Lan đột biến 250 tỷ ở Quảng Ninh: Chưa chuyển tiền hay chiêu… thổi giá?

Google News

Thượng tá Đỗ Đình Thạch, Phó Trưởng Công an thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) cho biết việc giao dịch lan đột biến Ngọc Sơn Cước giá 250 tỷ đồng là có thật.

Liên quan đến vụ mua bán lan đột biến Ngọc Sơn Cước giá 250 tỷ đồng tại Quảng Ninh, thượng tá Đỗ Đình Thạch, Phó Trưởng Công an thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, Công an thị xã Đông Triều đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ninh làm việc với đại diện chủ vườn lan Var Đất Mỏ là ông Bùi Hữu Giang (SN 1989, ngụ phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều) và khách hàng mua lan là ông Nguyễn Tiến Hưng (cư trú tại khu Vinhomes Bạch Đằng, TP Hải Phòng).
Lan dot bien 250 ty o Quang Ninh: Chua chuyen tien hay chieu… thoi gia?
Thông tin giao dịch cây lan trị giá 250 tỷ đồng.
Theo kết quả xác minh ban đầu, ngày 15/3, ông Giang có văn bản thỏa thuận về việc chuyển nhượng cho ông Hưng cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước. Việc thanh toán được thực hiện sau một năm, khi ông Giang giao đủ số lượng 5.000 cây giống thì ông Nguyễn Tiến Hưng sẽ thanh toán số tiền như đã thỏa thuận là 250 tỷ đồng.
Về nguồn gốc cây lan Ngọc Sơn Cước, trong văn bản thỏa thuận ông Bùi Hữu Giang và Nguyễn Tiến Hưng có nêu rõ ông Giang mua của một người dân bán ven đường khu vực tỉnh Sơn La trong đợt tham quan vào đầu năm 2019. Ông Giang cho rằng cây lan này ông mua chỉ là cây lan thường, sau khi trồng nở hoa mới biết là cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước.
Thượng tá Thạch cho biết, thực tế giữa hai bên chưa có giao dịch chuyển tiền, chỉ là thoả thuận.
Lãnh đạo Công an thị xã Đông Triều cho biết trong thời gian tới, Công an thị xã Đông Triều tiếp tục nắm tình hình nhằm phòng ngừa, phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện, kiểm tra, xử lý các hoạt động lợi dụng việc mua bán lan để vi phạm pháp luật trên địa bàn. Cơ quan này sẽ tham mưu cho Thị ủy, UBND thị xã chỉ đạo cơ quan truyền thông đưa tin vụ việc, tránh gây hoang mang, dư luận xấu trong nhân dân.
Được biết, vườn lan Var Đất Mỏ được ông Bùi Hữu Giang thành lập vào đầu năm 2020 tại khu Cổ Giản (phường Kim Sơn, thị xã Đông Triều) với mục đích ươm trồng, nhân giống các loại hoa lan quý hiếm.
Chia sẻ trên báo Pháp luật TP. HCM, ông Vương Xuân Nguyên, Chánh văn phòng Hội Sinh Vật Cảnh TP. Hà Nội, Phó Chánh văn phòng Trung ương Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết, thị trường sản xuất, kinh doanh và dịch vụ hoa lan cây cảnh đang rất tiềm năng, đặc biệt là hoa lan đột biến bản địa.
Tuy nhiên, bất kỳ hoạt động nào thì cơ hội luôn đi cùng với thách thức, lợi nhuận thường đi đôi với rủi ro. Vì vậy không nên đầu tư sản xuất kinh doanh theo tâm lý đám đông. Càng không nên dùng đòn bẩy vốn từ các nguồn vay mượn lãi suất cao.
“Lượng cung tăng quá lớn trong khi cầu hạn chế thì giá trị trao đổi dưới bất kỳ hình thức nào cũng bị đẩy lên. Từ đó làm phát sinh những trường hợp lợi dụng sự khan hiếm của hàng hóa để lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - ông Nguyên cho biết.
Ông Nguyên cũng mong muốn bên cạnh sự tăng cường quản lý của các cơ quan chức năng, mỗi chủ thể tham gia vào thị trường này cần chủ động minh bạch hóa thông tin, luôn có tinh thần tượng tôn pháp luật, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật, nhất là những những hành vi lừa đảo, giả mạo lan đột biến, thổi giá, nâng giá gây nhiễu loạn thị trường.
Qua sự việc giao dịch lan đột biến 250 tỷ ở Quảng Ninh, dù các bên liên quan đã xác nhận việc giao dịch là có ký kết, song số tiền 250 tỷ chưa được chuyển khiến dư luận đặt ra nghi vấn về việc có hay không các nhà vườn cấu kết nhau để thổi giá lan?
Anh Trần Đức Long (Hà Nội - một người chơi lan) cho biết: "Những năm gần đây phong trào chơi lan trở nên rầm rộ. Thực tế, việc chơi lan đã xuất hiện từ lâu, nhưng do trước đó chưa có mạng xã hội nên hầu hết những người chơi là thực sự đam mê và họ chơi ở trong cộng đồng trồng, chơi lan với nhau. Hiện nay, mạng xã hội phát triển, việc quảng bá thông tin cũng tức thời, dễ dàng hơn nên nhiều người lợi dụng để quảng bá, thổi giá giá trị thật của cây lan.
Giá trị của hoa lan là không thể phủ nhận, đặc biệt là khi hoa lan tự nhiên ngày càng bị tận diệt do con người, do môi trường bị huỷ hoại, do rừng tự nhiên bị suy giảm... Thế nhưng, việc 1 giò lan có giá đến tiền tỷ, thậm chí là vài trăm tỷ là điều phi lý." 
>>> Mời quý độc giả theo dõi video: Bắt nhóm đối tượng lừa đảo bán lan đột biến 

Nguồn VTV.

Anh Long lý giải thêm nhận định của mình: "Theo báo cáo tài chính của Hãng hàng không Bambo Airway năm 2020 họ lãi trước thuế là 400 tỷ, nếu sau thuế thì con số lãi liệu có được 50% là 200 tỷ không? tôi nghĩ là không. Vậy có thể đối chiếu các báo cáo tài chính doanh nghiệp với giá trị cây lan, cả 1 doanh nghiệp với hàng trăm, hàng nghìn con người và tài sản hữu hình 1 năm mới tạo ra được doanh thu trăm tỷ. Vậy cây lan giá trị cả trăm tỷ mua về chỉ để ngắm thì rõ ràng phải đặt nghi vấn! Là người chơi lan lâu năm, tôi từng mua những cây cả chục triệu, nhưng nó thực sự quý và hiếm trong tự nhiên và rất khó nuôi cấy. Vậy nên cơ quan chức năng cần làm rõ các giao dịch lan để tránh những hệ luỵ đáng tiếc có thể xảy ra."
 
Hiểu Lam