Chiến tranh dai dẳng khiến nhiều gia đình ly tán không phải là chuyện lạ ở Việt Nam. Tuy nhiên, câu chuyện một gia đình gặp lại nhau sau 70 năm xa cách diễn ra ở Bắc Ninh khiến ai cũng phải lạ lùng. Lạ hơn nữa khi họ nhận ra nhau nhờ những đặc điểm riêng biệt mà chỉ người trong gia đình mình mới có.
Ước nguyện của bố và hành trình 70 năm tìm kiếm
Trong căn nhà nhỏ ở thôn Lựa (Việt Hùng, Quế Võ, Bắc Ninh), ông Nguyễn Quang Nhường tâm sự: “Vậy là ước nguyện cả đời của bố con tôi cũng đã thành sự thật. Bao nhiêu năm tìm kiếm vất vả, ông trời đã rủ lòng thương cả gia đình tôi…”.
Câu chuyện xảy ra đã 3 năm nhưng ông Nhường cùng mọi người vẫn nhớ rõ từng chi tiết. Bố ông Nhường là ông Nguyễn Quang Ban, đã mất năm 2013. Từ hồi còn bé, ông Nhường cứ thấy lâu lâu bố mình lại đứng thắp hương rồi tần ngần trước bàn thờ tổ tiên, rồi lại quẩy tay nải đạp xe đi đâu không rõ, dăm ba ngày mới trở về nhà.
Về sau khôn lớn, ông Nhường mới biết bố đi tìm 2 người em gái ruột thịt mất tích của đại gia đình.
|
Ông Nguyễn Quang Nhường. |
Chuyện là, ông Ban quê gốc ở huyện Gia Bình, Bắc Ninh. Khoảng những năm 1944-1945, lúc mấy anh em nhà ông Ban đang ngồi chơi đầu làng, bố mẹ làm đồng thì giặc tràn qua, cả làng tán loạn mỗi người một ngả.
Ông Ban lưu lạc tận huyện Quế Võ rồi may mắn được một gia đình tốt bụng ở đó đem về nuôi dưỡng khi đã kiệt sức nằm bên vệ đường. Ông trở thành con nuôi của gia đình đó.
“Cùng với bố tôi còn có 2 bà cô bị lạc trong trận càn của giặc. Phải đến khi bố lớn lên và lập gia đình rồi sinh sống luôn ở xã Việt Hùng, ông bà nội cùng mấy anh em mới tìm lại được, mọi người ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Niềm vui, niềm hạnh phúc ngày sum họp khiến cho ông bà nội càng quyết tâm đi tìm kiếm 2 cô con gái cuối cùng còn thất lạc.
Ông bà nội tôi rồi cũng già yếu, bố nhận trách nhiệm tìm em, nhưng tìm mãi cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn không được thỏa nguyện”, ông Nhường kể lại.
Theo lời ông Nhường, cụ Ban từng đi khắp các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, có khi lên tận Hà Nội hay xuống Hải Phòng để dò hỏi tung tích 2 cô em gái nhưng vẫn bặt vô âm tín. Thương bố, mấy anh em ông Nhường cũng nhiều lần bỏ dở công việc, tay balô, giày bata, rong ruổi xe máy đi tìm hai người cô.
|
Di ảnh cụ Nguyễn Quang Ban. |
Cụ Ban ngày càng buồn tủi, ngày càng héo mòn. Đầu năm 2013, cụ Ban mất. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, cụ di nguyện cho ông Nhường cùng các con tiếp tục tìm kiếm. Chỉ có một đặc điểm duy nhất trong việc nhận dạng là một trong 2 người em của cụ Ban có ngón chân thứ 2 bị quặp lên ngón chân cả, nhìn rất lạ lùng. Trong dòng họ của ông Nhường, vẫn có một số người mang đặc điểm như vậy.
Đám tang bố xong thì ông Nhường bị một tai nạn thừa sống thiếu chết. Trong lần đi xây nhà xã cạnh, bức tường cũ đổ ập khiến ông bất tỉnh và liệt mấy tháng trời, tưởng không qua khỏi. Ông Nhường cố gắng luyện tập hồi phục cơ thể. Đến lúc đi lại được, dù gia đình khánh kiệt, ông Nhường vẫn gom góp những đồng bạc lẻ cuối cùng lên đường thực hiện ước nguyện cuối cùng của cha để lại.
Cuộc gặp gỡ kỳ lạ bên sông Lục Nam
“Tính ra, trong 1 năm, tôi và những người trong gia đình đã thực hiện hàng chục chuyến tìm kiếm, rồi nhờ vả dân chúng ở những nơi đã đi qua, cứ chỗ nào có thông tin mới lại sắp xếp lên đường”, ông Nhường cho hay.
