Làng quê bất an bởi “bác sỹ nhà trời” mổ khối u bằng... điện thoại

Google News

Trên địa bàn xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên (Yên Bái), mấy năm trở lại đây nổi lên một nhân vật hành nghề mê tín dị đoan, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của mọi người để chữa bệnh bằng những phương pháp phản khoa học... Nhân vật có nhiều hành vi vi phạm pháp luật ấy là bà Đỗ Thị Huệ, thường trú tại thôn 10, người tự xưng là "bác sỹ nhà trời”.
 

Theo tài liệu của Cơ quan An ninh điều tra và trực tiếp có mặt tại Hưng Khánh, chúng tôi được biết, bà Đỗ Thị Huệ sinh năm 1952 tại Trực Mỹ, Nam Ninh, Nam Định cùng với gia đình lên xây dựng vùng kinh tế mới và thường trú tại thôn 10 (Đát Quang), xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên.
Năm 1989, bà Huệ không may mắc bệnh thần kinh đã được gia đình đưa đi điều trị nhưng không khỏi. Đến năm 2006, bà Huệ khỏi bệnh (quá trình bệnh tình thuyên giảm và khỏi hẳn trùng với việc sau khi bà Huệ đi lễ tại đền Tuần Quán, thành phố Yên Bái). Từ khi khỏi bệnh thần kinh, bà tự nhận thấy mình có khả năng chữa nhiều bệnh.
Lang que bat an boi “bac sy nha troi” mo khoi u bang... dien thoai
 Cơ sở thờ tự không phép của bà Đỗ Thị Huệ ở thôn Đát Quang, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Khoảng tháng 8/2006, bà Huệ tự nhận mình theo "đạo Ngọc Phật Hồ Chí Minh” mang danh "bác sỹ nhà trời”; cùng với việc tụng kinh, hành lễ thứ đạo lạ, tuyên truyền về khả năng khám, chữa bệnh mà bề trên chỉ dạy, bà Đỗ Thị Huệ còn tiến hành khám và chữa bệnh cho nhiều người bằng phương pháp hết sức ngây ngô và phản khoa học như: hướng dẫn bệnh nhân há miệng tự tưởng tượng mình đang uống thuốc, tay xoa vào chỗ đau sau đó đọc câu thần chú: "Con lạy bác sỹ nhà trời, đức Ngọc Phật Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sỹ...”.
Có lẽ do tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương”, đặc biệt là những người mắc bệnh hiểm nghèo, chữa trị nhiều lần, nhiều nơi nhưng không khỏi, phần lớn là bệnh ung thư hoặc thần kinh... nên nhiều người tìm đến để được bà Huệ làm phép.
Tất nhiên, chẳng ai đi chữa bệnh mà không trả tiền, thậm chí là nhiều tiền! Đọc đến đây hẳn mọi người đều hiểu hành vi của bà Đỗ Thị Huệ đã vi phạm các quy định về khám, chữa bệnh và hành vi đó có dấu hiệu lợi dụng mê tín để hành nghề.
Do công tác quản lý thiếu chặt chẽ và chưa cương quyết của chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng nên hành vi vi phạm của bà Huệ không những không chấm dứt mà còn ngày càng phát triển, cụ thể là thu hút ngày càng nhiều "đệ tử” (có những buổi hành lễ với cả trăm người tham gia; khám, chữa bệnh bằng hình thức mê tín, dị đoan, phản khoa học trong một thời gian dài, cho nhiều người...).
Khẳng định những điều nêu trên bởi các căn cứ như sau: ngày 26/6/2007, UBND huyện Trấn Yên đã có quyết định đình chỉ việc xây chùa, hoạt động mê tín dị đoan, khám, chữa bệnh trái quy định pháp luật và tiến hành tháo dỡ tấm biển "Chùa Thiên Nga” treo tại nhà bà Huệ, ra quyết định xử phạt 4 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế của bà Đỗ Thị Huệ.
Tuy nhiên, bà Huệ không chấp hành các quyết định xử phạt, nộp phạt; không có dấu hiệu chuyển biến về nhận thức, thái độ; đồng thời, còn công khai hoạt động khám, chữa bệnh, mê tín dị đoan, thu tiền của nhiều người...
Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, ngày 14/10/2018, bà Huệ tổ chức ngày lễ 14 Âm lịch hàng tháng, thu hút 37 người đến từ huyện Văn Chấn và các tỉnh Sơn La, Hưng Yên... tham gia; ngày 20/11/2018, bà Huệ cũng tổ chức ngày lễ ngày 14 âm lịch, thu hút 30 người (phần lớn là bệnh nhân) tham gia; ngày 22/11/2018, bà Huệ tổ chức lễ tổ quy tại cơ sở thờ tự trái phép của mình với sự tham gia của 60 người.
