Sau khi Báo Lao Động có loạt bài về “Nhà máy xử lý chất thải nguy hại nằm trên đầu nguồn nước sinh hoạt”, ngày 17/7, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng đoàn Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Sở TNMT tỉnh Đồng Nai tiến hành làm việc và khảo sát Khu xử lý chất thải Thiên Phước (ấp Cẩm Sơn, xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai), làm rõ những vấn đề liên quan đến việc rò rỉ nước thải và nguy cơ ô nhiễm thượng nguồn hồ Đá Đen (thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Nhiều lo ngại
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, hồ Đá Đen đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giữ vai trò hết sức quan trọng và được Tỉnh ủy quan tâm đặc biệt, bởi đây là hồ chứa nước sinh hoạt cho toàn tỉnh, các mối nguy hại ô nhiễm môi trường đe dọa tới chất lượng nước hồ Đá Đen là đe dọa tới sinh mạng của hơn 1 triệu người dân của tỉnh. Qua báo cáo của cơ quan chức năng Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, Khu xử lý chất thải Thiên Phước là một mối nguy cơ đe dọa tới hồ Đá Đen, chính vì vậy đoàn khảo sát muốn tới xem tình hình hoạt động của khu xử lý và mức độ đe dọa như thế nào đối với hồ chứa nước sinh hoạt của tỉnh.
Ông Lê Ngọc Linh - Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - đặt câu hỏi lo ngại về việc cống lắp đặt từ trong khu xử lý chất thải ra phía suối Chà Răng, thì chủ đầu tư cho biết đây là cống thoát nước mưa nhưng hiện tại không còn công dụng nên đã bịt cống. Trong khi đó, đại diện Phòng TNMT huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phản ánh suối Chà Răng là đầu nguồn của hồ Đá Đen, việc chôn lấp rác ở mức 15% thì trong nhiều năm cũng là rất nhiều và rõ ràng là tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm với nguồn nước sinh hoạt của tỉnh nên đề nghị cần có sự giám sát, quan tâm cẩn trọng.
>>>> Video: Hơn 70% khu công nghiệp có hệ thống nước thải tập trung:
Với những lo ngại trên, ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, việc chôn lấp rác giống như một quả bom nổ chậm khi xảy ra sự cố đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nên với vai trò lãnh đạo, phải ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn đối với sức khỏe người dân trong tỉnh. Việc đốt rác trước mắt sẽ phải đảm bảo hạn chế mùi cho người dân quanh vùng, còn về lâu dài việc chôn lấp sẽ có thể ảnh hưởng tới chất lượng nước ngầm, ông Lĩnh cũng mong muốn hai tỉnh cùng phối hợp không để xảy ra tình trạng nước thải rác rò rỉ ra bên ngoài, chảy về hồ Đá Đen.
Không phát triển kinh tế bất chấp môi trường
Ông Nguyễn Ngọc Bé - Giám đốc Cty TNHH thương mại Thiên Phước, chủ đầu tư dự án - cho biết, toàn bộ dự án có diện tích 20ha, do việc giao đất chậm nên một số công trình xử lý nước rỉ rác chưa hoàn thiện. Cty hoạt động từ cuối 2014 tới nay với công suất 12.700 tấn/năm, công suất xử lý nước thải 120m3/ngày và hoàn toàn được tái chế cho các hoạt động của nhà máy; hố chôn lấp rác thải sinh hoạt có diện tích khoảng 2.000m2, do hiện tại chưa có lò đốt nên rác thải được xử lý bằng chôn, hiện Cty đang phấn đấu đến tháng 9/2017 sẽ giảm việc chôn rác thải xuống còn dưới 15%.
Ông Nguyễn Ngọc Thường - Phó Giám đốc Sở TNMT Đồng Nai - cho biết, tỉnh hết sức quan tâm đến sự việc nêu trên, hiện Bộ TNMT chưa làm việc với tỉnh Đồng Nai để xem xét công trình xử lý chất thải theo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Ông Thường khẳng định không có chuyện tỉnh phát triển kinh tế bất chấp môi trường. Vừa qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã mạnh tay di dời một số cơ sở có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường cho khu vực hồ Đá Đen.