Làng người Việt hồi hương ven hồ Dầu Tiếng

Google News

Con số di dân từ Campuchia đổ về ấp Tà Dơ ven hồ Dầu Tiếng vẫn tăng lên và chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Vì sao?

Nằm cạnh hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh), khoảng 6 tháng trở lại đây địa danh “ấp Tà Dơ” bỗng trở nên nổi tiếng sau những thông tin trên báo về cuộc sống vô cùng khó khăn của 425 hộ với trên 2.500 nhân khẩu - tất cả đều là người Việt từ Campuchia trở về và không một ai trong số họ, cả người lớn lẫn trẻ con, có các loại giấy tờ tùy thân hợp pháp.
Chưa kể việc mưu sinh của họ cũng rất bấp bênh, hằng ngày chờ các chủ đất thuê đi làm cỏ lúa, vun gốc cao su, nhổ khoai mì hoặc cào hến, mò ốc, đánh bắt cá...
Thế nhưng, con số di dân từ Campuchia đổ về ấp Tà Dơ vẫn tăng lên và chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Vì sao?
1. 12 giờ 30 trưa Chủ nhật, 18/9/2016, theo sự hướng dẫn của anh Huỳnh Tấn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, người đã có hơn 30 năm gắn bó với mảnh đất này, chúng tôi xuống ấp Tà Dơ.
Đường từ trung tâm xã xuống Tà Dơ dài khoảng 6km, một nửa đã tráng nhựa còn nửa kia vẫn là đất cấp phối. Đang giữa trưa nắng gắt nhưng hàng chục chiếc xe gắn máy, chiếc nào chiếc nấy chở 2 hoặc 3 bao gạo - loại bao 10kg cùng những thùng mì gói, những túi bánh kẹo, quần áo cũ, ào ạt phóng qua mặt chúng tôi. Theo anh Hiệp, đó là những người dân ấp Tà Dơ đi nhận quà về.
Anh nói: “Sáng nay có 2 đoàn từ thiện đăng ký với UBND xã phát quà cho bà con. Một đoàn thuộc một tổ chức tôn giáo còn đoàn kia ở TP Tây Ninh...”. Hỏi thăm một phụ nữ tên Sa đang dừng xe bên lề đường để buộc lại mấy bao gạo, chị cho biết chị cùng gia đình sống ở ven hồ Tonle Sap (thường được gọi là Biển Hồ), thuộc tỉnh Pursat, Campuchia từ năm 1982 nhưng do sinh kế ngày càng khó khăn nên tháng 7/2016, vợ chồng con cái dắt díu nhau qua đây.
Tôi hỏi vì sao không đến huyện Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp hay huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang vì quãng đường di chuyển từ Biển Hồ theo dòng Mê Kông về đó thuận tiện hơn, điều kiện làm ăn cũng dễ dàng hơn thì chị cười: “Mấy gia đình đi trước nói ở Tà Dơ, quà cứu trợ người ta cho nhiều lắm...”.
Lang nguoi Viet hoi huong ven ho Dau Tieng
Người dân Tà Dơ lĩnh quà cứu trợ. 
Không riêng chị Sa, tất cả người dân hiện đang cư ngụ tại ấp Tà Dơ mà tôi tiếp xúc đều kể rằng hồi tháng 3/2016, khi một số tờ báo bắt đầu đăng tải tin tức, hình ảnh cuộc sống của họ thì từ đó đến nay, họ thường xuyên nhận được quà “cứu trợ” của những tổ chức từ thiện, những nhà hảo tâm ở Tây Ninh, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, thậm chí là ở các tỉnh miền Tây xa xôi như Cần Thơ, Rạch Giá.