Có thể kể tên một số người đã được bà Huệ chữa bệnh và thu tiền như: trường hợp chị Trần Thị T, sinh năm 1978, ở Bình Thuận, Văn Chấn (chị T bị u nang buồng trứng), chị T đã được bà Huệ "mổ” qua điện thoại di động và nộp khoản phí 2,5 triệu đồng; anh Bàn Văn N, trú tại Phù Yên, Sơn La bị bệnh ung thư phổi đã được bà Huệ "mổ” trực tiếp qua điện thoại, số tiền đã nộp là 3 triệu đồng; chị Đỗ Thị L, ở Bình Thuận, Văn Chấn bị bệnh ung thư vòm họng cũng được bà Huệ "mổ” bằng đường âm qua cách... gọi điện thoại...
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thanh Thủy - Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: "Tâm lý có bệnh thì vái tứ phương đã hình thành trong dân gian từ xa xưa nên người mắc bệnh, nhất là những bệnh hiểm nghèo luôn tìm mọi cách, mọi phương pháp, kể cả phản khoa học, mê tín dị đoan để chữa trị.
Một số trường hợp được xác định mắc ung thư nhưng đã khỏi bệnh, có thể do chẩn đoán nhầm hoặc do sử dụng bài thuốc dân gian nào đó hoặc có thể tự khỏi... được lan truyền trên mạng xã hội. Thế là một đồn mười, mười đồn trăm, trăm đồn nghìn, cứ thế lan tỏa. Bệnh nhân ung thư hoặc người nhà của họ đọc được, trong cơn vô vọng đã tìm đến chạy chữa với suy nghĩ may mắn mình sẽ khỏi mà đã là "may rủi” thì màu sắc mê tín đã hàm chứa trong đó”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, mới đây, bà Đỗ Thị Huệ cho viết một thông báo ở cổng nhà mình với nội dung: "Xin thông báo nhà chùa không chữa bệnh cho dân nữa vì các lãnh đạo thôn Đát Quang và cán bộ xã Hưng Khánh, cán bộ huyện Trấn Yên cấm bà Đỗ Thị Huệ không được chữa bệnh cho dân nữa. Đã nghiêm cấm! Mong quý khách khắp miền đất nước thông cảm cho tôi”, kèm theo số điện thoại 0376611517.
Đọc thông báo của bà Huệ mọi người rất dễ nhận thấy mưu mẹo của người phụ nữ hành nghề chữa bệnh bằng phương pháp mê tín này: không chữa bệnh nữa vì cán bộ cấm chứ không phải bà ta đã nhận thức được hành vi sai trái nên chấm dứt.
Chữ "nhà chùa” cũng ngầm khẳng định với người đọc rằng, đây là cơ sở văn hóa tâm linh, còn số điện thoại của bà Huệ được viết lên đó cũng không có mục đích gì khác ngoài hai từ... quảng bá!
Được biết, năm 2018 và đầu năm 2019, xã Hưng Khánh và huyện Trấn Yên cũng đã có những biện pháp giải quyết trường hợp bà Đỗ Thị Huệ, như: ngày 27/9/2018, UBND huyện Trấn Yên đã tổ chức buổi làm việc giữa các sở, ban ngành bàn biện pháp xử lý giải quyết; ngày 22/10/2018, huyện Trấn Yên đã thành lập tổ công tác trực tiếp giải quyết; ngày 20/11/2018, Ban Dân vận Huyện ủy Trấn Yên đã cử cán bộ về Đát Quang, Hưng Khánh tổ chức họp thôn...
Tuy nhiên, giải pháp đưa ra vẫn chỉ là kiên trì vận động, thuyết phục bà Đỗ Thị Huệ nhận thức rõ hành vi của mình; tuyên truyền cho quần chúng nhân dân về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung về tự do tín ngưỡng và quy định về hành nghề y nói riêng.
Việc tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục là rất đúng đắn và cần thiết nhưng có lẽ là chưa đủ với trường hợp của bà Đỗ Thị Huệ mà cần có biện pháp mạnh mẽ hơn.
Không thể ngang nhiên lập đền, chùa không phép, càng không thể công khai hành lễ, quảng bá thứ đạo lạ mang tên "Ngọc Phật Hồ Chí Minh” - một thứ đạo không phép đã bị Ban Tôn giáo Chính phủ chính thức bác bỏ; đặc biệt là hành vi khám, chữa bệnh rất kỳ quái nhằm mục đích kiếm tiền trên hoàn cảnh khổ đau của mọi người.
Theo Tấn Đạt (Báo Yên Bái)