Mới đây, cử tri quận Nam Từ Liêm (TP. Hà Nội) tiếp tục có kiến nghị cơ quan chức năng quan tâm, xem xét giữ nguyên danh hiệu Làng nghề truyền thống Cốm Mễ Trì để các hộ dân yên tâm kinh doanh sản xuất.
Tuy nhiên, phản hồi cử tri, UBND TP. Hà Nội cho biết, làng nghề cốm Mễ Trì được UBND thành phố công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống năm 2016. Căn cứ khoản 6, điều 6 Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn: làng nghề truyền thống sau khi được công nhận sẽ xem xét bị thu hồi khi không còn đạt các tiêu chí sau:
a) Có tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia một trong các hoạt động hoặc các hoạt động ngành nghề nông thôn;
b) Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 02 năm liên tục tính đến thời điểm đề nghị công nhận;
c) Đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định của pháp luật hiện hành.
Do vậy, việc giữ nguyên danh hiệu Làng nghề truyền thống Cốm Mễ Trì sẽ được Hội đồng chuyên ngành của Thành phố xem xét dựa trên các quy định trên.
|
Ảnh minh họa. |
Trước đó, theo lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn Thủ đô đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được ban hành, UBND TP Hà Nội đã đưa ra danh sách 29 làng nghề đã bị mai một, cần rà soát, đề xuất đưa ra khỏi danh sách công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn. Lộ trình thực hiện đến hết năm 2023.
Đáng chú ý, trong danh sách có làng nghề truyền thống Cốm Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm); làng nghề May Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm) cũng được đề xuất đưa ra khỏi danh sách công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, với 1.350 làng nghề và làng có nghề, Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước. Làng nghề có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu và đa dạng hóa ngành nghề nông thôn. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh của các làng nghề cũng gây ra một số tác động tiêu cực tới môi trường sống.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã rà soát 315 làng nghề; tiến hành đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm đối với 293 làng nghề đang hoạt động, trong đó có 271 làng nghề được công nhận. Kết quả cho thấy, có 139 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (chiếm 47,5%); 91 làng nghề ô nhiễm (chiếm 31%); 63 làng nghề không ô nhiễm (chiếm 21,5%). Trong đó, các nhóm ngành nghề có nhiều làng nghề gây ô nhiễm môi trường như: Nhóm ngành thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản thực phẩm, dệt, nhuộm, tái chế, gia công cơ kim khí.
Theo Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đến hết năm 2023 Hà Nội phải hoàn thành việc rà soát, đánh giá, phân loại mức độ, khắc phục ô nhiễm môi trường đối với 100% làng nghề đã được công nhận trên địa bàn thành phố và bảo đảm các tiêu chí về môi trường theo quy định.
Đến hết năm 2025, Hà Nội phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu: 100% chất thải nguy hại ở các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp được xử lý; 100% cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải; 100% làng nghề được công nhận, đánh giá, phân loại theo quy định hiện hành; 100% làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường.
>>> Mời độc giả xem thêm video TP. HCM xuất hiện sương mù: Báo động ô nhiễm không khí:
Thiên Tuấn