Ngay cả một câu lạc bộ mô tô phân khối lớn, lúc biết thông tin về “ấp Tà Dơ”, các thành viên đã tự nguyện đóng góp tiền bạc mua quà rồi vượt cả trăm cây số lên tặng cho họ. Trung bình cứ 3 hoặc 4 ngày lại có một đoàn đến, thậm chí lắm khi cả 2 đoàn cùng đến trong một ngày, nhất là những ngày cuối tuần. Quà tặng chủ yếu là gạo, nước tương, mì gói, dầu ăn, bột canh, quần áo cũ.
Một cư dân trong ấp cho biết tết Trung Thu vừa rồi, có thêm bánh kẹo và đồ chơi trẻ con. Anh Huỳnh Tấn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành nói theo thống kê, có tháng có 15 đoàn đến tặng quà - nghĩa là 2 ngày lại có một đoàn. Sau những đợt từ thiện ấy, một số gia đình gạo, mì gói chất thành “cây”, ăn không hết đem bán lấy tiền mua những đồ vật sinh hoạt khác hoặc mua rượu, mua bia về nhậu!
Vẫn theo anh Hiệp, xã Tân Thành chính thức ra đời năm 1980 nhưng mãi cuối năm 1984, đầu 1985, khi lòng hồ Dầu Tiếng ngập nước, khu vực ven hồ thuộc địa bàn xã mới chỉ lác đác vài ngôi nhà của người dân: “Khi đó chưa có ấp Tà Dơ nhưng năm 2012, hàng chục hộ người Việt, phần lớn ở các tỉnh xung quanh Biển Hồ Campuchia như Pursat, Siem Reap, Kampong Chhnang đột ngột đến dựng nhà, hình thành một xóm nhỏ rồi dần dần, số lượng di dân tăng lên. Để quản lý, UBND huyện Tân Châu đồng ý cho xã thành lập thêm ấp Tà Dơ”.
Sau 5 năm kể từ ngày những người đầu tiên đặt chân lên mảnh đất ven hồ, tính đến tháng 3/2016, dân số Tà Dơ vào khoảng 1.800 người nhưng từ khi báo chí đưa tin thì chỉ trong 6 tháng - từ tháng 3 đến tháng 9-2016, con số này đã tăng lên hơn 2.500 người với 425 hộ và chưa có dấu hiệu dừng lại. Anh Hiệp nói tiếp: “Chính vì tin truyền miệng rằng về đây sẽ có quà cứu trợ nên nhân khẩu trong ấp thay đổi hằng tuần, thậm chí hằng ngày. Chủ yếu chỉ có “nhập” mà không có “xuất”.
Lang nguoi Viet hoi huong ven ho Dau Tieng-Hinh-2
3 bao gạo, 1 túi bánh kẹo và 2 thùng mì là quà mà gia đình này nhận được trong sáng chủ nhật. 
2. Khoảng thời gian đầu tiên định cư ở ven hồ, để sinh sống, người dân Tà Dơ chủ yếu đi làm mướn với những công việc như dọn cỏ vườn cao su, cỏ lúa, nhổ khoai mì hoặc mò ốc, cào hến, đánh bắt các loại cá dưới hồ Dầu Tiếng, còn trẻ con, phụ nữ, người già đi bán vé số nhưng 6 tháng nay, lúc những đoàn từ thiện tìm đến thì một số người thôi không làm nữa, ăn rồi ngồi chơi... chờ quà!
Nhà cửa trong ấp đều làm theo kiểu nhà sàn, cách mặt đất chừng 0,5m, chắp vá tạm bợ bằng những thân cây chằng buộc lại với nhau, mái và vách lợp bạt nilon, diện tích chỉ khoảng 5 đến 6m2. Nhà nào cũng vậy, chính giữa là một cái sạp lót bằng mấy tấm ván hoặc cái chõng tre, chăn mền, quần áo, đồ vật linh tinh dồn vào một góc. Vợ chồng con cái tất cả ăn ngủ trên đó còn nấu nướng thì bếp đặt bên ngoài, rác rưởi vương vãi trước cửa, trên các lối đi.
