Kiến nghị miễn trừ trách nhiệm người tiếp tay tham nhũng… để thúc đẩy tố cáo

Google News

Cử tri đề nghị có thể nghiên cứu các giải pháp chống tham nhũng vặt như tạo cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho người tiếp tay tham nhũng để thúc đẩy tố cáo.

Còn tình trạng cán bộ lợi dụng sự thiếu hiểu của người dân để sách nhiễu
Trong báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, cử tri kiến nghị cần đánh giá khách quan và toàn diện hơn về bản chất của ‘tham nhũng vặt’.
Theo cử tri Tây Ninh, bản chất tham nhũng vặt thường diễn ra trong mối quan hệ khép kín giữa chủ thể tham nhũng và chủ thể tiếp tay tham nhũng; rất khó phát hiện nếu không có tố cáo, tố giác từ những người tham gia mối quan hệ này. Một số trường hợp chủ thể tiếp tay tham nhũng không phải là bên yếu thế mà còn chủ động đề nghị tham nhũng (hối lộ để bỏ qua sai phạm) nên càng khó xảy ra việc tố cáo.
Kien nghi mien tru trach nhiem nguoi tiep tay tham nhung… de thuc day to cao
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong 
Do đó, cử tri đề nghị có thể nghiên cứu các giải pháp chống tham nhũng vặt tại các nước như Trung Quốc, Singapore để áp dụng như tạo cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho người tiếp tay tham nhũng, cơ chế cho phép khắc phục hậu quả sai phạm… để thúc đẩy họ tố cáo, tố giác.
Trả lời kiến nghị trên, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt, góp phần quan trọng giữ vững ổn định, phát triển kinh tế xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác hoặc lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật; lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, không công bằng, thiếu khách quan, gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trước thực tiễn trên, sau khi Quốc hội thông qua luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo hoàn thiện các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành luật. Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 10/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc và Công điện số 724/2019 về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.
Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Chỉ thị số 769/2019 về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành; đồng thời sơ kết 1 năm việc thực hiện Chỉ thị số 10/2019 của Thủ tướng. Kết quả cho thấy, các bộ, ngành, địa phương đều đánh giá chỉ thị góp phần tích cực vào việc phòng, chống tham nhũng vặt.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, sẽ ghi nhận, tiếp thu kiến nghị của cử tri. Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng nói chung và tham nhũng vặt nói riêng, Thanh tra Chính phủ sẽ tham mưu tổ chức đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 10/2019 của Thủ tướng; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý; tăng cường biện pháp và chế tài nhằm bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật này.
Cán bộ giữ bất kỳ chức vụ nào, kể cả nghỉ hưu đều bị xử lý nếu tham nhũng
Trả lời kiến nghị về xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong năm 2022, ngành thanh tra đã chú trọng triển khai các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Qua thanh tra, cơ quan chức năng đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, điều hành và ban hành chính sách, pháp luật. Phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật, việc chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra có nhiều tiến bộ. Kết quả công tác thanh tra tiếp tục góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, pháp luật về phòng chống tham nhũng đã quy định khá đầy đủ về xử lý người có hành vi tham nhũng, tùy từng mức độ có thể bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự.
Điều 92 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 nêu rõ: “Người có hành vi tham nhũng giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác. Người có hành vi tham nhũng theo điều 2 của Luật này tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Trường hợp có có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan tổ chức, đơn vị thì bị xem xét tăng nặng hình thức kỷ luật…”
Đối với hành vi tham nhũng, Bộ luật Hình sự cũng có những quy định về các tội phạm tham nhũng (từ điều 353 đến 359). Việc xử lý các hành vi này theo quy định hiện hành là rất nghiêm khắc, một số hành vi vi phạm được quy định trong Bộ luật hình sự, người vi phạm có thể bị tù chung thân hoặc tử hình…
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng

Nguồn: VTV1


Hải Ninh