Hơn một năm trước, tháng 3/2015, Châu Thanh Vũ, chàng sinh viên Khoa Kinh tế, ĐH Princeton (Mỹ), đã vượt qua hàng trăm bạn đồng môn để trở thành một trong vài người nhận học bổng tiến sĩ kinh tế toàn phần của ĐH Harvard.
Học bổng mà Thanh Vũ nhận được khoảng 80.000 USD/năm trong 5 năm, gồm học phí, tiền ăn ở và một số khoản khác. Trước khi chọn Harvard để theo học, Thanh Vũ còn được mời làm nghiên cứu sinh môn kinh tế ở 7 trường ĐH danh tiếng của Mỹ: Princeton, Stanford, Chicago, Yale, Columbia, Minnesota, Học viện Công nghệ Massachusetts.
Thanh Vũ sinh ra và lớn lên trong gia đình công chức ở TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp THCS, Thanh Vũ một mình vào TP.HCM để theo học lớp chuyên tin học tại trường Phổ thông Năng khiếu.
|
Châu Thanh Vũ thư giãn sau thời gian nghiên cứu, học tập. Ảnh: NVCC. |
Nhớ về khoảng thời gian này, Thanh Vũ bảo ban đầu cũng có chút mặc cảm vì là học sinh tỉnh lẻ nhưng ước mơ trở thành kỹ sư phần mềm giỏi là động lực để anh vững bước.
Sự cố gắng vượt bậc trong học tập của Thanh Vũ bắt đầu đơm hoa kết trái khi lớp 11 (năm 2009), anh được tổ chức United World College (UWC - Trường Liên kết Thế Giới) tại Việt Nam trao học bổng toàn phần để theo học 2 năm cuối bậc THPT ở Mỹ. Hai năm theo học ở UWC đã làm thay đổi nhận thức của Thanh Vũ. Từ chỗ mê tin học, anh quyết định bước sang lĩnh vực kinh tế.
“Trở thành nhà kinh tế có thể làm thay đổi cuộc sống của nhiều người”, Vũ lý giải. Ông Châu Thanh Vĩnh, cha Thanh Vũ, cho rằng chọn nghề là quyết định của con cái. Vì thế, những góp ý của gia đình chỉ mang tính định hướng cho Thanh Vũ.
Tự tin với suy nghĩ của mình, sau khi hoàn thành chương trình phổ thông vào năm 2011, Thanh Vũ quyết định chọn học ngành kinh tế ở ĐH Princeton. Trong khi đó, cùng lúc có thêm 8 trường ĐH danh giá ở Mỹ, Đức, Canada đồng ý cấp học bổng cho anh.
Ở nơi đất khách quê người bộn bề khó khăn, Thanh Vũ bắt đầu “săn” học bổng tiến sĩ từ năm thứ 2 ĐH Princeton để theo đuổi ước mơ trở thành nhà kinh tế học.
Tháng 12/2014, anh nộp đơn xin học bổng tiến sĩ ở ĐH Harvard. Để vào được Harvard, ứng viên phải đáp ứng nhiều tiêu chí cực khó: Có 3 giáo sư giới thiệu, kết quả học tập xuất sắc ở trường ĐH... Vì vậy, mỗi năm, trường này chỉ tiếp nhận 30 - 35 nghiên cứu sinh. Rất vinh dự, Thanh Vũ là một trong 33 nghiên cứu sinh được Harvard xét chọn.
Thanh Vũ nhớ khi nhận được điện thoại từ ĐH Harvard, lòng anh như vỡ òa. “Chào, tôi là GS Helpman của ĐH Harvard. Tôi gọi điện để báo rằng em đã được nhận vào làm nghiên cứu sinh cho chương trình tiến sĩ 5 năm, bộ môn kinh tế của trường...”. Sau vài phút điện đàm với vị giáo sư, Thanh Vũ gọi ngay về nhà để báo tin vui cho cha mẹ.
Tiết lộ về kế hoạch tương lai, Vũ cho biết sau khi lấy bằng tiến sĩ, anh sẽ cùng lúc tham gia giảng dạy và làm chuyên gia tư vấn chính sách cho một tổ chức công chuyên ngành tài chính một thời gian rồi trở về phục vụ đất nước.
