Sáng 27/7, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” làm việc với Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ.
Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, đây là 2 cơ quan có vai trò quan trọng đối với giám sát chuyên đề này.
Ông Lê Quang Huy đánh giá, hai cơ quan kiểm toán và thanh tra đã thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Đoàn giám sát cũng như các báo cáo, tài liệu gửi Đoàn giám sát đầy đủ.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy tại phiên họp. Ảnh QH
|
Đối với Thanh tra Chính phủ, ông Huy đề nghị lưu ý đánh giá việc ban hành thực hiện chính sách, pháp luật nói chung về phát triển năng lượng; cùng với đó là công tác thanh tra, kết quả thực hiện kết luận thanh tra trong lĩnh vực năng lượng, tập trung vào 2 lĩnh vực điện và xăng dầu, khí.
Điểm đáng lưu ý khác là công tác thanh tra thực hiện tại một số cơ quan trong thời gian vừa qua như Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí…; thanh tra một số dự án và công trình cụ thể trong phát triển năng lượng.
Đối với Kiểm toán Nhà nước, ông Lê Quang Huy đề nghị tập trung đánh giá việc ban hành thực thi chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng; kết quả kiểm toán, thực hiện các kiến nghị của kiểm toán đối với một số dự án phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, thủy điện nhỏ; thực hiện chính sách pháp luật (như thuế đất đai, môi trường…), chính sách giá mua bán điện, thị trường phát triển điện lực;
Cùng với đó cần đánh giá về kết quả kiểm toán các bộ ngành như Bộ Công Thương, các Tập đoàn cụ thể như Tập đoàn Điện lực, Dầu khí, Than khoáng sản, Xăng dầu… Bên cạnh đó lưu ý đến kết quả kiểm toán đối với các công trình, dự án cụ thể, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia.
Trên cơ sở đánh giá, cần làm rõ kết quả nổi bật cũng như những tồn tại, sai phạm (nếu có), đồng thời chỉ ra trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là của người đứng đầu.
Đặc biệt, theo ông Huy, cần lưu ý đến 2 nội dung mà Chủ tịch Quốc hội đề nghị quan tâm là: Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần phải hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung; và danh mục các dự án năng lượng trọng điểm chậm tiến độ, khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng xử lý.
Trước phiên họp này, Đoàn giám sát đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về những nội dung liên quan.
Theo Chủ tịch EVN Đặng Hoàng An, thời gian qua, EVN luôn đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 5 đến nửa đầu tháng 6, việc bảo đảm cung ứng điện gặp nhiều khó khăn do không bảo đảm được nguồn cung nên đã phải thực hiện điều hòa phụ tải và tiết giảm điện nhằm bảo đảm an ninh, an toàn vận hành hệ thống điện.
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại cuộc làm việc với EVN. Ảnh QH
|
Tại cuộc làm việc này, các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận sự cố gắng của EVN, đồng thời cũng chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, thậm chí sai phạm cần quan tâm giải quyết, khắc phục.
Các thành viên Đoàn giám sát cũng quan tâm đến nhiều vấn đề nóng thời gian qua, như nguyên nhân thiếu điện, cắt điện luân phiên và các dự án truyền tải chậm tiến độ. Nhiều ý kiến đề nghị EVN có những giải pháp và hướng tháo gỡ cho nguồn điện sạch, năng lượng tái tạo và tạo điều kiện cho tư nhân tham gia đầu tư truyền tải điện, vấn đề triển khai thị trường điện bán lẻ cạnh tranh…
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Trưởng Đoàn giám sát lưu ý, từ kết quả thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, và ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát cho thấy, việc thực hiện chính sách, pháp luật về điện có một số bất cập, hạn chế.
Ông Nguyễn Đức Hải đề nghị EVN và các đơn vị liên quan cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và có giải pháp khắc phục, không để tái diễn những bất cập đã được chỉ ra. Đồng thời tập trung các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện trong năm 2024 - 2025 và các năm tiếp theo; đẩy nhanh quá trình thực hiện cơ cấu lại tập đoàn.
Theo Luân Dũng/Tiền phong