Có chỗ, “nhà” chỉ là một con thuyền gỗ đã hư hỏng, bề ngang chừng 1,2m, dài gần 3m, che chắn sơ sài nhưng lại chứa đến 5 người. Mùa nắng thì nóng còn mùa mưa, nước hồ dâng lên khiến nhiều nhà phải di dời đến chỗ đất cao, chưa kể mùa mưa muỗi từ những cánh rừng cao su đối diện ngửi thấy “hơi” người, bay đến như vãi trấu.
Quan sát kỹ, tôi không hề thấy nhà nào có nhà vệ sinh. Hỏi thăm một người dân, anh cho biết việc “giải quyết” đơn giản chỉ là đi ra mép hồ nên sự ô nhiễm là điều không thể tránh khỏi. Hỏi tiếp về chuyện nước sinh hoạt, anh bảo cứ chạy ghe ra cách bờ hồ chừng 100m rồi múc nước vào can, đem về uống trực tiếp vì nước ở xa ngoài đó là... nước sạch(?!).
Quá nghèo thì thôi, không nói, nhưng một số hộ có điều kiện lại không chịu sửa sang chỗ ở. Theo tìm hiểu của tôi, ấp Tà Dơ hiện có hơn 20 gia đình có ghe thuyền làm bằng composite, gắn máy nổ, hằng ngày đánh bắt cá, cào ốc, hến để mưu sinh, thu nhập bình quân 2, 3 trăm nghìn đồng/ngày. Một người đàn ông mà chúng tôi không muốn nêu tên nửa đùa nửa thật: “Sửa nhà rồi họ thấy mình khá, họ không cho quà cứu trợ(!)”.
Một đứa bé sau khi mặc chiếc áo thun trắng mà một đoàn từ thiện vừa tặng cho, đã vội vã cởi ngay ra, để lộ thân hình còm cõi, nước da đen nhẻm rồi đưa cho người mẹ ngồi trên chiếc chõng tre gần đó, nhét vào chiếc bao xác rắn. Tôi hỏi: “Sao con không mặc luôn?” thì đứa bé trả lời: “Má con nói mặc vô người ta thấy con có áo, người ta không cho nữa”.
Ở một căn nhà khác, một người đàn ông cởi trần, ngồi dựa cây cột. Trên sàn gỗ là bao gạo và hộp sữa bột, quà của một đoàn từ thiện. Ông cho biết ông sống với vợ cùng 2 đứa con, còn 2 đứa khác đã lập gia đình, cất nhà ở riêng ngay bên cạnh. Tôi hỏi hiện nay ông làm gì, nhà ông có thường xuyên nhận được quà từ thiện không, thì ông đáp: “Trước tui chài lưới nhưng nay nước hồ rút xuống cạn quá nên tui nghỉ. Từ tháng 3 tới nay, cứ vài ba bữa lại có một đoàn vô cho nên cũng đủ ăn, đủ sống”.
Lang nguoi Viet hoi huong ven ho Dau Tieng-Hinh-3
 Chiếc xuồng gỗ đã hỏng, nát cũng biến thành nhà.
Anh P. (xin giấu tên theo yêu cầu của anh), chạy xe ôm, cư trú ở xã Suối Dây, cách ấp Tà Dơ khoảng 6km, thường xuyên vào đây chở dân đi lĩnh quà từ thiện cho biết anh cũng là người được thuê chở gạo, mì gói đi bán. Anh nói: “Họ không bán ở xã Tân Thành mà nhờ tôi chở ra Suối Dây, có khi ra tuốt ngoài thị trấn Tân Châu để kết hợp mua sắm những thứ đồ dùng khác”.
Tôi hỏi mỗi lần chở, số lượng bao nhiêu thì anh nói: “Mì gói khoảng chục thùng vì nó cồng kềnh, gạo 10 hoặc 15 bao, mỗi bao 10kg còn sữa có khi 5, 7 thùng, dầu ăn 2, 3 chục chai, tùy theo các đoàn vô cho, do nhiều nhà dồn lại. Mỗi lần chở, họ đều kêu tôi lấy bạt nilon che kín, sợ bị phát hiện”.
