Làm ăn thua lỗ, vợ chồng dắt nhau vào tù
Không có dáng vẻ mặc cảm, tự ti, Trần Văn Hùng, SN1977, trú tại xã Minh Châu, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên khá thoải mái, khi kể chuyện về mình. Với anh ta, chuyện làm ăn buôn bán không thể đoán trước được điều gì, có cả may mắn và rủi ro nên chẳng may dính “dây đen thì phải chấp nhận”. Mất nhà, mất tiền với Hùng là do mình tính toán sai, song điều khiến anh ta day dứt suốt 6 năm qua ấy là để 3 đứa con chịu thiệt thòi vì xa bố, xa mẹ.
Ngày vợ chồng đi tù, đứa con lớn mới học lớp 1, đứa bé còn chưa nói sõi, đến nay cô con gái lớn đã học lớp 6, đã hiểu thế nào là đi tù, là phá sản, nhưng rất chăm viết thư cho bố. Hùng bảo chính vì con không hờn dỗi, không kể về việc bị bạn bè xa lánh, ghét bỏ, thư nào cũng hỏi thăm bố có khỏe không, ăn uống có được không và chỉ lo trời rét căn bệnh xoang mũi của bố lại tái phát… càng khiến Hùng thấy thương con vô hạn.
Là người đàn ông từng trải, Hùng thừa hiểu cảnh sống của các con ở nhà rất thiếu thốn vì phải nương tựa vào ông bà ngoại, trong khi họ đều già cả và không có thu nhập, vậy mà mấy đứa con của Hùng không một lần kêu ca, phàn nàn, thư nào chúng cũng kêu nhớ bố, nhớ mẹ, mong bố mẹ sớm về và kể rất ít về cuộc sống ở nhà. Mỗi lần nhận được thư con, Hùng vui lắm dù biết sẽ có đến vài ngày mất ăn, mất ngủ vì nghĩ ngợi.
Trước khi trở thành phạm nhân vì 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản, Hùng được người dân huyện Yên Mỹ biết đến như một doanh nghiệp trẻ, thành đạt với một xưởng đúc đồng có quy mô ở ngay tại quê nhà.
Trước khi đến với nghề đúc đồng, kinh doanh các mặt hàng về đồng, vợ chồng Hùng nối nghiệp gia đình, buôn bán đồ thủ công mỹ nghệ, chủ yếu là những mặt hàng đồ gỗ cao cấp. Do khéo léo và biết tính toán nên việc làm ăn của Hùng phất lên như diều mà kết quả là chưa đầy 30 tuổi nhưng vợ chồng Hùng đã có trong tay một số tài sản khá lớn bao gồm ngôi nhà 3 tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi và mấy mảnh đất mặt đường.
Nếu cứ bám theo nghề cha truyền con nối, có lẽ cuộc đời Hùng không có bước ngoặt của ngày hôm nay, ôm mộng làm giàu để rồi thành tù tội. Hùng bảo ngẫm lại thấy mình dại nhiều hơn, cả hai vợ chồng cùng vào tù thì tiền hàng, đồng nợ, đồng chịu coi như mất hết mà cái tiếng lừa đảo thì mãi không sao gột rửa được.
Hỏi Hùng lừa nhiều tiền không, anh ta cười: “5 tỷ đồng nhưng em trả hết rồi, chỉ còn hơn 900 triệu đồng thôi. Tiền nợ người thì ai cũng nhìn thấy còn tiền khách nợ mình thì coi như mất hết, đi tù rồi thì làm sao mà đòi được”.
Đầu năm 2007, sau khi đi một số nơi khảo sát thị trường về mặt hàng nhôm đồng, Hùng bàn với vợ mở xưởng đúc đồng. Lấn sân sang lĩnh vực vừa mới vừa cần vốn lớn, vợ chồng Hùng phải đi vay và đương nhiên để mượn được một khoản tiền lớn thì Hùng phải đem tài sản cố định ra thế chấp.
