Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 có gần 560.000 thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử. Thống kê dựa trên dữ liệu điểm thi của Bộ GD&ĐT cho thấy điểm trung bình là 6,34, cao nhất kể từ năm 2017 - khi môn Lịch sử được đưa vào tổ hợp môn Khoa học Xã hội dưới hình thức trắc nghiệm.
Các năm trước, điểm trung bình dao động trong khoảng 3,79-5,19 và Lịch sử cũng thường thấp nhất trong số 9 môn thi tốt nghiệp THPT.
Phổ điểm Lịch sử lệch phải
Một điểm đáng chú ý là phổ điểm môn Lịch sử năm nay lệch phải với 38.718 thí sinh đạt 7 điểm. Đây là điều chưa có tiền lệ kể từ khi Bộ GD&ĐT thay đổi hình thức thi tốt nghiệp.
Trong 5 năm qua, phổ điểm Lịch sử luôn lệch trái, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình chiếm tỷ lệ lớn. Năm 2018, hơn 83% thí sinh đạt điểm dưới trung bình, tương đương 468.628 em. Trong khi năm nay, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 127.557 em, chỉ chiếm tỷ lệ 19,34%.
Đặc biệt trong năm 2022, số thí sinh bị điểm liệt môn Lịch sử chỉ có 83 em, trong khi đó, số học sinh đạt điểm 10 là 1.779, tăng gấp hơn 6 lần so với năm 2021 (266 em).
Những năm trước, học sinh bị điểm liệt nhiều, số học sinh đạt điểm tuyệt đối chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, điển hình năm 2018 chỉ có 11 em được 10 điểm, năm 2019 là 80 em.
Đây cũng là năm môn Lịch sử ghi nhận điểm trung bình cao nhất trong suốt 7 năm kể từ năm 2016 và là năm thứ 2 con số này vượt mức 5.
Ngoài ra, Lịch sử cũng không "đội sổ" trong số 9 môn thi. Môn này có điểm trung bình chung cao hơn Sinh học (5,02) và Tiếng Anh (5,15).
Trong khi đó, từ năm 2016 đến nay, điểm trung bình Lịch sử chỉ không đứng cuối ở 2 năm 2020. Những năm còn lại, Sử liên tục "đội sổ" ở kỳ thi tốt nghiệp THPT (trước đó là THPT quốc gia).
Điểm Lịch sử cao không phải điều bất ngờ
Khi xem đề thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), đã dự đoán trước điểm thi sẽ cao vì đề thi chính thức bám sát đề minh họa do Bộ GD&ĐT đưa ra. Nhìn chung, cô nhận xét đề thi không đánh đố nên kết quả này không phải là điều bất ngờ.
Cô giáo phấn khởi vì điểm thi môn Lịch sử khả quan hơn. Các năm trước, điểm môn thi này luôn ở tốp thấp, thậm chí “đội sổ” khiến nhiều người có cái nhìn tiêu cực về môn học. Với cô Thảo, việc điểm thi Lịch sử tăng lên là tín hiệu đáng mừng cho việc dạy và học.
Cô cho rằng nó cho thấy việc điều chỉnh ma trận đề thi mang lại kết quả tốt. Điều này có ý nghĩa lớn khi môn Sử được chọn làm môn bắt buộc, học sinh và phụ huynh sẽ an tâm hơn khi học tập. Kết quả khả quan của môn học này giúp xã hội có cái nhìn tích cực hơn, không còn đánh giá học sinh học kém hay bỏ bê môn Lịch sử.
“Điểm Lịch sử năm nay cao là kết quả của sự nỗ lực từ phía học sinh, thầy cô. Tôi rất mừng vì mọi thứ đã đi đúng hướng”, cô Thảo nói với Zing.
Cùng quan điểm với cô Huyền Thảo, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), nhận xét đây là một kết quả “rực rỡ” đối với môn Lịch sử. Theo thầy giáo, kết quả thi năm nay đã một phần phản ánh được sự khả quan trong việc ra đề thi của Bộ GD&ĐT.
So với các năm trước, đề thi năm nay nhẹ nhàng hơn, không có nhiều câu hỏi đánh đố khiến thí sinh lúng túng. Thầy tin rằng cách ra đề thi như năm nay sẽ góp phần giúp học sinh yêu thích môn Lịch sử hơn.
Cả thầy Phú và cô Thảo đều cho rằng số bài thi điểm 10 trong kỳ thi năm nay cao gấp hơn 6 lần so với mọi năm không phải điều bất thường. Đề bài vừa sức, thí sinh đạt điểm cao là điều dễ hiểu.
Thầy Huỳnh Thanh Phú nói thêm đề thi môn Lịch sử năm nay dễ không đồng nghĩa với việc không phân hóa được thí sinh. Mỗi cấp độ đều có sự phân hóa nhất định. Ngoài ra, điểm 10 môn này phân bố rải rác khắp cả nước, không tập trung một trường hay một khu vực nhất định. Đây cũng là minh chứng cho việc đề thi đã thành công trong việc phân hóa trình độ và khả năng học tập của thí sinh.
Lý do điểm trung bình môn Lịch sử tăng mạnh
Thầy Phạm Giềng, giáo viên môn Lịch sử, trường PTLC Phenikaa (Hà Nội) nêu 3 nguyên nhân để lý giải vấn đề này.