“Mục tiêu của tôi khi theo học môn kinh tế là để chung tay đưa đất nước mình đi lên”, Vũ trải lòng.
Mới đây, ngày 6/11/2016, cùng lúc 3 tổ chức kỷ lục thế giới có trụ sở tại Mỹ, Ấn Độ và Hong Kong (Trung Quốc) là Quỹ Nghiên cứu Hỗ trợ Kỷ lục Thế giới, Sách Kỷ lục Thế giới High Range và Sách Kỷ lục Incredible đã công nhận Dương Anh Vũ lập 4 kỷ lục về trí nhớ học thuật. Khối lượng dữ liệu được Anh Vũ xác lập kỷ lục gồm hàng chục ngàn con số về kinh tế, tác phẩm văn học, mốc sự kiện, định danh các nước trên thế giới...
|
Dương Anh Vũ. Ảnh: Người Lao Động. |
Trước khi đạt danh hiệu nêu trên, năm 2015, Anh Vũ đã khiến nhiều giáo sư, sinh viên của ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) hết sức kinh ngạc. Chỉ trong vòng 2 giờ, anh đã viết chính xác đến 108 cột dữ liệu khác nhau về văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội của 206 quốc gia trên thế giới, với 22.248 mục dữ liệu như diện tích, dân số, thủ đô, GDP, tiền tệ, hệ thống chính trị...
Đến giờ thì rõ ràng không ai còn nghi ngờ gì về trí nhớ siêu phàm của Anh Vũ. Thế nhưng, điều thú vị, như tâm sự của chàng thanh niên 28 tuổi này, thời học phổ thông, anh từng bị lưu ban, thi lại, thậm chí không vào nổi trường bán công, phải theo học ở trung tâm giáo dục thường xuyên.
“Tôi vẫn nhớ rất rõ gương mặt của cha ngày ấy. Ông ngồi đối diện, nhìn tôi hồi lâu rồi ôn tồn bảo: 'Người ta học 9 năm đã xong THCS, con thì 10 năm rồi nhưng ngày càng tệ. Thôi, con nên học nghề'.
Tự nhiên, tôi òa khóc vì hiểu được tình thương của cha. Tôi không muốn nghỉ học nên đã cầu xin cha được tiếp tục đến trường, dù đó là hệ giáo dục thường xuyên. Lúc đó, tôi chỉ sợ mang tiếng là kẻ thất học. Mình nhục, cha mẹ cũng nhục...”, Anh Vũ tâm sự về quyết định của anh sau kỳ thi bậc THCS.
Từ đó, mỗi tối, Anh Vũ cần mẫn đạp xe hơn 10 km từ nhà ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước xuống TP Phan Rang - Tháp Chàm để theo học bổ túc. Suốt 3 năm bổ túc trung học, hàng ngày, Anh Vũ đều dành vài giờ tìm hiểu phương pháp rèn luyện trí nhớ của Tony Buzan mà tình cờ anh đọc được ở thư viện. Anh Vũ nhớ lại: “Thậm chí, tôi còn dành thời gian trống, xin vào học với các em lớp 8, 9 để bù lại kiến thức đã 'gãy'”.
Kết quả học tập 2 năm lớp 11, 12 của Anh Vũ được xếp loại khá. Điều này như một “phép mầu” không chỉ đối với bản thân anh mà còn vượt sức tưởng tượng của gia đình.
Sau đó, Anh Vũ thi vào ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM. Khi đang học trường này, anh còn theo học ngành Kinh doanh tại ĐH RMIT. Tốt nghiệp, anh được nhận học bổng sau ĐH của Auckland University, New Zealand.
Thầy Nguyễn Đức Thạch - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn ở Ninh Thuận, người từng phụ đạo môn văn lớp 12 cho Anh Vũ - bày tỏ: “Nói không quá, đây có thể gọi là 'hiện tượng' Anh Vũ”.
Theo thầy Thạch, ông liên tiếp bất ngờ khi nghe tin Anh Vũ thi đậu vào ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM rồi giờ theo học tiến sĩ, lại được nhiều tổ chức kỷ lục thế giới vinh danh. “Đúng là... phép mầu!”, ông thốt lên.
Theo Lê Trường / Người Lao Động