Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ án liên quan đến việc thuê sinh viên của các trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội đứng ra mở tài khoản ngân hàng rồi bán cho các đối tượng xấu sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp như đánh bạc, lừa đảo qua mạng.... Hệ luỵ từ việc mua bán này không chỉ gây ra nhiều rủi ro cho chủ tài khoản và các ngân hàng, mà đôi khi còn đẩy sinh viên vào còn đường vi phạm pháp luật.
Nhận 19 năm tù, bồi thường 4 tỷ vì làm thẻ ngân hàng bán
Ngày 2/6, TAND Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đình Vân, 25 tuổi và Nguyễn Mạnh Hiền, 24 tuổi lần lượt 10 năm và 9 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điểm a, khoản 4, điều 174, Bộ luật Hình sự. Hai bị cáo phải liên đới bồi thường gần 4 tỷ đồng cho bị hại.
Theo cáo trạng, từ tháng 5 đến tháng 9/2019, Vân dùng thông tin cá nhân của mình, đồng thời thuê Hiền và nhiều người mở tổng cộng 73 tài khoản, nhận gần 200 triệu đồng. Các tài khoản này sau đó được một nhóm lừa đảo sử dụng để nhận tiền từ bị hại. Cụ thể, tháng 8/2019, bằng thủ đoạn gọi điện thoại tự xưng là công an, cán bộ Viện kiểm sát, nhóm lừa đảo gọi điện cho một phụ nữ nói rằng, chị là nghi can trong vụ án buôn bán ma tuý sau đó đe dọa, ép gửi tiền vào các tài khoản được cung cấp.
|
Bị cáo Vân (trái) và Hiền tại phiên xét xử sáng 2/6.
|
Ngay sau khi bị hại chuyển khoản 3,8 tỷ đồng đến số tài khoản mang tên Hiền, Vân cùng Hiền được một đối tượng mua lại thẻ nhờ ra ngân hàng rút hết để chuyển vào một tài khoản khác. Vân được trả công 51,5 triệu đồng, đã chia cho Hiền 8 triệu đồng.
Hay mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 5 bị can đều có hộ khẩu thường trú tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội về tội “mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”.
Quá trình điều tra, bước đầu cơ quan công an xác định, cầm đầu ổ nhóm này đã thuê trên 30 sinh viên thuộc các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội mở trên 100 tài khoản thuộc nhiều ngân hàng khác nhau. Các tài khoản này sau đó được đối tượng mua lại, sau đó rao bán công khai trên mạng xã hội với giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/tài khoản, thu lời bất chính trên 100 triệu đồng.
Tại cơ quan công an, đối tượng Nguyễn Khánh Huyền, SN 1999, ở Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội, 1 trong 5 đối tượng trong đường dây khai nhận, khoảng cuối tháng 2 và đầu tháng 3, Huyền được người nhà là anh Nguyễn Ngọc Thanh, SN 1993, tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội, đặt vấn đề nhờ Huyền mở thẻ ngân hàng để chạy quảng cáo. Theo chia sẻ của Huyền, chi phí là 300 nghìn đồng/thẻ. Sau khi làm xong 5 thẻ, Thanh nói với Huyền có quen biết bạn bè thì giới thiệu cho Thanh để làm thẻ chạy quảng cáo. Hoa hồng chi trả cho người sau Huyền là 200.000 đ/ thẻ và Huyện được nhận hoa hồng 100.000 -200.000đ /thẻ.
Chia sẻ với phóng viên, Trung tá, Đặng Quang Bình, phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, về mặt luật pháp không cấm công dân mở nhiều tài khoản. Tuy nhiên, mở tài khoản xong lại giao cho người khác sử dụng thì đó là hành vi vi phạm pháp luật. Cùng với đó, việc mở tài khoản lại giao cho người khác sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chủ tài khoản. Bởi, các đối tượng lừa đảo, khi người ta sử dụng tài khoản của mình vi phạm pháp luật, thì bản thân chủ thẻ phải đối diện với nhiều vấn đề, hệ lụy pháp lý.
Cụ thể, về xử lý hành chính, luật sư Nguyễn Đức Hùng, PGĐ Công ty Luật TGS, đoàn Luật sư Hà Nội thông tin, theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 143/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, thì các hành vi “thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
|
Các đối tượng bị khởi tố trong đường dây làm thẻ ngân bị công an Phú Thọ bắt giữ.
|
Phạt tù 3-7 năm nếu xác định đó là hành vi vi phạm pháp luật
Nếu các hành vi vi pham nêu trên có “số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự” thì mức phạt sẽ từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Đây là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, còn mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính nêu trên sẽ bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Về chế tài hình sự, theo luật sư Hùng, đối với hành vi “thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác” với số lượng từ 20 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng trở lên, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng” (Điều 291 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017). Với tội danh này thì người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm.
Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng khẳng định, các hành vi mua bán, trao đổi trái phép tài khoản ngân hàng sẽ để lại những hệ lụy rất xấu, có thể tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, khi các đối tượng lợi dụng các tài khoản này để thực hiện việc thanh toán cho các hoạt động bất hợp pháp (đánh bạc, tổ chức đánh bạc, mua bán hàng cấm.v.v..), hoặc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nếu người cho thuê, cho mượn hoặc mua bán tài khoản ngân hàng biết rõ là các tài khoản này sẽ được sử dụng vào các mục đích trái pháp luật nêu trên mà vẫn thực hiện, giúp sức cho các hành vi phi pháp này thì sẽ bị coi là đồng phạm với các đối tượng và sẽ bị xử lý (và phải chịu các trách nhiệm pháp lý) đối với hành vi vi phạm mà các đối tượng đã thực hiện.
Vì vậy, người dân cần nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ tài khoản ngân hàng, cũng như các thông tin cá nhân của mình, không dùng các thông tin cá nhân và giấy tờ cá nhân của mình để mở hộ hoặc mua bán, cho thuê, cho mượn trái phép tài khoản ngân hàng của mình, để tránh việc tiếp tay cho các hành vi bất hợp pháp, thậm chí là tội phạm và phải chịu các chế tài nghiêm khắc của pháp luật. Do đó, theo luật sư Hùng, các cơ quan chức năng và các cơ quan truyền thông, báo chí cũng cần phải thường xuyên đưa ra các khuyến cáo, các nội dung tuyên truyền, phổ biến kiến thức, để nâng cao hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật cho người dân, giúp mọi người có thể chủ động trong việc bảo vệ tài khoản ngân hàng của mình, cũng như phòng tránh, không thực hiện các hành vi trái pháp luật.
Theo Nguyễn Hiền / VOV