Công an huyện Việt Yên (Bắc Giang) đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ xe đầu kéo làm rơi nhiều khối bê tông cỡ lớn đè chết một người đi đường.
Khoảng 17h ngày 6/12, Phạm Quang Huy (SN 1996, xã Hào Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) điều khiển xe đầu kéo BKS 29H - 481.94 kéo theo rơ-moóc BKS 29R - 082.80 lưu thông đến đường gom phía Tây, cao tốc Hà Nội – Bắc Giang thuộc địa phận thôn Đạo Ngạn 1, xã Quang Châu (huyện Việt Yên) đã làm rơi nhiều khối bê tông ép cọc cỡ lớn.
Thời điểm này, ông Vũ Đức Huy (SN 1964, phường Kim Chân, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) điều khiển xe gắn máy đã bị các khối bê tông này đè trúng, thi thể biến dạng. Sau khi gây tai nạn lái xe đầu kéo đã rời khỏi hiện trường, sau đó đã đến cơ quan công an trình diện.
|
Hiện trường vụ tai nạn. |
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa xin được gửi lời chia buồn tới gia đình nạn nhân.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Tùng cho rằng, căn cứ Điều 128 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Vô ý làm chết người là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc người phạm tội thấy trước hành vi của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra.
Theo luật sư Hoàng Tùng, lỗi vô ý chia ra làm 2 trường hợp: Lỗi vô ý do cẩu thả và vô ý do quá tự tin. Trong đó, vô ý vì cẩu thả là người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra và có thể ngăn ngừa được nhưng cuối cùng hậu quả đó vẫn xảy ra.
Luật sư Tùng cho rằng, cần điều tra làm rõ nguyên nhận vụ tai nạn trên. Nếu như việc xe đầu kéo không bảo đảm đầy đủ các điều kiện an toàn theo Thông tư 35/2013/TT-BGTVT quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ tại Điều 8 Quy định về xếp hàng vào công-ten-nơ và xếp công-ten-nơ trên xe ô tô, chủ phương tiện quy kết lỗi vô ý do quá tự tin.
Trường hợp chủ phương tiện đã tuân thủ đầy đủ các các quy định tại tại Thông tư 35/2013/TT-BGTVT sẽ là lỗi vô ý do cẩu thả.
Điều 8 Thông tư quy định quy các xếp hang hóa: Phải lựa chọn công-ten-nơ phù hợp với loại hàng hóa và đặc tính của hàng hóa để xếp hàng; Phải chèn, lót để hàng hóa trong công-ten-nơ không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển; Khối lượng sử dụng lớn nhất của công-ten-nơ và hàng hóa trong đó thực hiện theo quy định tại tiêu chuẩn ISO 668, khi vận chuyển công-ten-nơ phải sử dụng tổ hợp xe đầu kéo với sơ mi rơ moóc hoặc xe ô tô tải vận chuyển công-ten-nơ phù hợp với loại công-ten-nơ. Sử dụng các thiết bị để định vị công-ten-nơ với xe, đảm bảo công-ten-nơ không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển.
Việc xem xét lỗi sẽ là căn cứ để cho việc tăng nặng hay giảm nhẹ tội của người phạm tội, tuy nhiên theo Điều 128 Bộ luật hình sự 2015 mức hình phạt cho người phạm tội từ 1 đến 5 năm tùy vào mức độ hành vi vi phạm của tội phạm.
“Di chuyển giao thông đường bộ rất nguy hiểm, nhất là đối với các phương tiện giao thông lớn, chở hàng cồng kềnh. Các chủ phương tiện cần bảo đảm đúng quy định của pháp luật, và hơn hết đó là trách nhiệm của bản thân những người tham gia điều khiển giao thông để tránh những tình huống xấu nhất có thể xảy ra”, luật sư Hoàng Tùng nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Điểm mù xe tải - những nguy cơ tai nạn của tử thần:
Hải Ninh