Mới đây, vào khoảng 14h30 ngày 23/09/2016, một vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra trên đường Tân Mai - Hoàng Mai - Hà Nội. Một bé trai 9 tuổi khi đang đạp xe nô đùa cùng bạn bè đã không may đâm thẳng vào xe xích lô chở tôn đang đỗ bên đường. Cú va chạm khiến tấm tôn cứa vào cổ cháu bé dẫn đến tử vong do mất nhiều máu.
Dư luận chưa hết sốc vì vụ tai nạn hi hữu ấy thì hai ngày sau lại xảy ra một vụ tai nạn tương tự. Khoảng 14h ngày 25/9, bà Bùi Thị Sâm (64 tuổi) cùng hai người phụ nữ khác đứng chờ xe khách tại khu vực cầu Mai Lĩnh (quận Hà Đông, Hà Nội) thì bất ngờ bị xe cải tiến chở tre và tôn buộc sau xe máy do ông Trần Hữu Dân (35 tuổi, trú tại huyện Quốc Oai) điều khiển bị đứt dây buộc đâm vào khiến bà Sâm tử vong ngay sau đó.
Cả hai vụ tai nạn đều do phương tiện vận chuyển thô sơ gây ra. Loại phương tiện này trong những năm gần đây không hiểu sao "vuột" khỏi tầm kiểm soát của các lực lượng chức năng, trở thành mối hiểm nguy đe dọa tính mạng người dân bất cứ lúc nào khi lưu thông trên đường ở các thành phố, thị xã hiện nay.
Các phương tiện vận chuyển thô sơ không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn mà còn làm mất mĩ quan đường phố bởi sự nhếch nhác của nó và là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông.
|
Những phương tiện thô sơ, tự chế chở tôn như thế này trên phố đã cướp đi sinh mạng của nhiều người thời gian gần đây. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Để kiểm soát loại phương tiện này khi tham gia giao thông, điều 31 khoản 4 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, ghi rõ: Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, người điều khiển xe thô sơ khác, thì "hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của người điều khiển".
Tại điểm d, khoản 1 Điều 5 Nghị định 14/2003/NĐ-CP cũng đã qui định cụ thể việc xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông: Hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê hàng trên mặt đường và không gây cản trở cho việc điều khiển xe.
Thế nhưng trong thực tế hiện nay, không khó để bắt gặp cảnh các phương tiện thô sơ chở hàng cồng kềnh, ngang nhiên lưu thông trên mọi nẻo phố phường. Điều khó hiểu ở đây là tại sao các phương tiện thô sơ vi phạm những qui định của luật pháp nhưng hầu như vẫn không bị kiểm tra, xử lí. Chỉ khi tai nạn thương tâm xảy ra, các cấp, các ngành mới "giật mình" bàn cách đối phó.
Để kịp thời ngăn chặn những vụ tai nạn thương tâm do các phương tiện vận tải thô sơ gây ra, Nhà nước cần có những giải pháp triệt để. Tôi xin nêu mấy ý kiến:
Giải pháp cần làm ngay là các cấp chính quyền gấp rút thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Chấn chỉnh ngay việc quản lý các phương tiện vận tải thô sơ và các loại xe độ chế tại địa phương; Lực lượng cảnh sát giao thông phải đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải trái quy định.
Những việc này đều nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền và lực lượng chức năng. Do đó, vấn đề đặt ra ở đây là tinh thần trách nhiệm của người thi hành công vụ. Để xảy ra tình trạng bát nháo trong việc quản lí các phương tiện vận tải thô sơ phải qui trách nhiệm người đứng đầu, người được giao phụ trách địa bàn.
Song song với việc xử lí nghiêm những cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải trái quy định, các địa phương cũng cần có những giải pháp hữu hiệu khác nhằm hạn chế tai nạn do loại phương tiện này gây ra.
Để xử lí loại phương tiện này, có thể có hai giải pháp. Một là cấm vĩnh viễn các loại xe thô sơ, xe độ chế lưu thông trên đường phố, đồng thời có dự án hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đối với những người đang sử dụng loại phương tiện này. Hai là cho phép hoạt động theo giờ (từ 22h ngày hôm trước đến 4h ngày hôm sau), vi phạm sẽ bị phạt nặng hoặc tịch thu phương tiện.
Cần phải có qui hoạch hợp lí, tạo thêm không gian vui chơi an toàn cho trẻ trước sức ép gia tăng dân số ở các thành phố hiện nay.
Các bậc cha mẹ thay vì đổ lỗi cho khách quan, hãy tìm cách giữ an toàn cho mình và gia đình mình. Phải luôn quan tâm đến việc tham gia giao thông của con cái, dạy con về những quy tắc tham gia giao thông an toàn, nhắc nhở và cảnh báo về những mối nguy hiểm trên đường để con đề phòng và cảnh giác.
Nhà trường tăng cường giáo dục học sinh về an toàn giao thông, về ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ, về kĩ năng sống.
Khi chúng ta tạo được sự đồng bộ của cả xã hội thì chắc chắn sẽ không còn phải chứng kiến những tai nạn thương tâm, sẽ không còn những mối hiểm nguy rập rình con em mình.
Cộng đồng hãy chung tay vì sự bình yên của cuộc sống!
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm cá nhân của tác giả.
Nguyễn Duy Xuân