Ba mảnh đất và một ngôi nhà cùng với nhà xưởng được Hùng tín chấp cho những người thân quen trong xã để vay tiền tỷ, đầu tư vào mặt hàng nhôm đồng nhưng càng làm càng thâm thụt. Theo lời Hùng thì một phần vì chưa quen, chưa có kinh nghiệm nên nguyên liệu mua về chất lượng không cao nên giá thành mỗi sản phẩm làm ra cao hơn so với nhiều nơi khác đã thế để cạnh tranh thị trường, Hùng chỉ lấy trước được một phần tiền vốn, còn lại là phải cho các đại lý chịu tiền hàng,…
Cứ đồng nợ, đồng chịu gối nhau trong khi vốn thì hạn chế nên vợ chồng Hùng phải vay mượn khắp nơi, cốt làm sao để xưởng đúc đồng của mình duy trì hoạt động. Tuy nhiên, vì thấy vay tín dụng “đen” vừa phải trả lãi xuất cao, vừa có nguy cơ mất tài sản thế chấp nên Hùng nghĩ tới chuyện vay vốn ngân hàng hòng giảm chi phí lãi xuất. Vậy là những mảnh đất đã thế chấp cho người quen được Hùng khéo léo rút giấy tờ đưa vào ngân hàng thế chấp để vay vốn.
Đáng ra số tiền vay được từ ngân hàng, Hùng phải dùng một phần để thanh toán với các chủ nợ nhưng anh ta đã không làm thế. Hùng bảo cũng định trả hết nợ nần nhưng vì muốn mượn vốn của họ thêm một thời gian nữa rồi mới trả thành ra mắc tội lừa đảo.
“Tổng số tiền mà em vay mượn của mọi người là 5 tỷ đồng, trước khi bị bắt em cũng thanh toán cho mọi người hết rồi, còn nợ có 900 triệu đồng thôi cứ nghĩ là rồi sẽ trả, ai ngờ…”, Hùng kể sau một tiếng thở dài. Anh ta bảo nếu khôn ra, ngày đó sau khi thanh toán hết nợ nần, còn khoản tiền vài trăm triệu trên, anh ta viết giấy vay mượn thì đâu đến nỗi như ngày hôm nay. Tiếc là lúc đó vì cuống vì xót của, Hùng đã không nghĩ được, đến khi vào tù, được các bạn tư vấn, anh ta mới vỡ lẽ.
|
Phạm nhân Trần Văn Hùng chia sẻ trong trại giam. |
Chỉ mong vợ đừng nóng vội
Hùng bị kết án 15 năm tù còn vợ anh ta với tội danh lừa đảo bị kết án 5 năm tù. Ngày Hùng về trại giam Nam Hà cải tạo, đứa con gái út mới 2 tuổi nên vợ anh ta được hoãn thi hành án, chờ đứa trẻ tròn 36 tháng tuổi. Hùng bảo thời điểm đó, cả hai vợ chồng đều sốc và tiếc của nên cả hai gầy rộc đi. Mỗi lần vợ lên thăm, thấy vợ hốc hác, đen nhẻm, Hùng thương lắm nhưng cứ nghĩ đến ngày vợ cũng phải vào tù mà cổ họng nghẹn đắng.
Hùng bảo lỗi là tại mình, tại mình làm ăn không tính toán cẩn thận để vợ con liên lụy chứ vợ anh ta chỉ là phụ nữ quê mùa, từ ngày rút chân ra khỏi ruộng đồng về làm dâu nhà Hùng, chỉ biết đẻ và nội trợ thôi chứ nào biết gì về chuyện tiền nong, thế chấp.
“Cô ấy thật thà lắm, tôi sai gì làm nấy, kể cả tôi bảo cô ấy cãi chằng cãi cối chuyện vay mượn, cô ấy cũng làm theo, nào có biết thế nào là lừa đảo đâu”, Hùng kể. Khi Hùng cải tạo được 2 năm thì nhận được tin vợ về trại giam Xuân Nguyên thi hành án.
Biết vợ yếu đuối nên tháng nào Hùng cũng biên thư cho vợ. Những lời lẽ động viên của Hùng đã giúp người vợ nhút nhát của anh ta vượt qua được những mặc cảm, tự ti, yên tâm hơn cải tạo. Không chỉ viết thư động viên vợ, Hùng còn rất chăm thư từ về cho bố mẹ vợ, nhờ ông bà ngoại chăm sóc con cái thay mình.
