Trong quá trình tìm hiểu vụ việc “biệt phủ” sông Kinh Thầy thách thức dư luận suốt nhiều năm qua, PV Kiến Thức được Phó Chủ tịch UBND xã Hoành Sơn (huyện Kinh Môn, Hải Dương) thông tin, trong nhà xưởng sản xuất hương của Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Sơn Nga thuê lại trên diện tích đất của bà Quách Thị Đượng hiện có một số phạm nhân thuộc trại giam Hoàng Tiến ở và làm việc thuê tại đây.
Để làm rõ việc này, PV đã có buổi làm việc với đại tá Nguyễn Hữu Ấm - Giám thị Trại giam Hoàng Tiến và được xác nhận rằng đúng là hiện có “hơn trăm phạm nhân thuộc Trại giam Hoàng Tiến đang ở và làm thuê tại cơ sở sản xuất hương”.
|
Một phần khuôn viên "biệt phủ" nằm trên hành lang thoát lũ sông Kinh Thầy. |
“Việc đưa các phạm nhân đang thụ án tại Trại giam Hoàng Tiến xuống làm việc tại cơ sở sản xuất hương đã được Tổng cục VIII (Bộ Công an) cho phép. Chúng tôi cũng đã có hợp đồng với Công ty TNHH Phương Thúy để đưa phạm nhân xuống làm việc tại cơ sở sản xuất hương này”, đại tá Nguyễn Hữu Ấm nói.
Theo những văn bản và tài liệu PV được Giám thị trại giam Hoàng Tiến cho tiếp cận thể hiện, ngày 16/5/2015, Trưởng khu sản xuất tại Kinh Môn thuộc Trại giam Hoàng Tiến đã có giấy đề xuất. Ngày 25/12/2015, Trại giam Hoàng Tiến có công văn đề nghị Tổng cục VIII cho tổ chức phạm nhân lao động tại điểm lẻ ngoài trại giam và ngày 4/1/2016, Tổng cục VIII có Quyết định số 04/C81-C85 cho phép trại giam Hoàng Tiến tổ chức giam giữ, quản lý lao động, dạy nghề cho phạm nhân tại cơ sở Phương Thúy (theo lời đại tá Ấm thì công ty Phương Thúy với Công ty Sơn Nga là hai công ty nhưng như là một – PV).
Cũng theo ông Ấm, tại huyện Kinh Môn (tỉnh Hải Dương), trại giam Hoàng Tiến có một cơ sở sản xuất, thời điểm đông nhất là 500 phạm nhân, hiện giờ còn hơn 200 phạm nhân.
“Trước đây, chúng tôi cho phạm nhân đi làm thuê tại toàn bộ các khu lò vôi, than dọc bến sông đó. Tuy nhiên, đến năm 2010, 2011 nhận thấy công việc đó nguy hiểm, vất vả nên chúng tôi không cho đi làm than, làm vôi thuê nữa mà cho các phạm nhân làm trong nhà xưởng. Do vậy, chúng tôi vận động các công ty, cơ sở sản xuất ai có hàng thì mang đến cho phạm nhân làm thuê hoặc ai có nhà xưởng thì chúng tôi đưa phạm nhân đi làm thuê”, đại tá Ấm cho hay.
|
Khu vực nhà xưởng nằm trong khuôn viên |
Đại tá Nguyễn Hữu Ấm cũng thông tin, đơn vị hiện có hơn 100 hợp đồng với các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Trong đó có hợp đồng đưa phạm nhân đến làm tại cơ sở sản xuất hương, vàng mã tại cơ sở tại thôn Cậy Sơn (xã Hoành Sơn, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) - nơi tồn tại "biệt phủ" trên hành lang thoát lũ sông Kinh Thầy.
“Khi đưa phạm nhân đi làm thuê chúng tôi có báo cáo lên lãnh đạo Tổng cục VIII và được lãnh đạo Tổng cục cho phép bằng văn bản. Sau khi công ty có hợp đồng với trại giam phạm nhân sang làm tại cơ sở theo sản phẩm nên chúng tôi báo cáo Tổng cục VIII và được sự đồng ý”, đại tá Ấm nói.
Đại tá Nguyễn Hữu Ấm cũng cho biết, mới đầu, phạm nhân được đưa đi đưa về nhưng như thế rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông nên trại giam đã xin Tổng cục cho phép phạm nhân ở tại cơ sở.
“Phạm nhân đưa xuống cơ sở là chúng tôi chọn nhưng phạm nhân còn ít năm, tội nhẹ. Khi đưa phạm nhân xuống cơ sở làm có đủ bộ máy, lãnh đạo, quản giáo, thăm gặp đầy đủ”, đại tá Ấm cho biết.
Đại tá Nguyễn Hữu Ấm cũng thông tin, hiện Tổng cục VIII khoán cho trại giam Hoàng Tiến như năm 2018 phải nộp hơn 9 tỷ đồng.
“Ngày công của người dân bình thường được 100 nghìn chẳng hạn thì công của phạm nhân chỉ được 30 đến 40 nghìn đồng/ngày thôi. Khi các công ty ký hợp đồng, phạm nhân được bao nhiêu ngày công rồi nộp lại cho trại, trại lại nộp về cho Tổng cục. Chế độ làm việc theo quy định của nhà nước, nộp sản phẩm về đơn vị theo quy định của Tổng cục. Nếu chúng tôi không hoàn thành là không được thi đua nên dù cao vẫn phải phấn đấu. Bởi vậy, chúng tôi có phương châm, bất biết ai thuê, mang hàng đến là chúng tôi làm hết, nếu đưa phạm nhân ra ngoài làm thì phải xin ý kiến Tổng cục”, đại tá Nguyễn Hữu Ấm cho biết.
“Hiện nay đang theo chế độ “nhà tù mở” có nghĩa những phạm nhân án ngắn thì cho ra ngoài làm thì mở để họ nhận thức xã hội”, đại tá Ấm cho biết thêm.
Khi trả lời PV về việc, quá trình lao động ở cơ sở, không may phạm nhân bị tai nạn lao động thì sẽ giải quyết thế nào?, đại tá Nguyễn Hữu Ấm cho hay: “Các phạm nhân không có bảo hiểm lao động, bảo hiểm xã hội nếu xảy ra trường hợp phạm nhân bị tai nạn lao động thì phạm nhân sẽ được chi trả áng chừng theo ngày công của phạm nhân. Từ ngày thực hiện đưa phạm nhân xuống cơ sở chưa xảy ra vụ tai nạn lao động nào”.
Theo Hạt quản lý đê huyện Kinh Môn, cho tới nay chủ hộ Quách Thị Đượng vẫn không chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng về việc giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên hành lang thoát lũ sông Kinh Thầy.
Hiện tại, ngoài diện tích bà Quách Thị Đượng cho Công ty Cổ phần Sản xuất – Thương mại Sơn Nga thuê để hoạt động sản xuất kinh doanh than, xít đã dừng hoạt động. Tuy nhiên, trên bến bãi vẫn tồn tại máy móc, nhà xưởng phục vụ sản xuất và đang hoạt động sản xuất hương, vàng mã. Phần diện tích còn lại được bà Quách Thị Đượng xây dựng nhà và các công trình khác, trồng cây cối hoa màu.
Nhóm Phóng viên