tại cuộc họp này, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, đơn vị đã triển khai bài bản công tác phát hiện, điều tra, khoanh vùng xử lý, lấy mẫu xét nghiệm. Tổ chức giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm tất cả các trường hợp nghi ngờ một cách sớm nhất. Công tác xét nghiệm sẽ được triển khai theo đúng quy định như: những trường hợp F1, sẽ xét nghiệm lần 2 sau 14 ngày cách ly; nếu F1 âm tính, F2 sẽ được kết thúc cách ly.
Lãnh đạo CDC Hà Nội cho biết, hiện số người từ vùng có dịch ở các nước về rất cao, nên số người ở khu vực tập trung cách ly tăng nhanh. CDC thành phố phối hợp với các khu cách ly đảm bảo lấy mẫu bệnh phẩm 100% các trường hợp để xét nghiệm. Đồng thời đề xuất, huy động mỗi quận, huyện, thêm ít nhất 3 cán bộ để tổ chức tập huấn; bổ sung các bác sỹ, sinh viên của đại học Y Hà Nội và sinh viên y tế cộng đồng năm thứ 4 phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Đại diện Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, nhằm tiếp tục thực hiện công tác cách ly tập trung, đã phối hợp với Binh đoàn 11, quận Hoàng Mai và Nam Từ Liêm tổ chức 3 khu vực cách ly, gồm có: Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội; Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp; Trung tâm đào tạo nghề Thành An, Binh đoàn 11. Ngoài ra, đã bổ sung thêm 20 chiến sỹ hỗ trợ tại sân bay; 50 xe ô tô thường xuyên hoạt động đưa đón công dân về khu cách ly và 46 xe dự phòng, sẵn sàng hỗ trợ nếu số lượng công dân trở về đông hơn.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh phải luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống ở mức cao nhất.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, 6 BV mũi nhọn là Bắc Thăng Long, Đống Đa, Thanh Nhàn, Đức Giang, Xanh Pôn, Hà Đông có phương án chuẩn bị 1.000 giường bệnh, đáp ứng đầy đủ cơ số thuốc, trang bị, vật tư tiêu hao, tổ chức diễn tập sẵn sàng kích hoạt khi có tình huống ca bệnh xảy ra.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã thành lập 5 đội phản ứng nhanh thường trực 24/24 giờ, tổ chức xuống thực địa để triển khai các biện pháp khoanh vùng, điều tra, xử lý ổ dịch, lấy mẫu bệnh phẩm tất cả trường hợp nghi nhiễm Covid-19 để làm xét nghiệm.
|
Khu vực đón người cách ly để theo theo dõi diễn biến dịch Covid-19 tại Ký túc xá Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. |
Do vậy, việc xuất hiện những ca dương tính với Covid-19 tại Hà Nội, theo ông Hiền, điều này đều nằm trong kịch bản phòng chống dịch của TP. Trong những ngày tới, Hà Nội sẵn sàng tâm thế để tiếp tục điều tra, cách ly đối với những bệnh nhân dương tính với Covid-19.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị cần tập trung rà soát lại kịch bản phòng chống dịch của đơn vị. Chú trọng sang hướng dự phòng, giám sát tại cộng đồng để chủ động phát hiện ca bệnh, tuân thủ quy trình cách ly, hạn chế tối đa việc lây nhiễm. Đồng thời, thông tin chính xác, minh bạch về tình hình dịch bệnh tại địa phương để cộng đồng cùng hiểu và chung tay với chính quyền địa phương phòng chống dịch.
Trước đó, ngày 13/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký văn bản gửi các sở, ngành, quận huyện về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Trong đó, giao Sở Y tế khẩn trương chuẩn bị thêm các cơ sở cách ly ngoài cơ sở cách ly của quân đội, công an; đảm bảo đáp ứng đủ các trang thiết bị, vật tư y tế cho các cơ sở y tế và tại các cơ sở cách ly tập trung. Hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án cách ly một tổ dân phố, thôn xóm, xã, phường.
Nhiều kịch bản ứng phó Covid 19 của TP HCM
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 chiều 19/3, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã đưa ra những kinh nghiệm và bài học trong chống dịch bệnh ở thành phố.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, hiện mỗi ngày có 1.300-1700 người nhập cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất, trong 10 ngày tới có khoảng 17.000 người, nên phải chuẩn bị giường cho khu tập trung. Từ đó, ông yêu cầu phải lên phương án chống dịch cụ thể cho tình huống này như tổng số giường cách ly, tổng số người về và các dịch vụ hậu cần kèm theo... để cân đối chặt chẽ.
