Làm từ thiện mà không minh bạch… sẽ bị nghi ngờ

Google News

“Nếu các cá nhân làm tốt, nhân dân ủng hộ, không bao giờ nghi ngờ. Làm tốt phải từ tâm, làm liêm chính, đúng quy định của pháp luật. Nếu làm mà không minh bạch, không trong sáng, không công tâm hẳn sẽ bị nghi ngờ” - luật sư Khánh nói.

Tại Toạ đàm trực tuyến “Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng?" chiều 24/9, Đại tá, tiến sĩ, luật sư Lê Ngọc Khánh, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội khẳng định, làm từ thiện là hết sức cần thiết. Bởi xã hội cần góp sức, trong khi Nhà nước không thể nào đáp ứng ngay lập tức và kịp thời với nơi khó khăn.
Luật sư Lê Ngọc Khánh cho rằng, hành lang pháp lý xung quanh vấn đề từ thiện tương đối đầy đủ. Nghị định 64 của Chính phủ, Nghị định 93 cũng nêu rõ cá nhân được làm từ thiện nhưng phải lập quỹ.
Lam tu thien ma khong minh bach… se bi nghi ngo
 Đại tá, tiến sĩ, luật sư Lê Ngọc Khánh.
“Nếu các cá nhân làm tốt, nhân dân ủng hộ. Làm tốt thì nhân dân không bao giờ nghi ngờ. Làm tốt phải từ tâm, làm liêm chính, đúng quy định của pháp luật. Nếu chúng ta làm mà không minh bạch, không trong sáng, không công tâm thì hẳn sẽ bị nghi ngờ. Người dân biết hết!” - luật sư Khánh nói và cho rằng, muốn làm từ thiện tốt trước hết phải có tâm, sau đó chúng ta phải lập quỹ theo quy định của Nghị định 93.
Đề cập đến chuyện sao kê tài khoản từ thiện, luật sư Khánh cho rằng, sao kê vừa rồi của các nghệ sĩ nêu lên rất đúng, rất tốt rồi nhưng chưa đủ.
“Sao kê chưa hết. Sao kê, ngân hàng thì tiền vào ngân hàng và tiền ra ngân hàng. Nhưng khi đã ra khỏi ngân hàng rồi thì làm sao có thể kiểm soát được. Ví dụ một cá nhân vận động quyên góp được 100 tỷ, rút ra 100 tỷ từ ngân hàng nhưng sau khi rút ra thì tiêu vào việc gì, tiêu cho ai? Thì ai biết. Vì vậy chi cho ai, chi việc gì cần có danh sách, cần có sự ký nhận đầy đủ. Vì vậy, sau khi rút tiền từ ngân hàng ra thì tiêu cho ai, làm gì phải hết sức rõ ràng?” - luật sư Khánh nêu ý kiến.
Dẫn lời nói của các cụ “cây ngay không sợ chết đứng”, luật sư Khánh dẫn ví dụ nghệ sĩ Kim Cương, 50 năm làm từ thiện nhưng chưa có điều tiếng gì.
“Tôi cũng đã từng đi làm từ thiện, cũng đã quyên góp nhưng chúng tôi không bao giờ cầm tiền. Mà sau khi quyên góp rồi, chúng tôi phải chuyển cho các đơn vị chức năng như Hội chữ thập đỏ. Chúng tôi chỉ kiểm soát bằng các thông tin từ người nhận cụ thể” - luật sư Khánh cho biết.
Luật sư Lê Ngọc Khánh cho rằng, nếu làm đầy đủ theo quy định của pháp luật thì không cần cơ quan chức năng. Chúng ta làm đúng theo nghị định 93, cơ quan chức năng không cần vào cuộc. Nếu có biểu hiện sai xót như có đơn kiện, đơn tố cáo thì người ta mới vào cuộc.
Theo luật sư Khánh, nếu câu chuyện quyên góp trở thành vấn đề pháp lý đã có quy định của pháp luật. Luật hình sự quy định về tội danh lừa đảo hoặc là lạm dụng tín nhiệm.
“Người làm đứng ra quyên góp là những người giữ tiền, là những người trung chuyển. Còn nhà hảo tâm gửi tiền cho người quyên góp thì đó là tiền của các nhà hảo tâm. Họ tin tưởng chuyển cho người quyên góp. Nếu người đứng ra quyên góp chiếm đoạt thì sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự, hoặc bị phạt tiền tới các mức khác. Nếu có căn cứ người quyên góp có hành vi chiếm đoạt như nhà hảo tâm gửi tới người quyên góp 10 tỷ mà chỉ hỗ trợ 5 tỷ, còn 5 tỷ để tiêu thì đã vào tội lừa đảo và có thể đối diện mức án nhiều năm tù” - ông nêu ý kiến.
Nhấn mạnh làm thiện nguyện phải minh bạch, luật sư Khánh cho rằng, nếu không minh bạch thì chúng ta không thể làm được gì.
“Về việc làm từ thiện, nó có vấn đề lòng tin. Tôi phải nói thật, một số người dân có một chút mất lòng tin với các tổ chức xã hội nên họ có lòng tin vào các nghệ sĩ về các người nổi tiếng. Nhưng vừa rồi một số nghệ sĩ, người nổi tiếng lại làm mất lòng tin của dân chúng. Vì vậy họ mất lòng tin vào công tác thiện nguyện” - luật sư Khánh cho hay.
Do đó, nếu muốn làm từ thiện tốt, có thể phối kết hợp, giám sát giữa các cá nhân và các tổ chức xã hội.
“Ví dụ vừa rồi ở Phong Thổ, Lai Châu bị giông bão, chúng tôi điện lên cho Hội chữ thập đỏ của huyện của tỉnh để hỏi người dân cần gì. Ví dụ, Hội chữ thập đỏ nói đừng gửi gạo, đừng gửi mì tôm lên nhé, họ có nhiều lắm. Người dân lúc này đang cần vật liệu lợp lại nhà, cần vật dụng… Như vậy chúng ta hoạt động cá nhân nhưng thông qua các tổ chức địa phương để làm thiện nguyện một cách cụ thể” - ông Khánh nói.
Vị luật sư nhấn mạnh, nếu chưa minh bạch, chúng ta phải đối diện với dư luận. Đòi hỏi của dư luận là rất đúng. Vấn đề chúng ta có trong sáng hay không, có công tâm hay không? Nếu chúng ta đủ cả sự trong sáng, cả sự công tâm thì đừng có sợ thị phi.
>>> Mời độc giả xem thêm video Xem video "Thủy Tiên - Công Vinh livestream sao kê từ thiện":

Nguồn: Thủy Tiên.

Hải Ninh