Theo lời Hùng kể thì từ ngày vợ theo mình vào tù, ông bà ngoại đã về ngôi nhà 3 tầng của vợ chồng anh ta, mở hàng ăn để có thêm thu nhập. Hỏi Hùng sao vẫn còn nhà để ở trong khi số tiền nợ vẫn chưa trả hết, anh ta cười ranh mãnh: “Nhà đó em sang tên cho bố mẹ vợ sở hữu để vay vốn ngân hàng, cũng may là còn căn nhà thì sau này về còn có cơ hội để làm ăn mà trả nợ”. Vừa qua, vợ Hùng được về nhà trước thời hạn. Nhận được thư vợ thông báo, Hùng mừng lắm nhưng trong lòng không hết băn khoăn bởi “tính nhà em hay nôn nóng, sợ cô ấy về nhà nghĩ quẩn rồi lại vướng vào tù tội”.
Thế nên đáng lý ra người bên ngoài phải chăm thư từ, động viên người đi cải tạo thì với Hùng là ngược lại. Từ ngày vợ về nhà, Hùng chăm viết thư nhiều hơn, lá thư nào cũng dài, tràn đầy động viên và an ủi.
Tính ra đến nay vợ Hùng đã về nhà được một thời gian nhưng thư Hùng viết cho vợ mỗi lần kín mấy trang giấy. Đấy là chưa kể đã 2 lần vợ anh ta lên trại thăm chồng mà lần nào gặp, Hùng cũng vỗ về vợ cứ nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, chịu khó chăm con cái, đợi chồng về rồi bán tính chuyện làm ăn.
“Lần nào nói vợ em cũng gật gật đầu nhưng thâm tâm em vẫn lo lắm. Em hiểu tính vợ em, hiền lành thế thôi nhưng cũng liều lĩnh lắm mà thời buổi này liều mà không am hiểu pháp luật thì rồi lại khổ”, Hùng tâm sự.
Nhanh nhẹn và gọn gàng nên từ ngày về trại giam Nam Hà cải tạo, Hùng được điều về lao động ở tổ văn hóa, phân trại 1. Công việc của anh ta là ghi chép quà của người nhà phạm nhân gửi tới, vào sổ sách thư từ và giúp việc cho cán bộ trong việc kiểm tra và trả quà cho phạm nhân.
Thời gian đầu mới về, Hùng làm việc ở đội bếp, gần 1 năm sau thì chuyển sang đội làm mi giả và giờ là về tổ văn hóa, lao động. Những lúc rảnh rỗi, Hùng lại tranh thủ mượn sách thư viện về đọc để mở mang kiến thức. Sách mà Hùng hay đọc nhất là những cuốn sách nói về kinh doanh, thương trường mà theo như lời anh ta tâm sự thì ban đầu có thể không hiểu lắm nhưng đọc mãi rồi cũng vỡ vạc, hiểu ra.
“Em bảo vợ em trước mắt cứ phụ giúp bố mẹ bán hàng ăn, đợi khi nào em về rồi tính tiếp. Sau này ra trại, chắc chắn em vẫn theo nghề kinh doanh đồ mỹ nghệ của bố mẹ. Em nghĩ kỹ rồi, phải quay lại nghề cũ thì mới có cơ hội đòi tiền khách hàng đang nợ mình.
Vay được tiền thiên hạ thì tài sản thế chấp của mình bao giờ cũng lớn hơn nhưng khi mang tiếng là lừa đảo, là thằng tù thì kiểu gì tiếng nói cũng bị lép vế. Biết là thiệt nhưng chẳng còn cách nào khác để vớt vát nếu như không quay lại nghề cũ”, Hùng trầm ngâm. Ánh mắt Hùng chỉ sáng lên khi anh ta kể về con cái mà theo lời Hùng là cả ba đều rất ngoan và học giỏi.
“Em đi tù thế này, các con em thiệt thòi nhiều lắm. Cũng may là chúng còn bé, mau buồn, mau quên nhưng phận làm cha, làm mẹ mà để con cái đói khổ là một cái tội rất lớn, khó tha thứ”, Hùng khẽ thở dài. Cải tạo gần 7 năm, Hùng đã một lần được giảm án nên anh ta đang quyết tâm cải tạo thật tốt để có được một lần gặp riêng vợ. “Lúc đó em sẽ cố gắng làm cho cô ấy vui và hy vọng để chăm con, chờ chồng”, Hùng kết thúc câu chuyện về lần vấp ngã của mình như thế.
Theo Nguyễn Vũ/PL&XH