Ông Phòng cũng yêu cầu ngành y tế kêu gọi, huy động lực lượng sinh viên y khoa, các y bác sĩ về hưu tham gia chống dịch cùng đội ngũ y bác sĩ hơn 19.000 người đang làm việc. Đồng thời Sở Công thương thành phố được giao làm việc với các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm, bảo đảm cho các khu cách ly, dự phòng nguồn lương thực chuẩn bị trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng. Sở Giao thông Vận tải hỗ trợ 30 xe kèm tài xế để vận chuyển người từ sân bay đi cách ly.
Trước diễn biến phức tạp của Covid -19, UBND TPHCM đã đưa ra nhiều kịch bản nhằm ứng phó.
|
Cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP HCM ngày 19/3. Ảnh: NLĐ |
Ngày 19/3, bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh- Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, UBND TP HCM vừa chỉ đạo ngành y tế tập trung ứng phó với dịch tránh tình trạng bị động. Theo đó, UBND TP HCM chỉ đạo sở này chuẩn bị các kịch bản, phương án ứng phó khi dịch bùng phát ở nhiều mức độ, quy mô, đối tượng, môi trường khác nhau ở cấp thành phố.
Sở Y tế hướng dẫn UBND các quận, huyện xác định các nhiệm vụ tại chỗ và phương án tại chỗ trong các tình huống dịch bệnh khác nhau. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam cả đường hàng không, đường bộ, đường thủy, trọng tâm là người đến từ vùng có dịch; tổ chức sàng lọc những người có nguy cơ nhiễm bệnh. Ngoài ra, Sở Y tế cũng tăng cường trang bị cơ sở vật chất, phòng áp lực âm, trang thiết bị y tế, máy giúp thở, test xét nghiệm...; bảo đảm đầy đủ trang phục bảo hộ, các phương tiện chống dịch, chế độ cho nhân viên y tế, không để bị nhiễm bệnh Covid-19 trong quá trình làm nhiệm vụ.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch khi dịch bùng phát trong cộng đồng như có thể cách ly theo cấp độ, nhân rộng mô hình cách ly trong trường hợp ở đường phố, khu phố, ở chung cư cao cấp, khách sạn mini và các khu tạm trú.
TP HCM hiện đã sẵn sàng 3.000 bộ xét nghiệm, trong tháng 3 có thêm 10.000 bộ, tháng 4 có thêm 20.000 bộ và trong tháng 5, 6 sẽ chuẩn bị 20.000 bộ nữa để sẵn sàng đối phó khi dịch bệnh lan nhanh trên diện rộng. Trong thời điểm này, người dân tăng cường chia sẻ các nguyên tắc cơ bản trong công tác phòng, chống dịch. Mỗi người dân, gia đình cần phải là một kênh truyền thông để tuyên truyền hiệu quả giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Về khu cách ly, TP HCM hiện có 3 khu cách ly tập trung cấp thành phố tại quận 7, huyện Nhà Bè và huyện Củ Chi. Ở 24/24 quận, huyện có khu cách ly tập trung cấp quận, huyện.
Tuy nhiên, do các khu cách ly trên địa bàn đã sắp sử dụng hết công suất nên TPHCM đã đề nghị Bộ Quốc phòng cho phép được sử dụng 3 địa điểm làm khu cách ly là Doanh trại Sư đoàn 317, Quân khu 7 ở Hóc Môn; Trường Quân sự Quân khu 7 ở quận 12 và Khu điều trị của Bệnh viện Quân y 175 để thành lập cơ sở cách ly tập trung. Ngoài ra, sẽ triển khai khu cách ly 20.000 giường ở Ký túc xá ĐH Quốc gia và 1000 giường ở BV Ung bướu cơ sở quận 9.
Đại diện Sở Công Thương cho biết, đã lên 3 kịch bản đảm bảo đủ hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân.
Theo đó, kịch bản 1, khi TPHCM thêm ca nhiễm mới, sở dự báo người dân sẽ có xu hướng thu gom, tích trữ lương thực và các đối tượng lợi dụng đầu cơ, găm hàng... Do vậy, sở sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cùng UBND 24 quận, huyện không để phát tán tin đồn thất thiệt; chỉ đạo các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn cung hàng hóa vượt 30% - 40% ngày thường. Khả năng cung ứng nguyên vật liệu cũng sẽ được nâng lên 50% - 100% khi cần thiết và tăng cường bán hàng online.
Kịch bản thứ 2, nếu người dân tăng cường tích trữ gây thiếu hụt hàng hóa, sở tiếp tục duy trì các phương án tại tình huống 1 và lên phương án hỗ trợ vốn để doanh nghiệp dự trữ hàng. Nguồn cung hàng hóa cũng được nâng lên 50% - 100% so với ngày thường.
Kịch bản thứ 3 nếu dịch bệnh lan rộng, ngoài duy trì giải pháp ở hai tình huống trên, sở sẽ giảm hoặc ngừng xuất khẩu nguyên liệu, thành phẩm các mặt hàng lương thực thiết yếu.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Việt Nam thêm 9 bệnh nhân nhiễm Covid-19
Tâm Đức