Đến chừng giữa năm 2014, nhóm tìm kiếm đã quá mệt mỏi, tài sản trong nhà đội nón ra đi hết. Ông Nhường tính nghỉ ngơi một thời gian làm ăn kinh tế để lo lắng cho gia đình, rồi mới tiếp tục lên đường. Lúc đó, theo tính toán thì 2 bà cô của ông cũng đã hơn 80 tuổi, đâu biết được còn sống hay đã mất.
Trong một lần về Hải Dương làm thợ xây, thì có người mách cho ông rằng, dọc bờ sông Lục Nam ở Bắc Giang, khi xưa có rất nhiều gia đình từng bị chiến tranh loạn lạc mà ly tán hồi những năm 1945 đến định cư ở đấy, biết đâu có thể có manh mối.
Hy vọng lại lóe lên, ông Nhường trở về nhà tiếp tục lên đường. Lần tìm kiếm ấy, suốt cả tuần lễ, ông đi dọc hai bên sông Lục Nam, hỏi thăm ở những khu chợ đông người và những vùng bến bãi, nhưng hỏi ai họ cũng đều nói đã tìm được người thân ở tỉnh nọ tỉnh kia.
Chán nản, mệt mỏi, ông Nhường cùng người chú rẽ vào một quán nước ven đường giải khát trước khi tìm về nhà. Bất ngờ, bà chủ quán kể lại trong làng mình có một người già tên Là, khoảng 80 tuổi, bị lạc anh em, gia đình, được người nơi đây nhận nuôi từ bé nhưng chưa từng có ai đến nhận.
Hai chú cháu quyết định tìm vào thì sửng sốt thấy bà cụ đó từ dáng đi đến cử chỉ giống cụ Ban một cách kỳ lạ. Khi ấy, ông Nhường xúc động cứ run cầm cập, mãi mới giữ được bình tình và hỏi chuyện thì cụ Là cũng tâm sự thật về hoàn cảnh của mình là bị lạc, tuy nhiên lạc ở đâu và vì sao lạc thì không nhớ rõ, vì lúc ấy còn bé quá. Chỉ biết khi lớn lên thì đang sống cùng bố mẹ nuôi ở bờ sông Lục Nam.
Ông Nhường có nói qua về đặc điểm trong dòng họ là một số người có ngón chân thứ 2 quặp gần hết lên ngón cái. Nghe vậy, mọi người trong gia đình cụ Là cởi tất của cụ ra thì quả y như lời ông nói. Ông Nhường sung sướng gọi điện báo tin cho tất cả người thân rằng đã tìm được người cô thất lạc.
“Tôi xin gia đình bên ấy đưa cụ Là về bên Gia Bình. Đến đầu làng cụ nhận ra cây đa, lạch nước trước cổng làng, thậm chí còn nhớ như in, nhà ông bà nội tôi ở đối diện với nhà một ông thầy đồ dạy học của xóm. Mặt khác, dân làng ai cũng ngạc nhiên khi cụ có khuôn mặt giống em gái tôi một cách kỳ lạ”, ông Nhường cho hay.
Cẩn thận hơn, ông Nhường còn xin mẫu máu của bà cụ đem đi xét nghiệm thì mẫu máu của cụ trùng hợp với mẫu máu của nhiều anh em trong họ hàng. Ông Nhường cũng đưa cụ Là lên Quế Võ thắp hương cho cụ Ban, 2 gia đình đã nhận nhau là anh em thân thiết.
Cuộc gặp đầy xúc động ở quê hương Gia Bình đó, họ hàng, bạn bè gần xa đều đến chia vui, không ai cầm được nước mắt. Chiến tranh loạn lạc, 70 năm sau di nguyện của cụ Ban mới trở thành hiện thực, đúng là có phép lạ. Có lẽ ông trời vẫn thương bà cụ, thương gia đình ông, để cụ sống khoẻ mạnh đến bây giờ và để gia đình đón được cụ về đoàn tụ.
“Giờ còn một bà cô nữa, không biết còn sống hay đã mất, nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục lên đường tìm kiếm, ít ra nếu bà cô thứ 2 đã mất thì vẫn còn những anh em tôi ở đó. Tôi biết ông trời vẫn còn phù hộ, và cứ có niềm tin thì sẽ có phép lạ xảy ra, nhà báo ạ”, ông Nhường tâm sự.
Theo Hải Minh/VTC News