Thứ nhất, đề thi môn Lịch sử trong kỳ thi THPT năm 2022 dễ hơn so với những năm trước. Trong đó, số câu hỏi mức độ nhận biết, thông hiểu chiếm khoảng 80%, câu hỏi vận dụng và vận dụng cao chiếm khoảng 20%. Độ khó của những câu vận dụng tăng nhiều so với các năm trước, nhưng độ khó câu vận dụng cao lại giảm đi.
Ngoài ra, kiến thức tập trung chủ yếu trong chương trình lớp 12, kiến thức lớp 11 chỉ có khoảng 2 câu. Thầy giáo nhận thấy đề thi này đảm bảo tính phân hóa, phản ánh được khả năng tư duy của học sinh và đạt độ tin cậy trong việc xét tốt nghiệp THPT.
Thứ hai, sự chủ động tiếp nhận kiến thức lịch sử của học sinh THPT đang có sự thay đổi tích cực. Các em đã dành nhiều thời gian, công sức để bổ sung kiến thức cho môn học này, một phần vì lo lắng điểm thi các năm trước quá thấp. Đây cũng là một cách tạo động lực để học sinh chú tâm hơn vào môn học thú vị này.
Thứ ba, cách tiếp cận và truyền tải kiến thức môn Lịch sử đang đi đúng hướng. Thầy Phạm Giềng nhận định nhiều học sinh yêu môn Lịch sử nhưng lại sợ học và thi. Để cải thiện vấn đề này, các trường THPT hiện nay coi trọng việc nâng cao kỹ năng và phương pháp học tập.
Cách giảng dạy của giáo viên cũng có sự chuyển biến tích cực. Thay vì chỉ dạy những kiến thức trong sách giáo khoa, thầy cô đầu tư thêm các bài giảng, video thú vị về kiến thức lịch sử. Học sinh cũng có thể tiếp cận kiến thức lịch sử trên các nền tảng mạng xã hội, cũng là một cách để vừa học vừa chơi.
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo cũng cho rằng sự đổi mới trong việc dạy và học môn Lịch sử chính là lý do giúp điểm thi năm nay khả quan hơn các năm trước. Bên cạnh đó, do vấn đề dịch Covid-19 kéo dài, việc ra đề đã “dễ thở” và bám sát đề minh họa hơn. Thí sinh nhờ đó có thể hoàn thành bài thi dễ dàng, đạt điểm cao.
“Kết quả thi môn Lịch sử có dấu hiệu khởi sắc là tín hiệu vui cho các nhà giáo dục, phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, chúng ta cần có cái nhìn xa hơn để thấy rõ sự thay đổi này đến từ việc thầy cô biết cách thay đổi phương pháp dạy học, học sinh biết biến nỗi sợ điểm liệt thành động lực học tập chứ không chỉ đơn giản là vì đề thi dễ”, thầy Giềng nhấn mạnh.
Điểm xét tuyển theo tổ hợp có môn Lịch sử sẽ tăng
Căn cứ thống kê và phổ điểm môn Lịch sử năm nay, cả ba thầy cô đều chung dự đoán là điểm xét tuyển các tổ hợp môn có Lịch sử sẽ tăng. Thầy Thanh Phú tin rằng không chỉ riêng tổ hợp môn có Lịch sử, những tổ hợp khác cũng sẽ tăng mức chuẩn. Điều này đã phản ánh được 2 yếu tố của kỳ thi là xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học.
|
Giáo viên dự đoán điểm trúng tuyển theo tổ hợp có môn Lịch sử sẽ tăng. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.
|
Với cô Huyền Thảo, kết quả thi môn Lịch sử năm nay ở mức tốt, đáng tin tưởng để xét tuyển đại học. Cô dự đoán điểm xét tuyển các tổ hợp môn có Lịch sử sẽ tăng từ 1 đến 1,5. Kéo theo đó, để trúng tuyển các đại học tốp đầu, thí sinh phải đạt từ 23,5 điểm trở lên. Nhưng cô hy vọng đề thi các năm sau sẽ tăng độ phân hóa để đảm bảo hơn về chất lượng thí sinh, đồng thời giúp các trường lựa chọn nhân tài sáng giá.
“Phổ điểm đẹp nhất là thoai thoải ở 2 bên thay vì có đỉnh chóp nhọn và đáy hẹp. Nếu Bộ GD&ĐT giữ được ma trận và đề thi như năm nay, mức điểm môn Lịch sử có thể được duy trì”, cô Huyền nhận xét.
Theo thầy Phạm Giềng, với khoảng 20% tổ hợp xét tuyển đại học, cao đẳng có sử dụng kết quả thi THPT môn Lịch sử, kèm theo việc điểm trung bình một số môn giảm so với năm ngoái, rất có thể, nhiều thí sinh sẽ thay đổi tổ hợp môn xét tuyển để nâng cao khả năng trúng tuyển. Theo đó, điểm chuẩn các ngành liên quan môn Lịch sử hoặc tổ hợp môn Khoa học Xã hội sẽ cao hơn so với mọi năm.
Thầy giáo cho rằng trong thời gian tới, ngành giáo dục còn nhiều vấn đề phải cải thiện về phương pháp dạy, học môn Lịch sử, đặc biệt trong bối cảnh thay đổi chương trình học, sách giáo khoa.
Ông tin điểm thi môn Lịch sử năm nay sẽ tạo nguồn cảm hứng mới và lớn hơn để học sinh không còn sợ học, sợ thi, thầy cô cũng sẽ tự tin hơn, dám thay đổi phương thức dạy học. Với những điều đó, tương lai của môn Lịch sử sẽ có nhiều biến chuyển tích cực hơn nữa.
Theo Thái An - Ngọc Bích/Zing