3. Công bằng mà nói, không phải tất cả người dân Tà Dơ đều “ăn rồi ngồi chờ quà” nhưng theo anh Huỳnh Tấn Hiệp, qua khảo sát thì con số này chiếm trên 50%. Về mặt chính quyền, UBND xã Tân Thành không ngăn cản những tấm lòng hảo tâm, từ thiện đến tặng quà cho dân Tà Dơ, nhưng ở một khía cạnh khác, ngoài tâm lý “chờ sung rụng” của một số dân cư thì vật chất dư thừa - dẫu chỉ là dư thừa nhất thời - đã dẫn đến hiện tượng ăn nhậu say sưa rồi xích mích, cãi cọ, chưa kể điều kiện vệ sinh thấp kém là nguồn gốc gây ra những chứng bệnh dịch tả, tiêu chảy, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, sốt rét cùng các bệnh ngoài da...
Để ổn định cuộc sống cho hơn 2.500 người, chính quyền xã Tân Thành, UBND huyện Tân Châu và UBND tỉnh Tây Ninh đã tiến hành nhiều biện pháp, cụ thể như tất cả những trẻ em sinh ra từ năm 2012 trở về sau đều được cấp giấy khai sinh và thẻ BHYT, còn người lớn thì do giấy tờ chứng minh nguồn gốc của họ không có nên chưa đủ căn cứ pháp lý để làm hộ khẩu, chứng minh nhân dân. Năm học 2016-2017, các trường ở ven hồ Dầu Tiếng thuộc 3 huyện Tân Biên, Tân Châu và Dương Minh Châu đã huy động được 560 học sinh là con em người Việt từ Campuchia hồi hương đi học.
Theo anh Huỳnh tấn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, bên cạnh việc nâng cao nhận thức vệ sinh môi trường cho người dân ấp Tà Dơ, UBND xã đã đề xuất kế hoạch di dời dân Tà Dơ về khu đất công ở ấp Đồng Kèn 2, cấp cho mỗi hộ 100m2 và vận động xã hội chung tay xây nhà đại đoàn kết nhằm giúp bà con có điều kiện an cư, lạc nghiệp. Tuy nhiên, quỹ đất công ấy cũng có giới hạn nên với con số 425 hộ như hiện nay - và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại - thì nếu di dời cũng chỉ đáp ứng được một phần.
Cuối cùng, sự trợ giúp của những nhà hảo tâm, những tổ chức từ thiện đối với người dân ấp Tà Dơ là điều đáng trân trọng, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Tuy nhiên, thay vì cho “con cá” thì nên là chiếc “cần câu”. Việc các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện cùng phối hợp với chính quyền địa phương để tạo cho dân Tà Dơ có chỗ ở ổn định, có môi trường sống bảo đảm vệ sinh là tiền đề cơ bản để họ tự vươn lên thay vì lây lất qua ngày và tồn tại nhờ những bao gạo, những gói mì cứu trợ!
Theo bác sĩ Nguyễn Cộng Hòa, giảng viên bộ môn Ngoại Tổng quát, Đội trưởng Đội Công tác xã hội Công đoàn Khoa Y, Đại học Y Dược TP HCM thì sau khi đọc những thông tin về ấp Tà Dơ trên báo chí, Đội CTXH với hơn 30 bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên dự định tiến hành chương trình khám chữa bệnh, phát thuốc và tặng quà cho người dân Tà Dơ, kinh phí do nhà hảo tâm ở TP HCM tài trợ. Nhưng qua chuyến đi khảo sát tại nơi này, mắt thấy tai nghe những gì đang diễn ra và qua cuộc họp với UBND xã Tân Thành, Đội CTXH quyết định chuyển chương trình từ thiện nói trên đến ấp Tân Đông, cũng thuộc xã Tân Thành.
Theo An Ninh Thế giới